Các nhà nghiên cứu Mỹ đã phát hiện dấu ấn sinh học giúp theo dõi sự phục hồi bệnh nhân trầm cảm. (Nguồn: HUB)
Các nhà nghiên cứu Mỹ đã xác định được một mô hình hoạt động của não bộ, được coi là "dấu ấn sinh học" liên quan các biểu hiện lâm sàng cho thấy sự phục hồi của bệnh nhân trầm cảm kháng thuốc được điều trị bằng một thiết bị kích thích não sâu (DBS) mới.
Viện Y tế quốc gia Mỹ (NIH) đã đưa ra thông báo này ngày 20/9.
Phát hiện trong nghiên cứu trên là một bước tiến quan trọng mở đường cho việc sử dụng dữ liệu não để đánh giá khả năng đáp ứng của người bệnh với điều trị DBS.
Nghiên cứu được tiến hành với người trưởng thành bị trầm cảm kháng thuốc đã trải qua liệu pháp DBS trong 6 tháng.
Các nhà nghiên cứu sử dụng các công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) để phân tích dữ liệu não thu thập từ các bệnh nhân và quan sát thấy một dấu hiệu chung về hoạt động não bộ, tức "dấu ấn sinh học", ở các bệnh nhân tự báo cáo có các triệu chứng trầm cảm hay tình trạng ổn định khi họ phục hồi.
Các bệnh nhân đáp ứng tốt với liệu pháp DBS. Sau 6 tháng, 90% số bệnh nhân cải thiện rõ rệt triệu chứng trầm cảm và 70% ghi nhận bệnh thuyên giảm hoặc hoàn toàn khỏi bệnh.
Theo Giám đốc NIH Joshua A.Gordon, dấu ấn sinh học này cho thấy có thể sử dụng các tín hiệu của não để đánh giá khả năng đáp ứng của người bệnh với điều trị DBS để từ đó điều chỉnh điều trị phù hợp.
Các phát hiện này đánh dấu tiến bộ quan trọng trong việc đưa liệu pháp vào thực tế.
Dấu ấn sinh học là các phân tử sinh học trong máu, dịch thể, mô (như protein, enzyme, nucleic acid, kháng thể...) liên quan sự thay đổi trong biểu hiện gene, cấu trúc, chức năng protein, tín hiệu chuyển hóa tế bào, do đó đây là dấu ấn cho một quá trình bất thường hoặc diễn tiến bệnh.
Theo TTXVN