OPEC đối mặt với ba thách thức lớn

28/12/2023 - 14:26

OPEC thông qua hợp tác với 10 nhà sản xuất dầu ngoài tổ chức này (OPEC+) tìm cách duy trì ảnh hưởng trên thị trường dầu mỏ, nhưng họ đang phải đối mặt với cả những thách thức bên trong và bên ngoài.

Biểu tượng OPEC tại trụ sở ở Vienna, Áo. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo Thời báo Tehran (tehrantimes.com) ngày 26/12, Angola tuần trước tuyên bố sẽ rời OPEC. Nước này là thành viên OEPC mới nhất quyết định rời tổ chức.

Trước đó, Qatar, Indonesia và Ecuador đã rời OPEC. Mặc dù việc rời khỏi OPEC không có bất kỳ tác động đáng kể nào đến tổng nguồn cung thị trường thế giới, nhưng điều này có thể đáng báo động đối với OPEC xét về ảnh hưởng của tổ chức này đối với thị trường dầu mỏ và việc ấn định giá dầu.

Nhìn chung, có vẻ như OPEC đang phải đối mặt với ba thách thức. Đầu tiên là sự rút lui của các thành viên. Trong những năm qua, OPEC đã không thành công trong nỗ lực thuyết phục các nước sản xuất dầu khác tham gia tổ chức này. Trong năm nay, OPEC đã nhiều lần mời Guyana trở thành thành viên nhưng quốc gia Nam Mỹ này đã từ chối tham gia, dường như dựa trên giả định rằng họ muốn tối đa hóa sản lượng dầu và lợi nhuận trong thời đại mà nhu cầu dầu có thể giảm trong thời gian tới.

OPEC không chỉ không thể thu hút thành viên mới mà còn phải đối mặt với nguy cơ các thành viên rút lui. Sau khi Qatar quyết định rời tổ chức, ít nhất là trong vài năm qua, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) là mối đe dọa lớn nhất đối với sự đoàn kết của tổ chức dầu mỏ này. Sự bất hòa giữa UAE và OPEC do Saudi Arabia dẫn đầu đã lên đến đỉnh điểm cách đây hai năm khi nước này khăng khăng đòi hạn ngạch cơ sở cao hơn để cho phép sản xuất trong nước nhiều hơn.

Nếu UAE quyết định rời khỏi tổ chức dầu mỏ trên, điều đó có thể làm suy yếu ảnh hưởng của OPEC liên quan đến việc thiết lập giá dầu vì UAE là nhà sản xuất dầu lớn thứ ba của OPEC.

Thách thức thứ hai của OPEC là từ hơn một thập kỷ trước, ba thành viên chính của tổ chức này không đóng vai trò gì trong việc đưa ra quyết định trong các cuộc họp cấp bộ trưởng của tổ chức. Vị thế của ba nước này trong OPEC đã suy giảm đáng kể chủ yếu do các lệnh trừng phạt của Mỹ. Đó là Iran, Venezuela và Libya - quốc gia ủng hộ nghiêm túc nhất chiến lược giá cao hơn trong số các thành viên châu Phi của OPEC.

Các chính sách của Libya tại OPEC gần tương đồng với Iran và Venezuela, trong khi Saudi Arabia chủ yếu chỉ muốn bảo vệ thị phần của mình. Khi ảnh hưởng của ba nước bị xói mòn tại OPEC, Saudi Arabi Riyadh cho rằng mình đã có quyền hơn trong các cuộc họp ra quyết định của OPEC.

Thách thức thứ ba mà OPEC phải đối mặt không phải từ bên trong mà là từ bên ngoài. Thách thức này lên đến đỉnh điểm tại COP28 ở UAE khi rất nhiều quốc gia tham gia yêu cầu loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch.

Dầu từng "bôi trơn bánh xe" của nền kinh tế các nước công nghiệp phát triển và là động lực tăng trưởng kinh tế thế giới. Hiện nay ở hầu hết các nước công nghiệp phát triển, dầu bị coi là thứ mà con người nên loại bỏ càng sớm càng tốt để cứu hành tinh trước tình trạng biến đổi khí hậu và ấm lên toàn cầu. Trong khi đó, quan điểm của OPEC rằng con người nên loại bỏ khí thải chứ không phải nhiên liệu hóa thạch dường như vẫn chưa được tính đến.

Mặc dù thuật ngữ “loại bỏ” đã bị gạch khỏi thông cáo cuối cùng của COP28, nhưng 198 quốc gia đã đạt được thỏa thuận nhấn mạnh việc chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch và Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho biết dù muốn hay không, việc loại bỏ nhiên liệu hóa thạch là không thể tránh khỏi.

Giờ đây, OPEC thông qua hợp tác với 10 nhà sản xuất dầu ngoài OPEC được gọi là OPEC+ đang cố gắng duy trì ảnh hưởng của mình trên thị trường dầu mỏ, nhưng họ đang phải đối mặt với cả những thách thức bên trong và bên ngoài đe dọa đến sức mạnh từng có trên thị trường dầu mỏ thế giới.

Theo TTXVN