Nỗi lo lớp 1!

20/10/2020 - 06:40

 - Là thế hệ đầu tiên tiếp nhận những thay đổi của sách giáo khoa mới và chương trình mới, học tập trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp… thật sự là áp lực lớn đối với trẻ mới vào lớp 1.

Năm học này, có 5 bộ sách giáo khoa lớp 1 mới được đưa vào dạy học trên toàn quốc, bao gồm 4 bộ của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và 1 bộ “Cánh diều” của Nhà xuất bản Đại học Sư phạm và Nhà xuất bản Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh biên soạn. Mặc dù lộ trình chuẩn bị chương trình, nội dung sách giáo khoa mới đã được triển khai từ mấy năm nay với sự tham gia của những bậc “đại thụ” trong ngành giáo dục và được rà soát kỹ lưỡng nhưng vẫn bộc lộ nhiều khuyết điểm.

Mới thực học hơn 6 tuần nhưng chương trình giáo dục phổ thông mới và sách giáo khoa mới đã phát sinh nhiều ý kiến trái chiều, bộc lộ nhiều “sạn”. Trong đó, bộ sách Tiếng Việt lớp 1 “Cánh diều” bị chê: dồn ép trẻ phải học thuộc chữ và vần trong thời gian ngắn dẫn đến quá tải; sử dụng nhiều phương ngữ, nhiều truyện ngụ ngôn không phù hợp với lứa tuổi học sinh lớp 1…

Nhiều phụ huynh bức xúc cho biết, từ khi con vào lớp 1 mọi sinh hoạt trong gia đình bị xáo trộn, áp lực, căng thẳng. Nguyên nhân do chương trình mới quá nặng, nhất là đối với trẻ không học trước lớp 1. Giáo viên thì tăng cường dạy trên lớp, dạy thêm ở nhà, tối về cha mẹ còn kèm cặp thêm… nhưng trẻ vẫn khó tiếp thu. “Khó khăn là phần âm chỉ dạy trong 4 tuần (chương trình cũ là 8 tuần) nên có bài dạy tới 4 âm, 4 vần, lại vừa tập viết, vừa phải nhận dạng chữ, viết bảng và đọc. Các bé chưa kịp nhớ thì hôm sau lại phải học thêm 3-4 âm nữa nên rất khó khăn. Chủ trương giảm tải nhưng thực tế là rất áp lực cho học sinh” - một giáo viên có thâm niên dạy lớp 1 ở TP. Long Xuyên cho biết.

Theo GS Nguyễn Minh Thuyết (Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới và là Chủ biên bộ sách Tiếng Việt tiểu học “Cánh diều”): so với chương trình cũ, chương trình mới tăng cường hoạt động của học sinh, tăng cường thực hành. Còn về sách giáo khoa thì cả 5 bộ sách mới đều đã qua dạy thực nghiệm, trình hồ sơ thực nghiệm ra Hội đồng thẩm định sách giáo khoa quốc gia… Sách giáo khoa bây giờ chỉ là tài liệu chính thức để dạy học, giáo viên không phải dạy theo từng chữ, từng câu mà theo tinh thần dạy học phân hóa. Vì vậy, thầy cô nên vận dụng sách cho phù hợp với học sinh của mình(?)

Theo GS Thuyết, sách Tiếng Việt lớp 1 “Cánh diều” có phần cứng là 332 tiết dạy chữ (hoặc dạy vần) và "phần mềm" là 88 tiết cho các bài ôn tập (tự đọc sách báo, góc sáng tạo). Nơi nào học sinh học nhanh thì hoàn thành cả "phần cứng" là các bài học chính và "phần mềm". Nơi nào học sinh học chậm thì chỉ cần hoàn thành bài học chính. Giáo viên hoàn toàn không cần phải vội "chạy" cho hết bài?

Từ trước tới nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) luôn chủ trương “không dạy lớp 1 trước cho trẻ”, nhưng trước thực tế môn Tiếng Việt lớp 1 quá khó, giáo viên khó có thể truyền thụ hết kiến thức cho học sinh ngay trên lớp; còn về nhà thì phụ huynh loay hoay không thể dạy con, thì làm sao trẻ theo kịp chương trình? “Vợ chồng mình đi làm suốt ngày. Nghĩ là lớp 1 nhẹ nhàng (vì có đứa cháu nay học lớp 3 nhưng chưa học thêm môn nào), ai ngờ năm nay đổi sách mới, nội dung quá nặng. Tối nào mình cũng học với con đến khuya mà chưa xong bài. Nếu không cho con học thêm thì không thể nào vô lớp học kịp. Đổi mới kiểu gì mà quá rắc rối, chết tụi nhỏ!” - một phụ huynh có con học lớp 1 bức xúc.

“Bé lớn của mình đang học lớp 4, học xong về rất thoải mái, không áp lực bài vở. Còn bé nhỏ mới vào lớp 1 được 6 tuần mà cả gia đình rối tung lên. Đêm nào cũng học môn Tiếng Việt tới khuya mà không hiệu quả, cứ học trước quên sau. Chương trình quá nhanh, quá nặng, nội dung thì phức tạp, không phù hợp với trẻ lớp 1” - chị Kiều Trang (TP. Long Xuyên) cho biết.

Trước bức xúc của dư luận,  Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết sẽ mở thêm các kênh góp ý, phản biện nội dung các bộ sách giáo khoa mới ngay từ nhóm tác giả, nhà xuất bản đề xuất bản thảo thẩm định… Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ GD&ĐT trân trọng, nghiên cứu, tiếp thu một cách cầu thị, khoa học những góp ý về sách giáo khoa lớp 1 mới, có sự giải thích thuyết phục và thông tin đầy đủ, kịp thời đến nhân dân.

Mong rằng những điều chỉnh sẽ phù hợp, để nội dung môn học Tiếng Việt không còn là “nỗi ám ảnh” đối với học sinh, giáo viên và phụ huynh!

Phòng GD&ĐT huyện An Phú đã tổ chức cho các trường lựa chọn 1 trong 5 bộ sách giáo khoa mới để giảng dạy lớp 1, trong đó bộ sách “Chân trời sáng tạo” và bộ sách “Cánh Diều” được lựa chọn nhiều nhất. Các trường đã được tập huấn cụ thể về phương pháp, hình thức tổ chức giảng dạy, bố trí theo chương trình khung. Đa số giáo viên đều nắm được cách thức giảng dạy, chương trình giáo dục. Tuy nhiên, dư luận khá bức xúc: nội dung quá phức tạp, yêu cầu quá nặng, trong 6 tuần mà yêu cầu học sinh đọc được cộng với phải học được âm, vần.

 

HỮU HUYNH