Xét nghiệm sàng lọc Covid-19 tại thành phố cảng Le Havre ở phía tây nước Pháp. Ảnh: La Croix
Chiến dịch xét nghiệm sàng lọc đại trà cũng được triển khai từ ngày 14-12 tại một số khu vực để phát hiện và cách ly kịp thời người nhiễm bệnh.
Sau một tháng rưỡi phong tỏa, số người nhiễm mới hằng ngày vẫn không thể giảm xuống dưới 5.000 ca, mục tiêu để người dân có thể đi lại tự do trên toàn quốc suốt cả ngày. Chính phủ Pháp buộc phải đưa ra lệnh giới nghiêm và duy trì một số biện pháp nghiêm ngặt nhằm hạn chế tối đa các cuộc tụ tập và tiếp xúc xã hội, nhất là vào buổi tối tại tất cả các vùng đô thị.
Không như dự báo, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp. Các chuyên gia y tế liên tục đưa ra lời cảnh báo về nguy cơ xảy ra đợt bùng phát thứ ba sau dịp lễ cuối năm nếu nới lỏng các hạn chế. Tỷ lệ lây nhiễm còn ở mức rất cao và một trong những nguyên nhân chính là do có nhiều người nhiễm bệnh không có triệu chứng và làm lây lan sang người khác.
Nhằm kiềm chế đà lây lan của dịch bệnh, Chính phủ Pháp đã đề ra chiến lược mới với mục tiêu "xét nghiệm - báo động - bảo vệ". Theo đó, việc xét nghiệm đại trà sẽ được tiến hành tại nhiều khu vực từ nay cho tới đầu năm 2021. Ngay từ ngày 14-12, hai khu đô thị Havre thuộc vùng Normandie ở phía tây và Charleville-Mézières thuộc vùng Grand Est ở phía đông bắt đầu chiến dịch xét nghiệm trên quy mô lớn.
Chính quyền khu đô thị Charleville-Mézières cho biết, nhiều khách sạn đã được chuẩn bị cho những người nhiễm bệnh tới cách ly nhằm phá vỡ các chuỗi lây nhiễm. Còn Cơ quan Y tế vùng Grand Est đề nghị những người nhiễm bệnh tới các khu cách ly riêng như khách sạn hay trung tâm nghỉ dưỡng nhằm hạn chế nguy cơ lây lan sang người trong gia đình và xã hội.
Cho tới nay, Pháp chưa đưa ra biện pháp cách ly bắt buộc đối với người có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19. Chính vì vậy, các nhà dịch tễ cho rằng, việc xét nghiệm đại trà chỉ có hiệu quả với điều kiện cách ly ngay những người nhiễm bệnh, đồng thời có biện pháp kịp thời nhằm hạn chế tối đa tiếp xúc xã hội tại những khu vực có sự lây lan mạnh.
Cùng ngày, Bộ trưởng Tài chính Bruno Le Maire cho biết, tình hình hiện nay chưa thể bảo đảm khả năng cho nhà hàng, quán bar và các cơ sở văn hóa mở cửa trở lại vào ngày 20-1-2021 như dự kiến. Thông báo này cho thấy Chính phủ Pháp rất lo ngại nguy cơ tái bùng phát dịch do người dân di chuyển nhiều và đoàn tụ gia đình, bạn bè trong kỳ nghỉ lễ cuối năm.
Ngày 14-12, Pháp ghi nhận hơn ba nghìn ca nhiễm mới, tỷ lệ thấp nhất trong ngày đầu tuần kể từ tháng 10. Tuy nhiên, số người nhập viện và ca hồi sức cấp cứu lại tăng so với ngày 13-12.
Cũng như ở Pháp, một số nước châu Âu cũng phải tăng cường các biện pháp ngăn chặn sự lây lan trước dịp lễ Giáng sinh và năm mới. Ngày 14-12, các đảng phái đối lập và chuyên gia y tế ở Áo đề nghị chính phủ tăng cường năng lực xét nghiệm đại trà vì hiện mới chỉ có hơn 20% trong tổng số 8,8 triệu dân được xét nghiệm. Chính phủ Đức quyết định đóng cửa các cơ sở không thiết yếu như: nhà hàng, khách sạn, quán bar, trung tâm văn hóa và giải trí tới ngày 10-1-2021, nhằm tránh nguy cơ lây lan rộng trong những ngày cuối năm.
Ngày 12-12, Bộ trưởng Y tế Tây Ban Nha Salvador Illa cho biết, chiến dịch tiêm vaccine ngừa Covid-19 ở nước này sẽ bắt đầu từ ngày 4-1-2021 cho các đối tượng ưu tiên gồm : người cao tuổi, nhân viên y tế và những người có nguy cơ cao. Theo ông Salvador Illa, Tây Ban Nha đặt mục tiêu đạt mức miễn dịch cộng đồng vào cuối mùa hè năm tới khi có hơn 2/3 trong tổng số 47 triệu dân được tiêm chủng.
Còn tại Hà Lan, Thủ tướng Mark Rutte thông báo lệnh phong tỏa kéo dài đến ngày 19-1. Số ca nhiễm hằng ngày ở nước này tăng mạnh trong tuần qua, do đó chính phủ buộc phải ban hành biện pháp nghiêm ngặt nhất kể từ khi có dịch. Tất cả các cửa hàng không thiết yếu cũng như các cơ sở văn hóa và trường học sẽ phải đóng cửa từ giữa tuần này.
Tình hình hiện nay cho thấy dịch bệnh đang diễn biến rất phức tạp ở châu Âu dù chính quyền các nước đã tăng cường các biện pháp hạn chế.
Theo KHẢI HOÀN (Nhân Dân)