
Binh sĩ Mỹ trong một cuộc tuần tra. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Hãng thông tấn AFP (Pháp) đưa tin, quan chức an ninh cấp cao của Mỹ và Panama đã ký kết thỏa thuận vào ngày 10/4. Theo nội dung thỏa thuận, Mỹ có thể triển khai binh sĩ đến các cơ sở do Panama kiểm soát để huấn luyện, tập trận và nhiều hoạt động khác.
Trong "Biên bản ghi nhớ" do Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth và lãnh đạo an ninh của Panama Frank Abrego ký kết, Mỹ công nhận chủ quyền của Panama. Bên cạnh đó, bất kỳ đợt triển khai nào cũng cần sự thông qua của Panama.
Thỏa thuận này không cho phép Mỹ xây dựng căn cứ quân sự cố định tại Panama. Nhưng tạo điều kiện để Mỹ triển khai số lượng nhân sự không xác định đến các căn cứ do Panama quản lý.
Thỏa thuận được ký kết trong chuyến thăm của Bộ trưởng Hegseth đến Panama ngày 8/4 nhằm thúc đẩy hợp tác an ninh giữa hai nước. Ông Pete Hegseth là Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đầu tiên đến thăm Panama sau 2 thập kỷ.
Nhân chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tới Panama, hai nước đã khánh thành bến tàu mới tại căn cứ của Lực lượng Hàng hải Panama, do Mỹ hỗ trợ xây dựng. Mỹ và Panama cũng công bố kế hoạch tập trận chung về bảo vệ an ninh hàng hải và thống nhất tăng cường chia sẻ thông tin tình báo.
Chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ diễn ra trong khuôn khổ Hội nghị An ninh Trung Mỹ (CENTSEC 2025), thể hiện cam kết của Washington trong việc tăng cường hợp tác an ninh với các quốc gia trong khu vực.
Quyền kiểm soát kênh đào đã được chuyển giao từ Mỹ sang Panama vào năm 1999 theo một thỏa thuận năm 1979 dưới thời Tổng thống Jimmy Carter. Trên thực tế, kênh đào dài 82 km nối liền hai đại dương này được Mỹ xây dựng và khánh thành vào năm 1914, đóng vai trò quan trọng trong thương mại hàng hóa và năng lượng của Mỹ.
Theo TTXVN