Lịch sử dân tộc Việt Nam trải dài suốt hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước; trong đó có hơn 90 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân Việt Nam đã làm nên những kỳ tích không thể phủ nhận. Trong hơn 90 năm lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta luôn coi trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nêu rõ: “Trong những năm tới, phải đặc biệt coi trọng và đẩy mạnh hơn nữa xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ”. Ngay sau đại hội, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã được đẩy mạnh. Điển hình là Quy định 37-QĐ/TW về những điều đảng viên không được làm. Quy định này được đánh giá là phù hợp với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong tình hình mới; thể hiện quyết tâm chính trị lớn của toàn Đảng trong việc phòng ngừa, ngăn chặn và đẩy lùi vi phạm trong đội ngũ đảng viên.
Phải đặc biệt coi trọng và đưa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng lên tầm cao mới
Tuy nhiên, với động cơ chính trị thiếu trong sáng, ngay sau khi Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Quy định 37-QĐ/TW về những điều đảng viên không được làm, nhiều cá nhân cơ hội chính trị đã đưa ra ý kiến phiến diện, xuyên tạc về quy định này. Một số ý kiến cho rằng, việc ban hành quy định ấy, Đảng đã “đứng ngoài”, “đứng trên” pháp luật. Họ cho rằng, việc ra đời của Quy định 37-QĐ/TW là thừa, không cần thiết bởi những nội dung mà quy định nêu ra pháp luật đã cấm rồi. Từ chỗ xuyên tạc nội dung của quy định, họ suy diễn cho rằng, việc ban hành hàng loạt quy định chứng tỏ Đảng Cộng sản Việt Nam “bất lực” không thể chống tham nhũng, tiêu cực, suy thoái thành công vì đã tìm đủ các biện pháp mà không thể thay đổi được tình hình… Thậm chí, có ý kiến còn trắng trợn xuyên tạc khi cho rằng, quy định đảng viên không được “nhập quốc tịch, chuyển tiền, tài sản ra nước ngoài, mở tài khoản và mua bán tài sản ở nước ngoài trái quy định” là... vi phạm Hiến pháp.
Mục đích của những luận điệu nêu trên không gì khác là nhằm hạ thấp vị trí, ý nghĩa của Quy định 37-QĐ/TW; phủ nhận thành tựu quan trọng, gieo rắc sự hoài nghi, phân tâm về tính hiệu quả trong thực hiện các quy định của Đảng nói chung và Quy định 37-QĐ/TW nói riêng; làm suy giảm niềm tin của đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; sâu xa hơn là làm suy giảm, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng đối với nhà nước và xã hội… Cần khẳng định rõ rằng, những giọng điệu ấy là hết sức sai trái, thể hiện mưu đồ xấu xa, động cơ đen tối.
Cần khẳng định, không phải đến bây giờ Đảng ta mới chú trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Sở dĩ Đảng ta nhấn mạnh hơn đến công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng là vì muốn củng cố, gia tăng thêm sức mạnh cho Đảng; từ đó tiến đến xây dựng cả hệ thống chính trị. Đây là những bước đi thận trọng, chắc chắn, có lộ trình rõ ràng trong từng giai đoạn cụ thể. Thời gian qua, khi công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng ở nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng được gia tăng đáng kể nên Đảng ta đã gắn công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng với xây dựng hệ thống chính trị. Đặc biệt, những năm gần đây, để ngăn chặn, khắc phục tình trạng vi phạm của cán bộ, đảng viên, công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng đi cùng với pháp luật của nhà nước đã được tăng cường…
Tại Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII), Đảng ta đã thống nhất cao và khẳng định phải tiếp tục đẩy mạnh công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác giáo dục, rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất, đạo đức, lối sống, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; chấn chỉnh lề lối, tác phong làm việc; ngăn chặn, đẩy lùi, kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm minh các hành vi tham nhũng, tiêu cực, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; góp phần tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong toàn Đảng. Vì vậy, tăng cường các quy định về kỷ luật Đảng là cơ sở để đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Đây vừa là đòi hỏi khách quan, vừa là vấn đề có tính chất thường xuyên, liên tục và mang tính kế thừa. Việc bổ sung một số quy định mới để đảm bảo đáp ứng yêu cầu thực tiễn, tính khách quan, khoa học. Từ đó, tổ chức Đảng, đảng viên có cơ sở, căn cứ để rèn luyện, tu dưỡng, ngăn chặn sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến", "tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Theo đó, Quy định 37-QĐ/TW về những điều đảng viên không được làm đã thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng; đồng thời, cũng là cơ sở để tăng cường lòng tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Việc cố tình xuyên tạc, phủ nhận công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng ở Việt Nam thời gian qua và Quy định 37-QĐ/TW nói riêng xuất phát từ dã tâm thâm độc của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị trong và ngoài nước. Do đó, mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân cần tỉnh táo nhận diện; có thái độ khách quan, công tâm trong nhìn nhận, đánh giá; đồng thời, kiên quyết đấu tranh phản bác những luận điệu xuyên tạc để luôn giữ vững niềm tin vào Đảng - một tổ chức ra đời luôn đứng về phía cả dân tộc và không có mục đích gì khác ngoài việc mang lại ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.
MINH THƯ