Ủy ban bầu cử trung ương Liên bang Nga hôm 2-7 cho biết, sau khi kiểm tra 100% số phiếu, có 77,92% cử tri ủng hộ việc sửa đổi Hiến pháp và 21,27% số cử tri phản đối việc này. Tỉ lệ cử tri tham gia cuộc trưng cầu ý dân này là 64,99%.
Kết quả đồng ý sửa đổi Hiến pháp là một phản ánh tích cực, đầy trách nhiệm của cử tri Nga, mặc dù vẫn còn 21,27% phản đối. Đây cũng là "chuyện thường tình" trong một xã hội từng bước mở rộng dân chủ như nước Nga hiện nay.
Người Nga ngày nay tin vào các nhà hoạt động chính trị Nga nổi bật như Putin V.V., Mishustin M.V., Mironov S.M., Zhirinovsky V.V., Zyuganov G.A., Medvedev D.A. và các đảng phái chính trị lớn trên chính trường Nga như: đảng Nước Nga Thống nhất, đảng Cộng Sản LB Nga, đảng Dân chủ Tự do, đảng Nước Nga Công bằng,...
Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Ảnh: Sputnik)
Vì sao nước Nga cần sửa đổi Hiến pháp?
Sau khi Liên Xô sụp đổ, ngày 12-6-1990 nước Nga tuyên bố độc lập. Lần đầu tiên Đại biểu của Quốc hội lâm thời nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô Viết Liên bang Nga thông qua "Tuyên bố chủ quyền nhà nước Liên bang Nga", thành lập chính phủ lâm thời.
Ngày 12-6-1991, một cuộc bầu cử phổ thông được thông qua, ông Boris Yeltsin được bầu làm Tổng thống đầu tiên của Liên bang Nga. Ông nhậm chức vào ngày 7-7-1991, với nhiệm kỳ 5 năm.
Theo Hiến pháp Nga được thông qua năm 1993, tổng thống được bầu cử cứ 4 năm một lần, bầu cử theo hình thức trực tiếp của toàn thể công dân Nga. Tuy nhiên sau khi các biến cố vào mùa thu năm 1993, sự kiện này đã được phê duyệt lại vào năm 1994 theo Nghị định của Tổng thống Nga, Boris Yeltsin là "Ngày của Tuyên bố về chủ quyền của Nhà nước Nga" (sau này còn gọi là ngày Quốc khánh).
Nước Nga của Boris Yeltsin như bừng tỉnh qua cơn ác mộng Liên Xô sụp đổ và bắt đầu xây dựng lại đất nước trên đống đổ nát của lịch sử để lại. Một trong những công việc quan trọng đầu tiên là soạn thảo và thông qua Hiến pháp mới, bởi bản Hiến pháp cũ của Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô Viết Liên bang Nga không còn phù hợp, không còn hiệu lực.
Nhiều Dự án khác nhau trong việc soạn thảo Hiến pháp năm 1993 của nhiều thành viên như Sergei Mitchseev, Sergei Filatov, Oleg Rumyantsev, Thư ký điều hành của Ủy ban Hiến pháp của Đại hội Nhân dân Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô Viết Liên bang Nga (RSFSR) và Alexander Yakovlev. Một thỏa hiệp đã gần như đạt được vào mùa hè năm 1993 tại Hội nghị lập hiến đầu tiên.
Nhân viên Ủy ban Bầu cử Trung ương Nga kiểm phiếu sửa đổi Hiến pháp hôm 1-7. (Ảnh: Ria Novosti)
Khủng hoảng Hiến pháp Nga năm 1993 là một cuộc cạnh tranh chính trị giữa Tổng thống Nga Boris Yeltsin và Quốc hội Nga. Các quan hệ giữa Tổng thống và Nghị viện đã xấu đi trong một thời gian. Căng thẳng lên tới đỉnh điểm ngày 21-9 khi Tổng thống Nga Boris Yeltsin giải tán cơ quan lập pháp quốc gia (Đại hội Đại biểu Nhân dân).
Tổng thống không có quyền giải tán nghị viện theo Hiến pháp lúc bấy giờ. Ông Yeltsin sử dụng các kết quả của cuộc trưng cầu dân ý tháng 4-1993 để biện minh cho các hành động của mình. Đối lại, nghị viện buộc tội Boris Yeltsin và tuyên bố Phó Tổng thống Aleksandr Rutskoy trở thành quyền Tổng thống. Kết quả khủng hoảng Hiến pháp đã được giải quyết bằng bạo lực.
Tình hình xấu đi vào đầu tháng 10. Những người biểu tình hôm 3-10 đã vượt qua các hàng rào cảnh sát quanh nghị viện, và được các lãnh đạo của họ hối thúc, chiếm các văn phòng thị trưởng và tìm cách tràn vào trung tâm truyền hình Ostankino.
