“Thời gian dẫu bạc mái đầu/ Tim trò vẫn tạc đậm câu ơn thầy”. Từ xa xưa, hình ảnh người thầy gắn liền với những điều tốt đẹp nhất. Thầy cô đưa chúng ta đến với thế giới tri thức rộng lớn, hình thành nhân cách, đạo đức cho học sinh. Đó là sứ mệnh cao cả, đòi hỏi người thầy phải thật sự tận tâm, có lòng yêu nghề mãnh liệt.
Dù xưa hay nay, giáo viên đều phải đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách, bởi nghề giáo không phải là con đường trải đầy hoa hồng. Sự đa dạng trong tính cách của từng học sinh, áp lực về thành tích, sự phát triển không ngừng của xã hội,… đều là áp lực “vô hình” trên vai người thầy. Tuy nhiên, bên cạnh những khó khăn đó, nghề giáo cũng mang lại niềm vui vô bờ bến, khi thấy học sinh tiến bộ, khi nhận được sự yêu quý của học sinh, khi góp phần vào sự thành công của thế hệ trẻ. Những động lực to lớn đã giúp người thầy vững bước hơn.
Những “người lái đò” vẫn âm thầm, tận tụy đưa bao thế hệ học sinh đến bến tri thức
Thầy Trần Quang Xuyên (cựu giáo chức xã Định Mỹ, huyện Thoại Sơn) tâm niệm: “Nghề giáo là một phần cuộc sống của tôi. Qua những năm tháng gắn bó với nghề, tôi học được rất nhiều điều: Cách yêu thương, cách chia sẻ, cách kiên nhẫn và cách đối mặt với khó khăn. Tôi cho rằng, một giáo viên giỏi phải không ngừng học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội. Bên cạnh đó, sự kiên nhẫn, sự sáng tạo, khả năng giao tiếp tốt cũng là yếu tố quan trọng giúp giáo viên thành công trong công việc”.
Trong xã hội hiện đại, truyền thống tôn sư trọng đạo vẫn giữ nguyên giá trị, nhưng cũng đối mặt với nhiều thách thức. Một số bạn trẻ có xu hướng coi nhẹ vai trò của thầy cô, thiếu tôn trọng thầy cô. Điều này do nhiều nguyên nhân, trong đó có sự tác động của công nghệ, Internet, phương tiện truyền thông đại chúng làm thay đổi cách thức tiếp cận thông tin của học sinh. Hay áp lực học tập lớn khiến một số học sinh cảm thấy căng thẳng, mệt mỏi, không còn nhiều thời gian quan tâm đến các mối quan hệ xã hội, trong đó có mối quan hệ thầy - trò.
Ơn thầy giúp học sinh phát triển toàn diện cả về trí tuệ và đạo đức
“Tôn sư trọng đạo - một truyền thống văn hóa lâu đời và cao quý của người Việt Nam. Vì vậy, bên cạnh truyền đạt tri thức, nhà trường luôn xác định giáo dục đạo đức là trọng tâm và cốt lõi, là nền tảng và là “chìa khóa” quan trọng trong sự nghiệp giáo dục. Chúng tôi luôn tổ chức hoạt động ngoại khóa nhằm tăng cường tình cảm thầy trò. Ngoài truyền thông, nhà trường còn tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ gắn kết tình thầy trò, như: Thi làm báo tường, sáng tạo video clip ngắn về thầy cô; thăm hỏi thầy cô trong Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hàng năm;… được học sinh hưởng ứng rất nhiệt tình” - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Quang Diêu (TX. Tân Châu) Nguyễn Thị Ánh Hồng chia sẻ.
“Muốn sang thì bắc cầu kiều/ Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy” - câu ca dao nói lên vai trò, công lao to lớn của người thầy, khẳng định trách nhiệm của cha mẹ trong việc giáo dục con cái. Thế nên, đạo đức học sinh là vấn đề không chỉ của riêng gia đình, nhà trường hay xã hội, mà là trách nhiệm của cả cộng đồng. Để xây dựng thế hệ trẻ có đạo đức, chúng ta cần có những giải pháp đồng bộ và lâu dài. Thiết nghĩ, mỗi người, ở vị trí của mình, hãy cùng chung tay góp sức để tạo ra môi trường sống lành mạnh, giúp học sinh phát triển toàn diện cả về trí tuệ và đạo đức.
Như bao nghề khác, nghề giáo cũng đang đứng trước thách thức trong kỷ nguyên số, song giá trị cốt lõi của nghề vẫn không thay đổi. Để đáp ứng yêu cầu của xã hội hiện đại, giáo viên cần không ngừng học hỏi, đổi mới và sáng tạo. Không ngẫu nhiên mà xã hội ví hình ảnh người thầy như “người lái đò” miệt mài sớm trưa. Vì dẫu có khó khăn, thử thách thế nào thì “con đò” ấy vẫn vượt sóng gió, đưa bao thế hệ học sinh sang sông, cập bến bờ tri thức.
PHƯƠNG LAN