Núi Cấm - điểm đến lý tưởng cho nhà đầu tư

09/07/2019 - 07:48

 - Với phong cảnh non nước hữu tình, núi Cấm (xã An Hảo, Tịnh Biên) đã thu hút hàng triệu lượt du khách mỗi năm. Với các nhà đầu tư, núi Cấm là điểm đến lý tưởng, với tiềm năng về du lịch tâm linh, du lịch nghỉ dưỡng cùng những chính sách ưu đãi đầu tư của UBND tỉnh An Giang.

Núi Cấm với phong cảnh non nước hữu tình

Với độ cao trên 700m so với mực mước biển và nằm ở trung tâm vùng Bảy Núi, núi Cấm được ví như “Đà Lạt thứ 2” ở vùng ĐBSCL với địa thế núi non, cảnh quan hùng vĩ cùng với hệ thống sinh thái rừng đa dạng và phong phú. Đến với núi Cấm, du khách sẽ được hòa mình vào hệ thống sinh thái đa dạng và phong phú, cảnh quan thiên nhiên đặc sắc với nhiều công trình kiến trúc, danh lam thắng cảnh, như: chùa Vạn Linh, chùa Phật Lớn, kỷ lục Guinness Việt Nam tượng Phật Di Lặc lớn nhất trên đỉnh núi ở Châu Á, hồ Thủy Liêm, suối Thanh Long và các hoạt động khám phá thiên nhiên… Do đó, mỗi lần đến núi Cấm, du khách sẽ có những trải nghiệm thú vị không thể nào quên.

Để mời gọi các tổ chức, đơn vị, cá nhân có nhu cầu đến đầu tư phát triển Khu du lịch núi Cấm, UBND tỉnh An Giang có Quy hoạch xây dựng tỷ lệ 1/2000 Khu du lịch núi Cấm với quy mô quy hoạch hơn 1.050ha, trong đó tổng diện tích 3.100ha là rừng phòng hộ. Khu du lịch núi Cấm gồm: khu cáp treo và Lâm viên núi Cấm (hơn 51ha); Khu du lịch hồ Tà Lọt khoảng 120ha; Khu du lịch núi Cấm (phần trên núi) hơn 879ha.

Khu du lịch núi Cấm là du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái rừng, tổ chức bảo vệ cảnh quan rừng nhiệt đới nhằm thu hút khách tham quan du lịch. Về hạ tầng giao thông, Khu du lịch núi Cấm đã có tuyến cáp treo núi Cấm dài 3,5km (công nghệ của Pháp), đảm bảo tiêu chuẩn của Hiệp hội Cáp treo Châu Âu với công suất phục vụ 1.500 khách/giờ. Đồng thời, đường trục chính lên núi Cấm được quy hoạch mở rộng lộ giới lên 16m có vai trò rất lớn trong việc giải quyết nhu cầu đi lại trong khu du lịch và kết nối với Tỉnh lộ 948. Đặc biệt, hệ thống điện, nước trên núi Cấm đã được đầu tư hoàn chỉnh phục vụ tốt nhu cầu phát triển du lịch.

Hiện nay, UBND tỉnh An Giang đang tạo điều kiện để các doanh nghiệp có thể đến đầu tư, phát triển hoạt động du lịch trên núi Cấm. Có 7 khu chức năng tiếp tục mời gọi đầu tư với tổng diện tích khoảng 318,2ha, gồm: Trung tâm hành hương diện tích hơn 30,7ha; Khu văn hóa dân gian và ẩm thực núi Cấm diện tích 25,4ha; Khu nghỉ dưỡng, vọng cảnh vồ Bồ Hong diện tích 22,5ha; Khu dân cư, sắp xếp dân cư diện tích gần 35,9ha; Khu vui chơi, giải trí diện tích hơn 66,7ha; Khu bảo tồn sinh thái (vồ Bà, đỉnh Chư Thần) diện tích gần 39,3ha; Khu văn hóa các dân tộc (hồ Tà Lọt) diện tích 120ha.