Quân đội, vốn ban đầu tuyên bố trung lập, sau đó tuân theo lệnh của ông Yeltsin tấn công toà nhà trụ sở Xô viết Tối cao đầu giờ sáng 4-10, và bắt giữ các lãnh đạo cuộc phản kháng. Cuộc xung đột 10 ngày đã chứng kiến cuộc chiến đấu đẫm máu nhất trên đường phố Matxcơva kể từ tháng Mười năm 1917 làm hàng trăm người chết và bị thương.
Vai trò của ông Yeltsin trong sự phát triển Hiến pháp hiện đại của Nga được mọi người lưu ý. Tổng thống tuy không can thiệp vào quá trình soạn thảo, nhưng khi văn bản cuối cùng được đưa đến cho ông, Yeltsin đã thực hiện 16 sửa đổi bằng tay của mình. 13 trong số đó là hoàn toàn không đáng kể, nhưng có 3 điểm quan trọng được Yeltsin... đặt bút.
Theo đó, ông giảm số lượng thẩm phán Hiến pháp, quy định cho nguyên thủ quốc gia có quyền chủ tọa tại các cuộc họp của Hội đồng Chính phủ và đánh đồng các sắc lệnh của Tổng thống với các luật được Quốc hội thông qua. Theo đó ông đã tăng thêm quyền hạn để nâng cao vị thế của các mệnh lệnh của mình. Lực đẩy chung của các sửa đổi này của Yeltsin là mở rộng quyền hạn của nhánh hành pháp, mà ông là Tổng thống.
Tuy vậy, sự kiện bi thảm của tháng 10-1993 buộc phải sửa đổi thỏa thuận. Và rất nhanh chóng, người Mỹ có mặt và đưa ra các ý kiến tư vấn.
Cụ thể, Điều 15, mục 4 Hiến pháp Nga 1993 như sau: “Nếu các quy tắc, quy định của pháp luật Nga khác với các quy tắc của điều ước quốc tế thì các quy tắc điều ước quốc tế sẽ được áp dụng”.
Bất kỳ ai cũng đều hiểu, sau Chiến tranh Lạnh thì Luật pháp quốc tế, các điều ước quốc tế phần lớn đều do Mỹ - Anh soạn thảo và có lợi cho họ.
Do đó, vấn đề cơ bản cần sửa đổi Hiến pháp là để thoát khỏi sự lệ thuộc vào phương Tây. Bởi vì Hiến pháp năm 1993 có Mỹ cố vấn đã đưa Nga vào thế bất lợi, chẳng khác gì nước Nhật sau thế chiến 2.
Nước Nga trở lại dưới thời Putin
Nước Nga đã bao đổi thay gần 30 năm qua, từ một quốc gia lụn bại, nay đã lấy lại vị thế cường quốc trên thế giới. Nhiều lĩnh vực đã đuổi kịp thời Liên bang Xô Viết và có những lĩnh vực vượt trội như ngành nông nghiệp, khoa học kỹ thuật và công nghệ mới.
Đặc biệt khoa học kỹ thật và công nghệ mới quân sự, có nhiều vũ khí, khí tài vượt xa Mỹ nhiều chục năm. Xuất khẩu nông nghiệp cao hơn cả xuất khẩu vũ khí, điều mà dưới thời Xô Viết có đủ 15 nước cộng hòa cũng không làm được. Đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt, GDP vượt xa thời kỳ đen tối 1991-1993.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đi bỏ phiếu. (Ảnh: CNN)
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã theo đuổi 2 mục tiêu chính: Bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ rộng lớn bậc nhất thế giới trên 17 triệu km², giữ gìn sự thống nhất của Nga và khôi phục vị thế là một cường quốc trên trường thế giới. Ông Putin đã thành công trong 2 mục tiêu này.
Quyền lực tối cao của chính quyền trung ương đã được khẳng định trên toàn Liên bang Nga. Ý chí chính trị của Tổng thống thông qua ngành dọc quyền lực đảm bảo sự thống nhất của chính trị.
Theo các chuyên gia, trong hơn 20 năm qua, Nga đã góp phần quan trọng vào việc hình thành và phát triển thế giới đa cực. Nga không còn định hướng chỉ theo một hướng, hướng tới châu Âu, Mỹ hay Trung Quốc. Nga chủ động tương tác với tất cả các láng giềng lớn của mình và chỉ định hướng bởi những lợi ích quốc gia của chính mình.
Dựa trên những tính toán này, Tổng thống Vladimir Putin trong những năm 2000 đã nỗ lực rất nhiều để giải quyết triệt để vấn đề biên giới với Trung Quốc và thiết lập quan hệ đối tác chặt chẽ và mang tính xây dựng với Bắc Kinh.
