Liệu có phải là phong trào nhất thời?
Câu trả lời là không bởi xét về bối cảnh quốc tế, nông nghiệp hữu cơ đang phát triển với tốc độ rất nhanh, bền vững. Kết quả điều tra về sản xuất nông nghiệp hữu cơ năm 2016 ở 178 quốc gia của Viện Nghiên cứu hữu cơ Quốc tế (FiBL) và Tổ chức Hữu cơ Quốc tế (IFOAM) cho thấy, thế giới có khoảng 58 triệu ha đất sản xuất nông nghiệp hữu cơ (kể cả diện tích bảo tồn), chiếm khoảng 1,2% trong tổng diện tích đất nông nghiệp trên toàn thế giới. Các quốc gia có diện tích lớn nhất là Úc (27,4 triệu ha), Argentina (3 triệu ha) và Trung Quốc (2,3 triệu ha). Việt Nam xếp thứ 8 ở khu vực Châu Á về diện tích đất sản xuất nông nghiệp hữu cơ, đạt 53.348ha (Thái Lan xếp trên với 57.189ha). Dù diện tích đất sản xuất nông nghiệp hữu cơ mới chiếm 0,5% tổng diện tích đất nông nghiệp ở Việt Nam nhưng đã tăng hơn 41.000ha so 10 năm trước.
Một nhà lưới ở Phú Tân sử dụng phân hữu cơ hòa vào hệ thống nước tưới tự động cho dưa lưới
Thống kê cũng cho thấy, trong 2 thập kỷ qua, doanh số bán lẻ sản phẩm thực phẩm và đồ uống hữu cơ ở thị trường thế giới đã tăng từ dưới 15 tỷ USD lên gần 90 tỷ USD. Năm 2016 ghi nhận thế giới có 2,7 triệu người tham gia sản xuất hữu cơ, trên 81.000 nhà chế biến, hơn 5.000 nhà nhập khẩu và gần 6.500 nhà xuất khẩu sản phẩm hữu cơ. “Hoạt động sản xuất, thị trường tiêu thụ sản phẩm hữu cơ trên thế giới diễn ra hết sức sôi động và được dự báo là tiếp tục tăng nhanh” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Thư nhận định.
Ông Thư cho biết, Việt Nam đã có bộ tiêu chuẩn quốc gia TCVN 11041:2017 về nông nghiệp hữu cơ. Ngày 29-8-2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 109/2018/NĐ-CP về nông nghiệp hữu cơ. Nghị định quy định cụ thể về sản xuất, chứng nhận, ghi nhãn, logo, truy xuất nguồn gốc, kinh doanh, kiểm tra nhà nước về sản phẩm nông nghiệp hữu cơ cùng các chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp hữu cơ. “Các tiêu chuẩn, chính sách này khi được phổ biến và đưa vào triển khai rộng rãi trong hoạt động sản xuất - kinh doanh sẽ thúc đẩy phát triển nông nghiệp hữu cơ, góp phần tăng chất lượng, giá trị sản phẩm, hàng hóa lưu thông trong nước và xuất khẩu” - ông Thư đánh giá.
Cơ hội nào cho An Giang?
Hòa cùng xu hướng tất yếu của thế giới, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã mạnh dạn đầu tư vào nông nghiệp hữu cơ và đã phần nào gặt hái thành công hoặc có bài học quý giá từ thất bại. Đối với An Giang, lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ được Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm. Chủ tịch UBND tỉnh Vương Bình Thạnh đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng Đề án sản xuất nông nghiệp hữu cơ với lộ trình cụ thể đến năm 2025 nhằm đáp ứng thị trường trong và ngoài nước.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Thư cho biết, An Giang đã có những bước đi đầu tiên thuận lợi khi nỗ lực kết nối, thu hút một số nhà đầu tư tiềm năng vào phát triển nông nghiệp hữu cơ tỉnh như: Tập đoàn Horimasa, Công ty Hagihara (Nhật Bản), Tập đoàn Lộc Trời… Tuy nhiên, điều quan trọng là phải làm thế nào để cụ thể hóa các phương án hợp tác, biến ý tưởng thành hiện thực. Ông Thư đề nghị, trong phát triển nông nghiệp hữu cơ, cần phải xác định lộ trình thực hiện cụ thể, mục tiêu, nhiệm vụ rõ ràng trong giai đoạn trước mắt cũng như dài hạn. Phải làm rõ những sản phẩm nào tỉnh cần ưu tiên phát triển trước trong nhóm các sản phẩm thế mạnh để vừa đáp ứng thị hiếu tiêu dùng, sản xuất cái thị trường cần, vừa thuận lợi trong phân bổ nguồn vốn đầu tư và huy động nguồn lực xã hội, tránh tình trạng đầu tư dàn trải, thiếu trọng tâm, trọng điểm, làm phân tán nguồn lực, khó đạt hiệu quả cao. “Với quan điểm cá nhân, nhóm sản phẩm nên xem xét ưu tiên phát triển trước mắt là lúa, gạo, sản phẩm cây ăn trái (chuối, xoài…), cây dược liệu, một số sản phẩm rau màu và sản phẩm từ chăn nuôi (trứng, gà thịt). Các sản phẩm này không chỉ cung ứng tươi cho thị trường nội địa, mà còn thúc đẩy sản phẩm chế biến hướng tới xuất khẩu” - ông Thư phân tích.
Bên cạnh các giải pháp về hỗ trợ kỹ thuật, tín dụng, thị trường, An Giang sẽ tập trung thu hút đầu tư, ưu đãi phát triển công nghiệp chế biến, chế biến sâu sản phẩm thực phẩm, đồ uống hữu cơ, đa dạng hóa sản phẩm đáp ứng phân khúc thị trường. Song song đó là hoạt động quảng bá sản phẩm, xúc tiến thương mại, khuyến khích hành vi tiêu dùng thông minh, xu hướng thực dưỡng vì sức khỏe cộng đồng nhằm tạo chuyển biến tích cực trong tiêu thụ sản phẩm chất lượng cao, tạo thị trường đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp hữu cơ…
“Phát triển nông nghiệp hữu cơ là quá trình lâu dài, đòi hỏi cần có sự kiên trì, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, vừa triển khai vừa xem xét, hiệu chỉnh, quan tâm tham vấn ý kiến chuyên gia, tham vấn cộng đồng, phản biện xã hội để ngày càng phù hợp hơn, đạt hiệu quả cao hơn” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Thư nhấn mạnh
|
Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN