Đón tiếp 67 em HS từ huyện Phú Tân đến xưởng tham quan, nghệ nhân Nguyễn Thanh Hòa tại làng tranh kiếng xã Long Điền B (Chợ Mới) lộ rõ niềm vui trên gương mặt. Thành viên trong xưởng đã giúp ông chuẩn bị sản phẩm mẫu, màu kim tuyến, keo, cọ vẽ, chỗ ngồi… từ rất sớm để đoàn khách thực hành vẽ tranh. Tất cả sản phẩm thực hành được nghệ nhân tặng cho các em đem về làm quà lưu niệm để giới thiệu cho bạn bè, người thân.
“Từ trước đến nay, tôi tiếp nhiều đoàn đến quay phim, số ít HS ghé tham quan ghi chép, còn tìm hiểu và thực hành đông thế này là lần đầu tiên. Cảm thấy rất thú vị” - ông Hòa bày tỏ.
Dù đa số ở vùng nông thôn nhưng nhiều HS cho biết chưa từng biết tranh kiếng, càng không hình dung được sản xuất tranh kiếng công phu, tỉ mỉ như thế nào. Vì vậy, khi được nghệ nhân giới thiệu, hướng dẫn thực hành tô màu trên bản mẫu, các em tỏ ra thích thú.
Em Nguyễn Dương Thúy Chi (Trường THCS Phú Thành) cho biết, năm trước em tham gia lớp học làm công nhân, năm nay là tìm hiểu nghề tranh kiếng, mỗi lớp học đều đem lại niềm vui khác nhau. Trong tương lai nếu có điều kiện, em sẽ chọn một trong những nghề truyền thống để theo học. Đó là câu chuyện của tương lai, nhưng từ cảm nhận của em và nhiều bạn khác, những người còn theo nghề truyền thống đã cảm thấy ấm lòng.
Nghệ nhân Nguyễn Thanh Hòa chia sẻ: “Lớp trẻ còn quan tâm đến nghề mình theo đuổi đã là niềm vui rồi. Đây là động lực để tôi gắn bó, phát triển nghề hơn trong bối cảnh nghề tranh kiếng còn rất hiếm hoi người gìn giữ. Tôi hy vọng các cháu sẽ thấy hứng thú, phát triển sự sáng tạo”.
Học sinh trải nghiệm ở các làng nghề truyền thống
Tại làng bó chổi bông sậy Phú Bình (Phú Tân), HS được tổ chức với hình thức tương tự: nghe giới thiệu về LN, các nguyên liệu, cách sản xuất một cây chổi thành phẩm, thị trường tiêu thụ hiện nay và thực hành bó chổi. Là một trong số ít nghề truyền thống còn phát triển mạnh, hơn nữa, làng bó chổi bông sậy còn may mắn khi có khá nhiều người trẻ tiếp nối để khâu sản xuất và tìm đầu ra thuận lợi.
Đơn cử như bạn Nguyễn Ngọc Nhân, thanh niên chọn nghề truyền thống gia đình để khởi nghiệp. Nhân hiện là chủ một cơ sở mới, giải quyết việc làm cho 20 lao động và bỏ nguyên liệu cho người dân bó chổi tại nhà, cung ứng 1.000-2.000 cây chổi/ngày ra thị trường.
Còn bạn Trần Hoa Ni, hiện là Bí thư xã đoàn đồng thời vẫn gắn bó với nghề bó chổi của gia đình. 2 năm liên tiếp, làng bó chổi đón HS về khám phá, trải nghiệm, Hoa Ni là người đứng ra tổ chức, mời thêm một số thợ giỏi lâu năm cùng hướng dẫn cho các em thực hành. Đứng ở cả 2 vai trò nhìn nhận về chương trình giáo dục cho thanh, thiếu nhi tìm hiểu về LN, Hoa Ni cho rằng những lớp trải nghiệm như thế này rất có ý nghĩa cho cả đôi bên, nếu trong thời gian tới còn duy trì, bạn sẽ tiếp tục hỗ trợ.
Ở các LN truyền thống, chuyện mai một dần có nhiều nguyên nhân, một trong số đó là không còn người trẻ thiết tha theo nghề. Do đó, nỗ lực từ các ngành, nhất là tổ chức Đoàn Thanh niên đã đem các bạn trẻ đến gần hơn để tự tìm hiểu, trải nghiệm. Hành trình khám phá LN là hoạt động hàng năm do Huyện đoàn Phú Tân tổ chức, mong muốn HS hiểu biết về bản sắc các địa phương, biết thêm nhiều nghề truyền thống.
Các bạn cũng chia sẻ nguyện vọng để thanh niên, HS có tình yêu với quê hương, với ngành, nghề dân gian lâu đời để lại cần có nhiều cơ hội hơn hoặc giới thiệu những tấm gương đã thành công với nghề truyền thống để các bạn có cái nhìn và sự lựa chọn phù hợp.
MỸ HẠNH