Nông nghiệp Việt Nam vươn tầm thế giới

07/01/2024 - 20:09

 - Trong bối cảnh khó khăn chung, nông nghiệp tiếp tục khẳng định vị thế quan trọng và là trụ đỡ của nền kinh tế Việt Nam, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực, các cân đối lớn của nền kinh tế, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Trước thời cơ mới, ngành nông nghiệp vượt sóng vươn tầm quốc tế, xây dựng hình ảnh, thương hiệu, uy tín nông sản Việt Nam trên thị trường.

Những điểm sáng nổi bật

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết năm 2023, triển khai kế hoạch năm 2024 ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá, năm 2023, ngành “vượt cơn gió ngược”, được mùa, được giá, bội thu ở một số lĩnh vực, đạt thành tích cao hơn năm 2022, đóng góp quan trọng vào kết quả chung khá toàn diện của cả nước năm 2023.

Theo Thủ tướng, vai trò, vị thế “trụ đỡ” của nông nghiệp ngày càng được khẳng định, bảo đảm đủ nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu cho tiêu dùng trong nước, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia, đóng vai trò quan trọng trong kiểm soát lạm phát (lương thực, thực phẩm, dịch vụ ăn uống chiếm tỷ trọng hơn 33%, lớn nhất trong rổ hàng hóa tính CPI), góp phần thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn, gia tăng xuất khẩu, giải quyết việc làm, tạo sinh kế cho người dân.

Năm 2023, sản lượng lúa cả nước đạt 43,5 triệu tấn (tăng 1,9%), thịt hơi các loại 7,8 triệu tấn (tăng 6,4%), thủy sản 9,3 triệu tấn (tăng 2,3%), gỗ khai thác gần 21 triệu m3 (tăng 2,8%). Việt Nam đã sản xuất thành công, xuất khẩu vaccine thương mại phòng bệnh dịch tả heo Châu Phi; gạo ST25 lần thứ 2 đoạt giải quán quân gạo ngon nhất thế giới. “Lần đầu tiên, Việt Nam thí điểm bán được 10,3 triệu tín chỉ carbon cho Quỹ đối tác carbon trong lâm nghiệp, thu về 1.200 tỷ đồng; là cơ sở để tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế, chính sách trong thời gian tới” – Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định.

Được quốc tế tin tưởng

Năm 2023, tốc độ tăng trưởng GDP ngành nông nghiệp đạt 3,83% (mức cao nhất trong nhiều năm gần đây, vượt chỉ tiêu Chính phủ giao là 3%). Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 53 tỷ USD, thặng dư thương mại cao nhất từ trước đến nay (đạt 12 tỷ USD, tăng 43,7%).

Trong 6 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD, một số ngành hàng có bước phát triển vượt bậc, đạt mức xuất khẩu cao kỷ lục, khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế, như: Hàng rau, quả đạt 5,7 tỷ USD, tăng 69,2%; gạo đạt 4,8 tỷ USD, tăng 38,4%. Đến cuối năm 2023, cả nước có 6.370 xã nông thôn mới, chiếm 78% so tổng số 8.168 xã; phát triển trên 11.000 sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm), tăng hơn 2.000 sản phẩm so năm 2022…

Bộ NN&PTNT chủ trì tổ chức thành công nhiều sự kiện lớn mang tầm quốc gia, quốc tế, như: Festival quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam – Hậu Giang 2023, Festival tôm Cà Mau...

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho rằng: “Thế mạnh nông nghiệp đóng góp rất quan trọng vào đối ngoại, trong đó có quà tặng ngoại giao bằng nông sản. Nhiều nước trên thế giới bày tỏ sự tin cậy, ngưỡng mộ với những gì Việt Nam làm được trong nông nghiệp; đề nghị Việt Nam ký hiệp định khung về xuất khẩu lương thực. Thời gian tới, ngành nông nghiệp cần củng cố các thị trường trọng tâm như: Hoa Kỳ, ASEAN, thị trường mới nổi (Mỹ Latin, Trung Đông, Châu Phi), xâm nhập thị trường Halal (dành cho người Hồi giáo). Bộ Ngoại giao sẽ đồng hành cùng ngành nông nghiệp trong các vấn đề thủ tục, chính sách, kết nối”.

Cơ hội vàng cho nông sản

Giữ vai trò Chủ tịch Hiệp hội ngành hàng lúa gạo Việt Nam (vừa thành lập), nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Bùi Bá Bổng cho rằng, Việt Nam đang tiên phong và được các nước ngưỡng mộ do xuất khẩu cao, chất lượng gạo tốt. Trong bối cảnh nhiều nước bị sức ép về lương thực, Việt Nam vẫn duy trì xuất khẩu gạo năm sau cao hơn năm trước.

Ông Bùi Bá Bổng khẳng định, Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp, gắn với tăng trưởng xanh là sáng kiến mới của Việt Nam, được nhiều nước và tổ chức quốc tế uy tín ủng hộ. Tương ứng với đề án là 1 triệu nông dân sẽ hưởng lợi. Khi thực hiện tốt đề án, sẽ trả được 2 “món nợ” lâu nay: “Nợ” nông dân vì thu nhập thấp và “nợ” môi trường vì lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, gây phát thải khí nhà kính.

“Nông dân trồng lúa có trình độ canh tác tiên tiến, bộ giống lúa ở ĐBSCL chất lượng cao, hạ tầng thủy lợi đảm bảo, rất ít quốc gia có điều kiện sản xuất lúa tốt như Việt Nam. Lúa gạo không chỉ là trụ cột an ninh lương thực quốc gia, mà còn là “lợi thế mềm” của Việt Nam trong đàm phán quốc tế” - ông Bùi Bá Bổng phân tích.

Đóng góp vào thành tựu nông sản cả nước, năm 2023, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản của An Giang đạt mức tăng trưởng 4,43%, đặc biệt là tăng diện tích trồng lúa, đạt sản lượng gần 4,1 triệu tấn, xuất khẩu gạo 340 triệu USD. “An Giang đang tập trung triển khai hiệu quả Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030; xem đây là cơ hội để ngành nông nghiệp bứt phá, tăng thu nhập thiết thực cho nông dân” – Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Sĩ Lâm khẳng định.

Lấy câu chuyện trong bài viết “Hạt gạo, hạt muối”, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan chia sẻ: “Hành trình nghìn năm và lịch sử đúc kết kinh nghiệm được kết tinh trong hạt gạo nhỏ nhoi. Đó không chỉ là nguồn lương thực chủ yếu cho đất nước 100 triệu dân, mà còn vươn tầm ra thế giới, có mặt trên 150 quốc gia và vùng lãnh thổ. Một Festival quốc tế lớn ở thời điểm cuối năm 2023 cho thấy, hạt gạo Việt đang thật sự khơi dậy hy vọng phục hồi kinh tế và tăng trưởng tiếp trong 2024”.

Theo ông Lê Minh Hoan, sự lạc quan không chỉ đến từ hạt gạo, cà-phê, rau quả, mà hạt muối, trái cây, cá tra, tôm, hải sản… cùng vươn ra thế giới, đóng góp vào mục tiêu xuất khẩu 55 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng GDP từ 3 - 3,5% của ngành nông nghiệp năm 2024.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan khẳng định, năm 2024, ngành nông nghiệp hướng tới mục tiêu “Mỗi ngày một thay đổi - mỗi ngày một hành động - mỗi ngày một kết quả - mỗi ngày một chạm để kết nối đa tầng giá trị cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn”

 

NGÔ CHUẨN