Hoạt động thương mại nhộn nhịp trở lại
Nỗ lực tích cực
Từ đầu năm 2022 đến nay, mặc dù dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát nhưng theo Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình, tình hình kinh tế - xã hội (KTXH) của tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, cơ hội đan xen. Với sự quyết tâm chung, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chủ động, quyết liệt của các cấp, ngành, cộng đồng doanh nghiệp và sự đồng thuận ủng hộ của người dân, KTXH đang trên đà phục hồi và đạt kết quả tích cực. Trong đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) 6 tháng đạt 4,98%, vượt kịch bản tăng trưởng đề ra (kịch bản tăng 4,72%).
Hỗ trợ nông dân tham gia chuỗi liên kết sản xuất gắn với vùng nguyên liệu
6 tháng đầu năm 2022, sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định trong điều kiện thời tiết thuận lợi. Dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm tiếp tục được kiểm soát tốt, tạo sự yên tâm cho người chăn nuôi. Sản xuất công nghiệp từng bước được khôi phục, các gói hỗ trợ của Chính phủ cho hoạt động sản xuất - kinh doanh đã tạo nhiều tác động tích cực, các doanh nghiệp nhanh chóng trở lại sản xuất. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 6 tháng tăng gần 9% so cùng kỳ 2021.
Trong khi đó, hoạt động thương mại nhộn nhịp trở lại, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng trên 10% so cùng kỳ. An Giang thu hút hơn 5,2 triệu lượt khách tham quan, du lịch, tăng 60% so cùng kỳ; kim ngạch xuất khẩu tăng gần 9,6% so cùng kỳ 2021; thu ngân sách nhà nước ước gần 4.000 tỷ đồng, đạt 64,18% dự toán giao.
Nhờ dịch bệnh cơ bản được kiểm soát tốt, học sinh đã trở lại trường học; đời sống văn hóa - xã hội đã trở lại bình thường như lúc dịch chưa bùng phát; các chính sách hỗ trợ các đối tượng được triển khai kịp thời...
Bên cạnh kết quả đạt được, vẫn còn những khó khăn tồn tại. Dù kinh tế đang phục hồi theo kế hoạch, vượt kịch bản đề ra, nhưng vẫn còn thấp hơn mức tăng của cùng kỳ (6 tháng đầu năm 2021, GRDP tăng 5,79%) và dự báo tiếp tục còn nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, giá cả đầu vào tăng cao, giá cả nông sản không ổn định, vật tư nông nghiệp, giá xăng dầu, sắt thép, xi-măng tăng cao, nguy cơ lạm phát còn tiềm ẩn.
Dù dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát nhưng còn nguy cơ tái bùng phát, trong khi sốt xuất huyết tăng cao, đậu mùa khỉ đang xuất hiện ở một số quốc gia trên thế giới. Một vấn đề đáng quan tâm là tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp; thu hút đầu tư giảm, số lượng doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động còn cao.
Đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án giao thông
Quyết tâm hành động
Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình cho rằng, để GRDP cả năm 2022 đạt mục tiêu đề ra (tăng trưởng) 5,2% là thách thức lớn, đòi hỏi cần có sự quyết tâm, nỗ lực, chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh, vừa tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất - kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội và đời sống nhân dân.
Ông Nguyễn Thanh Bình đề nghị các sở, ngành, địa phương căn cứ những nhiệm vụ trọng tâm theo kịch bản điều hành phát triển KTXH và diễn biến tình hình thực tế những tháng cuối năm 2022, tập trung rà soát, bổ sung những giải pháp hiệu quả, quyết liệt hơn nữa để đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu đề ra. Trong đó, tập trung triển khai các nội dung, hoạt động của 2 sự kiện lớn là kỷ niệm 190 năm thành lập tỉnh An Giang và Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh An Giang năm 2022.
Chủ tịch UBND tỉnh An Giang giao Sở Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương hoàn chỉnh dự thảo Quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, báo cáo Tỉnh ủy và thông qua Hội đồng thẩm định quy hoạch để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Đồng thời, thường xuyên tổ chức kiểm tra, đôn đốc công tác chuẩn bị tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh An Giang năm 2022 đảm bảo tiến độ đề ra; rà soát, tháo gỡ kịp thời những vướng mắc của các dự án đầu tư để trao quyết định đầu tư, cam kết đầu tư; khẩn trương hoàn thành danh sách các nhà đầu tư với số vốn đăng ký tối thiểu không thấp hơn Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh An Giang năm 2018.
Sở Kế hoạch và Đầu tư thường xuyên kiểm tra, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thi công, giải ngân vốn các công trình trọng điểm của năm 2022; hàng tháng rà soát tỷ lệ giải ngân để nắm tiến độ, đề xuất biện pháp xử lý các chủ đầu tư, nhà thầu có tỷ lệ giải ngân chậm, phấn đấu giải ngân hết 100% kế hoạch vốn giao trong năm 2022.
Cần đa dạng hóa thị trường xuất, nhập khẩu
Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình yêu cầu các sở, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo sản xuất thắng lợi vụ hè thu và thu đông 2022 đảm bảo ăn chắc, an toàn trong mùa mưa bão; tiếp tục kiểm soát tốt và phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm; tăng cường công tác thanh, kiểm tra cửa hàng kinh doanh, mua bán phân bón, vật tư nông nghiệp, đảm bảo chất lượng và đúng giá; hỗ trợ các doanh nghiệp và nông dân tham gia chuỗi liên kết sản xuất gắn với vùng nguyên liệu (Tập đoàn Lộc Trời, Tập đoàn Tân Long...).
Đối với hoạt động xuất, nhập khẩu, cần đa dạng hóa thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam ký kết, đồng thời phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", phát triển thương mại điện tử. Đồng thời, có giải pháp kích cầu thương mại, dịch vụ mùa thấp điểm du lịch (từ nay đến cuối năm 2022).
Cùng với phát triển kinh tế, cần tổ chức tốt các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao, tạo không khí vui tươi, phấn khởi chào mừng kỷ niệm 190 năm thành lập tỉnh An Giang; góp phần quảng bá hình ảnh vùng đất tươi đẹp, con người An Giang thân thiện, mến khách, tiềm năng du lịch…
Sở Giao thông vận tải được giao nhiệm vụ tăng cường tranh thủ làm việc các bộ, ngành Trung ương để đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; chủ trì, phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường theo dõi tình hình cung ứng vật liệu xây dựng các công trình trọng điểm, kịp thời báo cáo, đề xuất UBND tỉnh xử lý những vấn đề phát sinh. |
NGÔ CHUẨN