Nước mắt người thầy

15/11/2021 - 09:59

Hôm nay, ông giáo An ghé thăm trường cũ. Đã mấy chục năm trôi qua kể từ ngày đầu tiên ông được làm thầy. Trường đã thay đổi, đồng nghiệp mới và học trò cũng khác, nhưng có những ký ức còn đọng lại mãi.

"Nếu được bắt đầu lại, mình vẫn chọn nghề giáo..."

Nhớ lại, đã có quá nhiều lần ông giáo An rơi nước mắt với những buồn vui của nghề. Hao tổn nước mắt với những học trò hư hỏng, lười biếng cũng có. Khóc vì cảm phục sự nỗ lực phi thường của học trò cũng có. Khóc vì những thói hư tật xấu của đồng nghiệp cũng có.

Nước mắt của luật nhân quả 

Khi thầy giáo An mới hướng dẫn cao học, một học trò nộp luận văn quá trễ. Anh ta đến năn nỉ xin thầy cho được bảo vệ với đủ thứ lý do. Không thể đủ thời gian để yêu cầu sửa chữa, thương học trò cũng là một thầy giáo đi học, ông An tặc lưỡi “Thôi được, may rủi nhé”. Rồi ông lặng lẽ can thiệp với đồng nghiệp để bạn ấy bảo vệ trót lọt. 

Gần 20 năm sau, trong một tình huống trớ trêu, ông đọc được lời nhận xét của bạn ấy “Mình không phục. Hướng dẫn gì mà nói ra bảo vệ đi, may nhờ rủi chịu”. Vì quá bất ngờ với tình huống nhân quả này, ông bật khóc. Thật thấm thía với câu nói của ai đó: “Những gì thầy cô viết lên tấm bảng cuộc đời không bao giờ tẩy xóa được”. 

Hai lần khóc vì sự trưởng thành 

Một lần khác, khi trong luận văn, một học viên cố tình sửa hệ số tương quan Spearman thành lớn hơn thực tế tính toán để có lợi cho kết quả. Ông thẳng thắn: “Thầy không thể chấp nhận, nhất lại là đối với một giáo viên toán như em” và yêu cầu làm lại. Không ngờ, sự yêu cầu về tính chính xác đó lại nhận được kết quả xấu. 

Cậu ấy viết thư kêu ca rằng: “Em rất chán nghề dạy học bạc bẽo này, em làm thạc sỹ để cầm cự, làm xong em sẽ bỏ dạy. Hôm nay cái máy tính cà tàng của em bị hư, con chó cảnh nhà em bị gãy mõm, chữa cho nó còn cấp bách hơn, vậy mà em đã ưu tiên cho luận văn rồi đó. Xin thầy hiểu mà tha cho em”. Kèm theo thư là ảnh cái máy tính bị đơ màn hình và con chó gãy mõm. 

Bị sốc với sự đối xử tệ, thầy giáo An ràn rụa nước mắt. Tức giận, ông quyết định sẽ không cho cậu ta bảo vệ. Nhưng khi trấn tĩnh lại, tìm hiểu, ông mới biết đây là một giáo viên dạy toán giỏi, vì áp lực của cuộc sống mà bị stress.

Ông tham khảo ý kiến đồng nghiệp về hướng xử lý và cuối cùng đã chọn cách động viên, giúp đỡ cậu ấy sửa chữa để bảo vệ luận văn tốt nghiệp. Ngày bảo vệ, cậu ấy trưng ảnh ông lên như một biểu trưng của lòng nhân ái, rồi đến nhà thầy với lời cảm ơn rưng rưng nước mắt. Sau đó cậu ta từ bỏ ý định giải nghệ và trở lại với sự nhiệt huyết ban đầu. 

Ngày 20/11 năm đó, khi đi làm về, ông An nhận được một gói quà treo nơi khoá cửa với lời nhắn “Thầy ơi, con nhớ ơn thầy. Nhưng con không gặp, chỉ là đề thầy bất ngờ thôi ạ”. Ông giáo lại bật khóc. Lần này là những giọt nước mắt của hạnh phúc. 

Quả là G.Guibe đã đúng khi nói “Dạy tức là học hai lần”. Và Eugene P.Bertin cũng đã chính xác khi cho rằng: “Dạy học là đặt vết tích của một người vào sự phát triển của một người khác. Và chắc chắn học trò là ngân hàng nơi bạn có thể gửi kho báu quý giá nhất của bạn”. 

Giọt nước mắt hãnh diện của nghề 

Lần ấy, ông An về miền Tây Nam Bộ giảng cho một lớp bồi dưỡng giáo viên cốt cán trường trung học phổ thông. Sau một ngày nỗ lực làm việc, thầy trò thảo luận với tất cả sự say mê, nhiệt huyết của nghề, ông giáo tự thấy hài lòng vì đã thành thật và hết mình với bài giảng. Khi kết thúc, cả hội trường vỗ tay tán thưởng. 

Trong lúc ông giáo thu dọn đồ đạc để về, có mấy cô giáo chạy đến đề nghị được chụp ảnh chung. Bỗng nhiên một cô chạy đến ôm chầm lấy ông rồi khóc rưng rức. “Em cảm ơn thầy. Bài giảng của thầy đã cho em một góc nhìn khác về nghề. Từ nay em sẽ không buồn nữa”. Ba cô giáo còn lại ngân ngấn nước mắt, làm ông cũng bật khóc.

Lần này thì ông giáo khóc vì sự hãnh diện của nghề nghiệp. Ông đã chạm được vào trái tim của học trò. Từ đó, cảm giác ấm nóng vì cái dụi đầu đầy nước mắt của cô giáo dạy văn luôn thường trực trên ngực áo, nâng đỡ tâm hồn ông. 

Câu chuyện trên nhắc ông nhớ lại một tình huống lúc còn trẻ. Một học trò nữ sau khi nhận bằng thạc sỹ, đến nhà chào thầy để trở lại miền Nam. Lúc chia tay, bạn ấy nhào đến ôm chầm lấy ông rồi khóc rất to, ngay trước mặt vợ thầy. An đang lúng túng chưa biết làm thế nào thì cô học trò nói to: “Cho con ôm để cảm ơn thầy ạ. Con coi thầy như là cha của mình. Người cha trong học tập”. Hiểu ra, An rơm rớm nước mắt. Vợ ông thì bật cười tán thưởng. 

Nhớ đến đây, câu nói của Galileo vẳng lên trong ông: “Chúng ta không thể dạy bảo cho ai bất cứ điều gì, chúng ta chỉ có thể giúp họ phát hiện ra những gì còn tiềm ẩn trong họ”. Ông nghĩ sao mà đúng quá. 

Hôm nay, ngồi trước bậc thềm của ngôi trường nơi bắt đầu nghề dạy học, ông giáo già cảm thấy nuối tiếc. Lòng quạnh hiu một chút khi nhìn thấy điểm cuối con đường, ông giáo nghĩ: “Nếu được bắt đầu lại, mình vẫn chọn nghề giáo và nhất định sẽ không để có bất cứ giọt nước mắt nào bị uổng phí nữa”. 

Lê Khánh Tuấn (Trường Đại học Sài Gòn)

Theo Vietnamnet