Canh tác khoảng 4ha đất trồng lúa, trước đây, ông Nguyễn Văn Thắm chủ yếu sản xuất theo phương pháp truyền thống, chưa áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nên lợi nhuận thấp, có vụ không có lời. Quyết tâm phát triển kinh tế gia đình, ông Thắm không ngừng học hỏi kinh nghiệm và tiếp thu khoa học - kỹ thuật từ các cuộc khuyến nông, hội thảo đầu bờ, tham quan mô hình trình diễn các giống lúa năng suất cao... Từ đó, ông đã mạnh dạn áp dụng mô hình kỹ thuật canh tác “1 phải, 5 giảm” vào ruộng lúa của gia đình.
“Trong mô hình này, “1 phải” là phải sử dụng giống lúa xác nhận, còn “5 giảm” là giảm lượng giống gieo sạ, giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật, giảm lượng phân đạm, giảm lượng nước, giảm thất thoát sau thu hoạch. Khi áp dụng “1 phải, 5 giảm”, không những giảm chi phí mà còn tăng năng suất lúa, lợi nhuận cao hơn rất nhiều so với kiểu canh tác trước đây. Bình quân 3 vụ lúa/năm, tôi thu hoạch khoảng 24 tấn/ha. Sau khi trừ chi phí, với 4ha đất trồng lúa, tôi thu lợi nhuận khoảng 150-200 triệu đồng” - ông Thắm phân tích.
Không chỉ là một nông dân SXKD giỏi nhiều năm liền, ông Thắm còn được người dân địa phương quý mến bởi cái tâm từ thiện và phương châm sống “tốt đời, đẹp đạo”. Với vai trò Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo thị trấn Cái Dầu, thời gian qua, ông Thắm đã có nhiều hoạt động mang lại lợi ích cho cộng đồng, chăm lo thiết thực cho người nghèo, cận nghèo, khó khăn ở địa phương.
“Xuất thân là một nông dân nên tôi thấu hiểu được sự cơ cực và nghèo khó, từ đó tôi đã dành một phần từ nguồn thu nhập của mình, cùng mọi người tham gia các hoạt động thiện nguyện nhằm giúp đỡ phần nào những người đang gặp khó khăn” - ông Thắm chia sẻ.
Hàng năm, ông Thắm còn kêu gọi, vận động các tín đồ Phật giáo Hòa Hảo và bà con nhân dân đóng góp tiền, hiện vật để cùng chung tay với chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác an sinh xã hội bằng những việc làm thiết thực, như: Xây dựng nhà Tình thương, mua bảo hiểm y tế cho người khó khăn, trao tặng tập và tiền mặt cho học sinh nghèo nhân dịp năm học mới...
Đặc biệt, năm 2021, trong thời gian đại dịch COVID-19 bùng phát, ông Thắm cùng với bà con tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo, các nhà hảo tâm đã tích cực đóng góp vào các hoạt động thiện nguyện, như: May khẩu trang vải tặng cho người nghèo, cận nghèo, khó khăn trên địa bàn, tặng nhu yếu phẩm, nấu cơm hỗ trợ người dân khu cách ly, khu vực phong tỏa, mua bảo hiểm y tế cho các hộ bệnh tật, tặng tập vở cho học sinh nghèo... với tổng số tiền hơn 4,5 tỷ đồng.
Bản thân ông Nguyễn Văn Thắm thường xuyên tham gia đóng góp ý kiến, chia sẻ những kinh nghiệm của bản thân để xây dựng phong trào nông dân SXKD giỏi ngày càng phát triển. Ông và gia đình luôn đi đầu, gương mẫu chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước, các quy định của địa phương. Gia đình ông Thắm là gia đình văn hóa tiêu biểu, làm nòng cốt vận động bà con thực hiện tốt các tiêu chí văn minh đô thị ở địa phương.
“Thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục học hỏi kinh nghiệm, áp dụng các mô hình sử dụng công nghệ cao trong sản xuất, tích cực tham gia phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi các cấp và các phong trào do hội nông dân phát động. Từ đó, nâng cao năng suất canh tác, tăng thu nhập cho gia đình, có nhiều điều kiện giúp đỡ những hộ nông dân còn khó khăn, giúp họ làm ăn để vươn lên thoát nghèo. Tôi sẽ cố gắng cùng với chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác an sinh xã hội” - ông Thắm chia sẻ.
Bằng ý chí và nghị lực, ông Nguyễn Văn Thắm không chỉ giỏi trong sản xuất, mà còn giàu tấm lòng nhân ái, luôn sẻ chia, vì cộng đồng, vì xã hội, là tấm gương tiêu biểu trong phong trào thi đua yêu nước, đặc biệt là phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương...
Chủ tịch Hội Nông dân huyện Châu Phú Huỳnh Ngọc Vỵ cho biết, ông Nguyễn Văn Thắm không chỉ đạt danh hiệu “Nông dân SXKD giỏi” nhiều năm liền mà còn tham gia tích cực công tác an sinh xã hội, giúp đỡ nhiều hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống trên địa bàn huyện Châu Phú. |
TRỌNG TÍN