Phong bì hình bộ tem về bảo vật Quốc gia đúc vàng. (Ảnh: Công ty Tem Việt Nam)
Ngày 31-7, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng Công ty Tem Việt Nam sẽ phát hành bộ tem “Bảo vật Quốc gia Việt Nam (bộ 2): Đồ vàng.” Bộ tem gồm bốn mẫu, in hình các bảo vật từ thời Trần, Nguyễn và được đúc từ vàng. Ngày hết hạn phát hành của bộ tem kéo dài đến ngày 30-06-2023.
Việc phát hành này có mục đích tiếp tục giới thiệu, tôn vinh và khẳng định các giá trị lịch sử và văn hóa của dân tộc ta. Bốn mẫu tem này bao gồm: Ấn “Sắc mệnh chi bảo” (4.000 đồng), ấn vàng “Đại Việt Quốc Nguyễn chúa Vĩnh trấn chi bảo” (4.000 đồng), hộp vàng Ngọa Vân - Yên Tử (6.000 đồng) và hộp đựng xá lỵ Tháp Nhạn (12.000 đồng).
Bảo vật quốc gia là những hiện vật đại diện cho các thời đại lịch sử, phần nào phản ánh diện mạo về đời sống, văn hóa trong từng thời kỳ của dân tộc Việt Nam, được Nhà nước Việt Nam bảo vệ và bảo quản theo chế độ riêng biệt.
Cụ thể, ấn “Sắc mệnh chi bảo” được đúc năm 1827 dưới thời của Minh Mệnh (1791-1841). Ấn “Sắc mệnh chi bảo” vốn có từ thời vua Trần Thái Tông (1225-1258) nhưng được khắc từ gỗ, dùng để ban bố mệnh lệnh, sắc chỉ trong giai đoạn những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống quân Nguyên xâm lược Đại Việt lần thứ nhất (1258).
Còn chiếc ấn vàng “Đại Việt Quốc Nguyễn chúa Vĩnh trấn chi bảo” hiện đang được lưu trữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia lại là ấn vàng có niên đại sớm nhất trong vương triều nhà Nguyễn. Ấn vàng này được đúc năm 1709, đời chúa Nguyễn Phúc Chu (1691-1725) - người có công mở mang bờ cõi Đại Việt về phía Nam đến biên giới Chân Lạp, lập thêm các phủ Bình Thuận và Gia Định.
Từ trái sang phải, trên xuống dưới: Ấn ''Sắc mệnh chi bảo,'' ấn vàng ''Đại Việt Quốc Nguyễn chúa Vĩnh trấn chi bảo,'' hộp xá lị Tháp Nhạn và hộp vàng Ngọa Vân-Yên Tử. (Ảnh: Công ty Tem Việt Nam)
Lưu trữ giá trị về đời sống Phật giáo thời Trần là hộp vàng Ngọa Vân-Yên Tử, hiện đang được lưu trữ tại Bảo tàng Quảng Ninh. Đây là bảo vật được phát hiện trên đường hành hương lên am Ngọa Vân, nơi Phật Hoàng Trần Nhân Tông hóa phật.
Cục Di sản văn hóa cho biết phát hiện này giúp khẳng định giá trị của di tích am Ngọa Vân, thánh địa của Thiền phái Trúc Lâm, phản ánh đời sống văn hóa, tâm linh của tầng lớp quý tộc đồng thời lưu trữ giá trị nhiều giá trị mỹ thuật trên vàng, bạc xưa kia.
Riêng hộp đựng xá lị Tháp Nhạn, hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Nghệ An lại có mặt từ thế kỷ thứ 7. Bảo vật này góp phần khẳng định xá lị (phần còn lại của hài cốt sau khi hỏa táng) đã xuất hiện tại Việt Nam khá sớm, góp phần hé mở diện mạo Phật giáo thời kỳ đầu vùng đất xứ Nghệ nói riêng và giúp ích cho quá trình nghiên cứu về Phật giáo tại Việt Nam nói chung.
Theo MINH ANH (Vietnam+)