Khiếu nại vụ việc đến Báo An Giang, bà Trần Thị Thu Em cho biết, sau 4 năm (1977-1981) tham gia trong quân đội, bà được chính quyền huyện Thốt Nốt (TP. Cần Thơ) cho 13 công đất ruộng ở ấp Thạnh Xuân, xã Thạnh Phú, huyện Thốt Nốt để sản xuất nông nghiệp. Bà Em canh tác được vài mùa, sau đó giao lại đất cho mẹ (bà Nguyễn Thị Tư, sinh năm 1942, ngụ khóm Tây Huề 2, phường Mỹ Hòa) quản lý, sử dụng.
Bù lại, người mẹ hứa sẽ cho gia đình con gái số đất để cất nhà sinh sống nhưng chưa thực hiện. Tuy nhiên, đến lúc sang nhượng trên 70m2 đất, người mẹ không có điều kiện nên bà Thu Em phải cáng đáng mọi việc. Thấy vợ chồng con gái lớn không có nơi ở, bà Thu Em sang nhượng lại cho con.
Cạnh phần đất sang nhượng là căn nhà khung gỗ, vách ván của người mẹ đang ở, thấy vợ chồng ông Trần Kím Hồng (sinh năm 1969) chưa có chỗ ở nên đồng ý cho con trai về sống chung. Sau đó, gia đình con trai có tu bổ đôi chút rồi tuyên bố đã mua nhà đất của người mẹ và yêu cầu sở hữu tài sản này. Do nhiều lần bị người con gây khó khăn, năm 2009, người mẹ buộc phải khởi kiện vụ việc đến TAND TP. Long Xuyên để đòi lại tài sản.
Kết quả, bà Nguyễn Thị Tư phải hoàn trả 4 triệu đồng cho con trai, đồng thời buộc người này trả lại 99,9m2 đất cùng ngôi nhà tranh chấp cho người mẹ sử dụng. Để thực hiện bản án, bà Thu Em thay mẹ trả 4 triệu đồng cho ông Kím Hồng nhưng người em vẫn không chịu giao nhà đất. Việc này bị bà Tư khiếu nại nhiều lần và cơ quan Thi hành án Dân sự vào cuộc, nhưng nhiều năm sau nhà đất mới giao cho bà Thu Em quản lý, sử dụng.
“Nói số đất gần 100m2 nhưng tôi chỉ sử dụng 40,5m2, số còn lại người mẹ ở và một phần do em trai út Trần Văn Út Em sử dụng, có vách ngăn cách biệt. Dù phần đất được mẹ cho nhưng tôi vẫn không có ý kiến gì, thậm chí còn đề nghị làm thủ tục tách riêng để người ở được toàn quyền sử dụng. Việc này được 3 người con của tôi đồng tình nhưng Út Em và người mẹ bị người khác tác động nên phản đối”.
Bà Trần Thị Thu Em trình bày sự việc với Báo An Giang
Sau vụ việc này, gia đình bà Thu Em vẫn sinh hoạt bình thường, từng bước nâng cấp cơ ngơi. Dù cất nhà đã lâu, do gia đình có đến 9 anh chị em, bà Thu Em yêu cầu mẹ làm thủ tục tặng, cho tài sản như đã hứa. Tháng 7-2019, bà Nguyễn Thị Tư đến Văn phòng Công chứng Long Xuyên đồng ý tặng, cho 99,9m2 cho bà Thu Em có sự chứng kiến của con gái Trần Thị Kim Liên (em gái bà Thu Em). Ngày 7-8-2019, bà Thu Em làm thủ tục và được Sở Tài nguyên và Môi trường An Giang cấp GCNQSDĐ đối với 99,9m2.
Đến ngày 9-11-2020, TAND TP. Long Xuyên thụ lý vụ án dân sự về việc “Tranh chấp Hợp đồng tặng, cho QSDĐ và tranh chấp QSDĐ” do bà Nguyễn Thị Tư và Trần Văn Út Em khởi kiện. Nguyên đơn yêu cầu tòa án xem xét hủy GCNQSDDĐ ngày 7-8-2020 cấp cho bà Trần Thị Thu Em. Lý do, bà Tư chỉ tặng, cho 40,5m2 cho bà Thu Em, số còn lại trả lại cho bà. Đồng thời, trả 0,9m2 lối đi chung và 13,5m2 đất phủ thờ. Ông Trần Văn Út Em yêu cầu bà Thu Em trả 37,1m2 đất do đã bị lấn chiếm.
Tìm hiểu sự việc, đại diện Ban Nhân dân khóm Tây Huề 2, phường Mỹ Hòa cho biết, về phần đất tranh chấp xảy ra đã từ rất lâu. Trước đây, Ban Nhân dân khóm nhiều lần tham gia hòa giải, còn nay các đương sự không gửi đơn. Tuy nhiên, được biết đương sự đã khiếu nại gửi đến UBND phường Mỹ Hòa và vụ việc đã được tòa án thụ lý. Với số đất tranh chấp hiện có nhiều người ở, trong đó có ông Trần Văn Út Em sử dụng, cùng phần đất bãi bồi ông cho rằng mình đã bỏ công bồi đắp.
Luật sư Phan Văn Được cho biết, hợp đồng tặng, cho QSDĐ của bà Nguyễn Thị Tư đối với bà Trần Thị Thu Em thực hiện bằng văn bản, có sự thỏa thuận giữa các bên, không yêu cầu đền bù, có chứng kiến của con gái Trần Thị Kim Liên, được Văn phòng Công chứng Long Xuyên chứng nhận, có giá trị pháp lý.
Sau đó, bên được tặng, cho tài sản đã đăng ký chủ quyền và được cấp GCNQSDĐ - đó là tài sản của họ được pháp luật bảo hộ. Khi bên tặng, cho muốn lấy lại tài sản phải đáp ứng các điều kiện như vi phạm điều khoản hợp đồng do 2 bên thỏa thuận. Về việc này cho thấy, phía bên được tặng, cho không vi phạm.
Bài, ảnh: N.R