NSND Trần Hạnh là người vất vả từ những năm tháng thơ ấu. Sinh ra trong một gia đình buôn bán nhỏ ở Hà Nội, cha làm công nhân nhà máy in ở phố Nhà Thờ, mẹ là thương gia nhỏ, nhưng cha qua đời sớm năm ông mới 8 tuổi. Vì thế, NSND Trần Hạnh phải tự lập từ rất sớm, cùng mẹ gồng gánh cả gia đình.
Tuổi thơ của ông gắn bó với con phố Tràng Tiền, bằng việc đánh giày thuê, và cũng từ đây, những ngày sinh hoạt cùng CLB Thanh niên Hà Nội, tập kịch nói đã giúp ông bước chân vào con đường nghệ thuật. Đến với nghề sớm, có tố chất, nhưng cũng chính vì cơm áo gạo tiền mà ông cũng không thể theo đuổi trọn vẹn được con đường đào tạo để trở thành diễn viên kịch. Năm 23 tuổi, ông lập gia đình với người vợ do gia đình sắp xếp. Vừa lo cho gia đình, nhưng NSND Trần Hạnh vẫn không thể từ bỏ đam mê của ánh đèn sân khấu, vẫn tham gia những buổi tập kịch cùng CLB. Nhưng cũng chính vì gánh nặng cơm áo, mà ông đành rẽ ngang, không thể tiếp tục theo học khóa đầu tiên đào tạo diễn viên của trường Sân khấu. Lúc này, ông trở về Đoàn kịch Hà Nội, vừa rèn nghề vừa kiếm sống.
NSND Trần Hạnh Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hỏi thăm tại Lễ phong tặng danh hiệu NSND năm 2019.
Những năm 1970, 1980 là thời kỳ hoàng kim của NSND Trần Hạnh. Hàng loạt vai diễn ấn tượng đã khiến tên tuổi của ông nổi bật trên sân khấu kịch lúc bấy giờ, như trong các vở “Lam Sơn tụ nghĩa”, “Tiền tuyến gọi”, “Âm mưu và tình yêu”… Sự nghiệp sân khấu đã đem lại cho ông nhiều giải thưởng tại các Liên hoan Sân khấu toàn quốc. Các vai trong các vở “Nguyễn Trãi”, “Tiền tuyến gọi”, “Hamlet” đã đem lại cho ông ba Huy chương vàng trong các vở kịch. Ông về hưu, rời Nhà hát kịch Hà Nội năm 1989.
Tuy nhiên, NSND Trần Hạnh lại được biết đến nhiều qua phim, trong đó phần lón là vai những ông già khắc khổ, hiền lành. Đặc biệt, sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, nhưng phần lớn các vai của ông đều là những ông già nông thôn vất vả. Từ vai diễn đầu tiên trong phim điện ảnh “Chiếc bình tiền kiếp” của Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần, ông tiếp tục chiếm lĩnh màn ảnh qua hàng loạt phim khác, như “Tướng về hưu”, “Hãy tha thứ cho em”, “Cỏ lau”, “Người đàn bà thứ hai”, “Làng nổi”...
Sự nghiệp điện ảnh cũng đã đem lại nhiều giải thưởng cho ông, như giải Nam diễn viên xuất sắc nhất trong phim Nước mắt đàn bà (ban tổ chức không gửi giấy mời ông tới nhận giải). Tại Liên hoan Truyền hình toàn quốc năm 2010, ông được vinh danh ở hạng mục Giải thưởng Cống hiến cho vai diễn của ông trong phim Ngõ lỗ thủng, đạo diễn Quốc Trọng.
Đặc biệt, vai diễn ông Cần trong bộ phim “Cuốn sổ ghi đời” là vai mà NSND Trần Hạnh tâm đắc nhất. Ông Cần là một người cha thương con, hoàn cảnh gia đình nghèo khổ và vất vả. Thương con, ông muốn kiếm cho mỗi đứa con một mảnh đất để khỏi ra đụng vào chạm. Nhưng chỉ kiếm tiền được bằng các thu gom và bán vỏ lon, vỏ bao thuốc lá, mỗi món đều ghi tỉ mỉ vào một cuốn sổ, nhưng cho đến lúc chết vẫn không thể hoàn thành tâm nguyện. Sinh thời, NSND Trần Hạnh từng nói rằng, nhân vật ông Cần rất giống với ông ngoài đời.
Cuộc sống của NSND Trần Hạnh cũng vất vả, khắc khổ như những vai diễn của ông trên phim, thậm chí buồn khổ hơn phim. Căn nhà nhỏ dột nát hơn chục m2 của ông ở khu Linh Quang có tới chín nhân khẩu sinh sống.. Vợ ông bị tai biến liệt nửa người, gần chục năm trời ông vừa phải lo việc nhà, vừa phải chăm sóc từng miếng ăn giấc ngủ cho vợ. Ở tuổi 84, ông vẫn phải chăm sóc người con trai út bị chấn thương sọ não sau tai nạn. Sau này, có gia đình người con trai lớn dọn sang ở cùng, con dâu một tay lo toan việc nhà, việc buôn bán, cho nên NSND Trần Hạnh cũng đỡ vất vả hơn.
Là một trong những nghệ sĩ đầu tiên được phong tặng danh hiệu NSƯT từ 1994, nhưng phải đến năm 2019, nghệ sĩ Trần Hạnh mới được phong danh hiệu NSND. Trường hợp của ông cũng là trường hợp đặc biệt, được “phá rào” để trao danh hiệu, khi theo đúng quy định thì nghệ sĩ còn thiếu giải vàng quốc gia. Trường hợp của ông cùng một số nghệ sĩ khác cũng có bề dày sự nghiệp, được khán giả yêu thích, nhưng lại chưa đủ số huy chương theo yêu cầu…, đã khiến cho lần đầu tiên Chính phủ có một Nghị quyết riêng. Nghị quyết này nêu rõ “Trong khi chưa sửa đổi Nghị định số 89/2014/NĐ-CP ngày 29 tháng 9 năm 2014 của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ Nhân dân”, “Nghệ sĩ Ưu tú”, Chính phủ đồng ý đề nghị xét phong tặng, truy tặng danh hiệu “Nghệ sĩ Nhân dân” cho 50 cá nhân, phong tặng, truy tặng danh hiệu “Nghệ sĩ Ưu tú” cho 149 cá nhân”. Trong danh sách này, có tên NSND Trần Hạnh cùng nhiều tên tuổi gạo cội của điện ảnh, của sân khấu kịch nói, âm nhạc, cải lương, chèo… được đặc cách phong tặng danh hiệu.
NSND Trần Hạnh đã từ giã cuộc đời buồn khổ của mình để sang cõi khác. Nhưng những vai diễn của ông thì ở lại mãi trong lòng khán giả.
Lễ tang NSND Trần Hạnh diễn ra vào hồi 9 giờ 30 phút ngày 6-3-2021 tại Nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Lễ truy điệu và đưa tang hồi 10 giờ 45 cùng ngày. Linh cữu nghệ sĩ được hỏa táng tại Đài Hóa thân Hoàn vũ Văn Điển.
Theo TUYẾT LOAN (Báo Nhân Dân)