Đến hẹn lại lên, những câu vọng cổ ngọt ngào lại có dịp vang vọng trên sóng phát thanh của Đài Truyền thanh huyện Tịnh Biên. Đó là nỗ lực của đơn vị trong việc duy trì, phát huy những giá trị truyền thống, đáp ứng nhu cầu thưởng thức dân ca nhạc cổ của đông đảo người dân. Cũng như các địa phương có phong trào đờn ca tài tử phát triển mạnh, người dân Tịnh Biên rất đam mê vọng cổ. Điều đó được minh chứng qua việc số lượng thí sinh tham dự hội thi tăng lên hàng năm. Ngoài ra, hội thi cũng góp phần khẳng định sức sống của ca cổ trong lòng giới trẻ hiện nay bên cạnh dòng nhạc trẻ hay nhạc nước ngoài.
Hội thi có nhiều thí sinh ca, diễn tốt
Trưởng đài Truyền thanh huyện Tịnh Biên Nguyễn Văn Khị cho biết: “Hội thi ca cổ trên sóng phát thanh huyện Tịnh Biên bên cạnh mục đích chào mừng những thành tựu về phát triển kinh tế - xã hội của huyện Tịnh Biên nói riêng và của tỉnh nói chung, còn nhằm bảo tồn, phát huy giá trị loại hình ca cổ cải lương. Qua đó, khơi dậy phong trào ca hát trong cộng đồng, tạo điều kiện thuận lợi để phát hiện những giọng hát hay ở cơ sở và làm phong phú thêm chương trình phát thanh địa phương”. Đồng thời, hội thi còn góp phần thực hiện tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”, phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở, đa dạng hóa đời sống tinh thần của người dân địa phương”.
Đến với hội thi, các thí sinh sẽ trình bày những bài ca vọng cổ có nội dung ca ngợi Đảng, ca ngợi Bác Hồ, Bác Tôn; thể hiện tình yêu quê hương, đất nước, tình yêu đôi lứa; ca ngợi truyền thống đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc; phản ánh phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh trên quê hương Tịnh Biên. Ngoài ra, còn có những bài bản thuộc lĩnh vực đờn ca tài tử nhằm nâng cao trình độ ca diễn của các thí sinh. Dù điều kiện còn nhiều khó khăn nhưng Tịnh Biên nỗ lực tổ chức hội thi ca cổ trên sóng phát thanh và nhận được sự tham gia tích cực của các thí sinh đến từ nhiều địa phương trong tỉnh. Điều đó cho thấy sức ảnh hưởng của hội thi đã vượt qua một sân chơi cấp huyện, trở thành điểm đến cho những ai yêu thích loại hình nghệ thuật truyền thống đặc sắc của dân tộc.
Hội thi năm nay đã bước qua vòng sơ khảo, vòng chung kết và được Ban Tổ chức đánh giá cao về chất lượng ca, diễn của các thí sinh. Đặc biệt, nhiều thí sinh có điểm thi rất cao với khả năng diễn xuất tốt, giọng hát ngọt ngào thể hiện được cảm xúc của bài hát khiến cho từng lời ca thấm sâu vào lòng người nghe. Có thể điểm qua những cái tên như: Huỳnh Thị Kim Tuyến (An Phú), Dương Văn Đồng (TX. Tân Châu), Đặng Thị Mỹ Viên (Châu Phú), Lương Văn Chưởng (Phú Tân), Trần Anh Tuấn (TP. Châu Đốc)… Đây đều là những giọng ca có tố chất, thể hiện năng khiếu trong việc chuyển tải nội dung, tình cảm của loại hình ca cổ đến với người nghe.
Hội thi nhận được sự quan tâm của đông đảo người dân
“Thực tế, để ca vọng cổ hay không phải là chuyện giản đơn, đó là sự tổng hòa về giọng hát, nhịp nhàng, cách phát âm rõ chữ và đặc biệt là những cảm xúc mà thí sinh mang đến cho khán, thính giả. Với những người không thể đến xem thí sinh trực tiếp trên sân khấu thì cũng có thể lắng nghe qua hệ thống phát thanh của Đài Truyền thanh huyện Tịnh Biên. Do đó, chúng tôi đảm bảo đáp ứng tốt nhu cầu thưởng thức của người dân, mang đến niềm vui cho họ trong thời điểm Tết đến xuân về” - ông Nguyễn Văn Khị thông tin.
Qua những lần tổ chức thành công, Hội thi ca cổ trên sóng phát thanh huyện Tịnh Biên hứa hẹn sẽ là sân chơi thường niên, thu hút sự quan tâm của đông đảo thí sinh và người dân địa phương, trở thành nơi ươm mầm cho tình yêu cổ nhạc trong thời gian tới.
THANH TIẾN