Về khu trung tâm hành hương, trung tâm là hồ Thủy Liêm, xung quanh là chùa Phật Lớn, chùa Vạn Linh và tượng Phật Di Lặc; phát triển thêm các khu vực thương mại, dịch vụ (nhà hàng, khách sạn, các dịch vụ phục vụ hành hương...). Đồng thời, cải tạo lại cảnh quan xung quanh hồ Thủy Liêm, khu vực quảng trường phía trước tượng Phật Di Lặc, quảng trường và trục đi bộ lên vồ Bồ Hong... tạo thành khu vực trung tâm hành hương hoàn chỉnh, đáp ứng nhu cầu của hiện tại và phát triển trong tương lai.

Khu văn hóa dân gian và ẩm thực núi Cấm được bố trí ở phía Tây Bắc của trung tâm hành hương. Trên cơ sở khu dịch vụ hành hương 3 (chuẩn bị triển khai), phát triển thêm khu vực làng nghề truyền thống và ẩm thực núi Cấm, khu văn hóa phật giáo.

Khu nghỉ dưỡng, vọng cảnh vồ Bồ Hong được bố trí tại khu vực vồ Bồ Hong hiện hữu, với các khu cây xanh đặc trưng núi Cấm, tháp vọng cảnh. Xây dựng trục đi bộ từ trung tâm hành hương lên vồ Bồ Hong và khu resort cao cấp với tầm nhìn đẹp về phía hồ Thủy Liêm và trung tâm hành hương.

Khu vực dân cư mật độ thấp được bố trí trên khu vực có địa hình tương đối bằng phẳng. Khu vực này được phát triển trên cơ sở khu dân cư hiện hữu, mở rộng thêm về phía Bắc nhằm sắp xếp lại các hộ dân trong khu vực quy hoạch, phát triển thêm một phần đất ở về phía Nam với loại hình nhà vườn, biệt thự, các công trình công cộng phục vụ cho khu dân cư.

Khu công viên trò chơi chuẩn bị đầu tư xây dựng, phát triển thêm các loại hình như: khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, khu resort cao cấp với tầm nhìn đẹp về phía hồ Thanh Long, khu vườn danh nhân mở cõi đất Phương Nam, khu thương mại, dịch vụ...

Khu bảo tồn sinh thái (vồ Bà, đỉnh Chư Thần) được phát triển ở khu vực phía Nam núi Cấm, nơi đây thiên nhiên còn hoang sơ, thuận lợi cho việc phát triển khu bảo tồn sinh thái núi Cấm (động, thực vật).

Khu văn hóa các dân tộc (hồ Tà Lọt) là nơi phát triển loại hình du lịch gắn với văn hóa các dân tộc An Giang (Kinh, Hoa, Khmer, Chăm), các khu vực ẩm thực Nam Bộ, khu đua bò... kết hợp các khu vực nghỉ dưỡng khai thác cảnh quan hồ Tà Lọt.

Huyện Tịnh Biên là địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, nên doanh nghiệp sẽ được hưởng một số ưu đãi về đất đai cũng như mức thuế suất khi tham gia đầu tư các dự án phát triển du lịch tại “nóc nhà miền Tây”. Cụ thể, về đất đai, được miễn tiền thuê đất 11 năm; về thuế thu nhập doanh nghiệp áp dụng thuế suất 10% trong thời gian 15 năm; miễn thuế 4 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo; được hỗ trợ đầu tư theo chính sách phát triển du lịch của tỉnh.

Với tiềm năng du lịch cũng như những chính sách ưu đãi của UBND tỉnh trong việc phát triển hoạt động du lịch, núi Cấm đang thực sự trở thành “đất lành” cho hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp. Qua đó, nâng tầm du lịch tỉnh nhà, tiếp tục đưa núi Cấm trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách trong, ngoài nước.

Doanh nghiệp có nhu cầu phát triển hoạt động đầu tư núi Cấm, xin liên hệ: Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư An Giang

Địa chỉ: Số 2A Ngô Gia Tự, phường Mỹ Long, TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang.

Điện thoại: 02963 945 001

Website: www.atpic.angiang.gov.vn

Email: ttxttmdldt@angiang.gov.vn

Ban Quản lý Khu du lịch Núi Cấm

Địa chỉ: ấp An Hòa, xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang

Điện thoại: 02963 730 555

 

MINH QUÂN