Theo Bộ trường Olivier Véran, các trung tâm này sẽ được sử dụng để tiêm các loại vaccine được bàn giao trong tháng 4. Hiện Pháp có 1.839 địa điểm tiêm bốn loại vaccine được cấp phép gồm Pfizer-BioNTech, Moderna, AstraZeneca/Oxford và Janssen J&J.
Chính phủ Pháp đặt mục tiêu tiêm phòng cho khoảng 30 triệu người vào mùa hè gồm 10 triệu tới giữa tháng tư và 20 triệu nữa vào giữa tháng 5. Ông Olivier Véran nói: Lực lượng quân y và cứu hộ sẽ được triển khai để thiết lập các "siêu trung tâm tiêm phòng" nhằm có đủ cơ sở hạ tầng và nhân lực vào những tuần tới khi nguồn cung cấp vaccine tăng lên.
So với các nước trong khu vực, chiến dịch tiêm chủng ở Pháp chưa đạt tốc độ như mong muốn. Cùng với việc chậm giao vaccine, nhiều người trong đó có cả nhân viên y tế còn e ngại sau khi có thông tin về những trường hợp bị phản ưng phụ với vaccine AstraZeneca. Còn những người muốn tiêm thì lại chưa đến lượt do không phải đối tượng ưu tiên.
Ông Alain Fischer, phụ trách chiến dịch tiêm chủng của Pháp, cho rằng cuộc sống chỉ có thể dần trở lại bình thường khi dịch bệnh giảm hẳn đà lây lan và khoảng 20 triệu người dễ bị tổn thương nhất được tiêm phòng. Mục tiêu của chính phủ là khôi phục lại tất cả các hoạt động vào mùa hè hoặc mua thu tới. Dù vậy, chiến lược chống dịch cần tập trung vào việc phòng dịch cho những người trẻ tuổi trong đó có việc tiêm phòng. Có như vậy mới kìm hãm tối đa sự lây lan của dịch bệnh.
Người dân chờ tiêm phòng Covid-19 ngày 21-3 ở tỉnh Nord thuộc vùng Hauts-de-France ở phía bắc giáp biên giới Vương quốc Bỉ. (Ảnh: Reuters)
Tính tới ngày 22-3, có gần 6,2 triệu người (9,25% dân số) ở Pháp được tiêm mũi thứ nhất và hơn 2,4 tiệu người (3,63% dân số) được tiêm mũi thứ hai. Pháp đã nhận được gần 11 triệu liều vaccine. Như vậy, còn khoảng 50,75% dân số cần được tiêm phòng để có thể đạt mức miễn dịch cộng đồng như dự kiến.
Kể từ ngày 20-3, khoảng 21 triệu dân ở 16 tỉnh trong đó có vùng thủ đô Ile-de-France bước vào đợt phong tỏa thứ 3 kéo dài ít nhất một tháng. Đợt phong tỏa này không chặt chẽ bằng hai lần trong năm 2020 vì người dân vẫn được di chuyển để làm các công việc thiết yếu và tập thể dục trong bán kính 10km.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khẳng định đây không phải là đợt phong tỏa. Chính quyền tăng cường các biện pháp hạn chế nhằm kiềm chế đà lây lan của dịch bệnh, đồng thời không để người dân "bị nhốt" ở nhà.
Các chuyên gia y tế cho rằng đợt phong tỏa cục bộ hiện nay là "nhẹ nhàng" đối với người dân nhưng là "một sự đặt cược đầy rủi ro" vì tại vùng thủ đô và một số khu vực khác, các khoa hồi sức cấp cứu đã kín chỗ. Ông Olivier Guérin, thành viên thuộc Hội đồng Khoa học của chính phủ, cũng lo ngại về hiệu quả của đợt phong tỏa cục bộ tại những khu vực nguy cơ cao. Lý do là vì đây không phải là biện pháp triệt để cho hai mục tiêu chặn đà lây lan và giảm áp lực cho các bệnh viện.
Ngày 22-3, Pháp ghi nhận hơn 15 nghìn ca nhiễm mới. Trong vòng 10 ngày qua, tổng số người nhập viện đã tăng gần hai nghìn, còn số ca hồi sức cấp cứu tăng gần 500.
Tình hình tại vùng thủ đô ngày càng nghiêm trọng khi tỷ lệ nhiễm bệnh đã lên tới 537 ca/100 nghìn dân. Số ca hồi sức cấp cứu đã lên tới 1.325, tương đương con số của ngày 6-5-2020 và vượt mức cao nhất của đợt dịch thứ hai vào tháng 11-2020.
Trước tình hình như vậy, Thủ tướng Pháp Jean Castex đã chủ trì cuộc họp nội các vào tối 22-3 để thảo luận khả năng bổ sung các hạn chế. Dự kiến, các quy định cụ thể và chặt chẽ hơn sẽ sớm được công bố như cấm tiếp đón khách ở nhà riêng hay cấm ra khỏi nhà sau 19 giờ trừ trường hợp khẩn cấp.
Do dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, một số nước EU cũng tăng cường các biện pháp chống dịch. Chính phủ và chính quyền các bang ở Đức đã quyết định kéo dài các biện pháp hạn chế hiện nay hết hạn vào ngày 28-3 tới 18-4 vì tỷ lệ nhiễm bệnh lại tăng vọt từ 68 vào hai tuần trước lên 107,3 trường hợp/100 nghìn dân.
Cùng ngày, chính phủ và chính quyền các bang ở Áo thống nhất việc kéo dài các biện pháp hạn chế sang tháng 4 thay vì nới lỏng vào ngày 27-3 như dự kiến. Trong bảy ngày qua, tỷ lệ nhiễm bệnh ở nước này tăng mạnh. Số ca hồi sức cấp cứu đã chiếm 40% giường bệnh và được dự báo tăng nhanh vào cuối tháng này.
Theo KHẢI HOÀN (Báo Nhân Dân)