Dưới thời của ông Putin, sự hình thành chính sách châu Á của Nga bắt đầu. Cùng với Trung Quốc, nhà lãnh đạo Nga đã tìm cách phát triển quan hệ với Ấn Độ như một cường quốc châu Á có thể so sánh với Trung Quốc và là đối tác chiến lược truyền thống của Nga.
Với Nhật Bản và Hàn Quốc được xem làm nguồn lực cho đầu tư và nhập khẩu công nghệ; với các nước ASEAN là một thị trường lớn và đang phát triển.
Tổng thống Putin đã làm trỗi dậy tinh thần trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại của nhân dân Liên Xô và hướng nó vào cuộc đối trọng với những kẻ thù luôn tìm cách phá hoại, hủy hoại nước Nga. Ông đã đưa những giá trị tinh thần của dân tộc Nga - dù ở bất cứ giai đoạn lịch sử nào - vào truyền thống văn hóa dân tộc Nga và lưu giữ cho các thế hệ mai sau.
Người Nga sẽ quyết định ông Putin có tiếp tục làm Tổng thống
Một trong những trăn trở của nước Nga dưới thời ông Putin là sự chống phá của các lực lượng thù địch đến từ phương Tây, bằng nhiều cách, trong đó có sự chia rẽ trong nội bộ nước Nga, xuyên tạc và bóp méo lịch sử trong Thế chiến thứ 2, phủ nhận công lao to lớn của nhân dân Liên Xô trong cuộc chiến tranh chống chủ nghĩa phát xít.
Sự phát triển của Nga làm thế giới phương Tây không chỉ "không hài lòng", mà còn tìm mọi cách “o ép”, thậm chí tìm cách lật đổ. Song Hiến pháp cũ bộc lộ những kẽ hở, những điểm yếu cho ngoại bang lợi dụng. Vì vậy, việc sửa đổi Hiến pháp có thể cho phép ông Putin tiếp tục tái ứng cử thêm nhiệm kỳ tổng thống.
Chắc rằng sau sửa đổi Hiến pháp, Nga sẽ quốc hữu hóa Ngân hàng Trung ương không thể để một chi nhánh của FED hoạt động và thao túng tại Nga.
Người Nga sẽ toàn quyền quyết định về khả năng ông Putin tiếp tục nắm quyền sau năm 2024.
Trong 20 năm, trong điều kiện “o ép” của Mỹ, ông Putin đã chiến đấu để bảo tồn nước Nga và nhân dân Nga, đồng thời chuẩn bị các công cụ để giải phóng Tổ quốc khỏi sự lệ thuộc vào thế giới phương Tây. Và bây giờ người dân Nga đã đưa ra quyết định muốn thay đổi Hiến pháp của một quốc gia chủ quyền.
Trong thông điệp gửi tới Quốc hội Liên bang vào ngày 15-1, Tổng thống Nga Vladimir Putin đề xuất sửa đổi Hiến pháp. Ông khởi xướng lệnh cấm quan chức cấp cao mang 2 quốc tịch, tăng cường vai trò của Quốc hội (Duma Quốc gia), các Thống đốc và Hội đồng Nhà nước. Nó được đề xuất để quy định trong Luật cơ bản của Nga cần được ưu tiên so với Luật quốc tế, đồng thời đưa một chuẩn mực được tính toán với các điều khoản cho phép nguyên thủ quốc gia đương nhiệm cớ thể tái cử vào năm 2024.
Các sửa đổi đã được Duma Quốc gia thông qua và được công nhận là hợp pháp tại Tòa án Hiến pháp Liên bang Nga. Tất cả sẽ có hiệu lực sau khi được phê duyệt tại một thủ tục đặc biệt của Hội đồng bầu cử Trung ương và Tòa án Hiến pháp Liên bang Nga sau cuộc bỏ phiếu toàn Nga ngày 1-7 vừa qua.
Cuộc trưng cầu thay đổi Hiến pháp đã thành công và nhân dân Nga thực hiện quyền lựa chọn của mình cho đất nước trong chặng đường mới.
Nếu ông Putin được nhân dân Nga tín nhiệm, thì đó là hạnh phúc cho nước Nga. Và thế giới và khu vực sẽ cân bằng và ổn định hơn trong thế giới đa cực.
Tuy vậy, việc ông Putin có tiếp tục nắm quyền sau năm 2024 hay không vẫn còn bỏ ngỏ và quyết định là do nhân dân của ông. Dân tộc Nga là một dân tộc thông minh, có lòng yêu nước, tự hào và tự tôn dân tộc rất cao. Họ biết làm gì tốt nhất cho dân tộc mình, đất nước mình.
Theo VTC