Phát hiện hóa thạch động vật biển nằm sâu trong lãnh thổ Argentina

04/11/2024 - 08:21

Phát hiện hóa thạch này chứng thực sự xâm nhập của vùng biển Thái Bình Dương trong phần lãnh thổ nước này cách đây hàng triệu năm, ngày nay được ngăn cách bởi dãy núi Andes và phần đất liền Chile.

Ảnh minh họa. (Nguồn: CONICET)

Ảnh minh họa. (Nguồn: CONICET)

Các nhà khảo cổ học Argentina đã tìm thấy tàn tích hóa thạch hộp sọ của một con cá sấu biển trong mỏ đá phiến nổi tiếng Vaca Muerta, ở tỉnh Neuquén, phía Tây Nam Argentina.

Phóng viên TTXVN tại Buenos Aires dẫn thông báo của Hội đồng Nghiên cứu Khoa học và Kỹ thuật quốc gia Argentina (CONICET), trong đó nhấn mạnh phát hiện hóa thạch này chứng thực sự xâm nhập của vùng biển Thái Bình Dương trong phần lãnh thổ nước này cách đây hàng triệu năm, ngày nay được ngăn cách bởi dãy núi Andes và phần đất liền Chile.

Các nhà khảo cổ học thuộc CONICET đã tìm thấy hóa thạch cá sấu biển trong phiến đá tại Pampa Tril, thuộc khu vực Vaca Muerta, mỏ khí đá phiến với trữ lượng lớn thứ hai thế giới và hiện nổi tiếng với hoạt động khai thác dầu mỏ.

Thông báo của CONICET khẳng định tại nơi này “có dấu hiệu của sự xâm nhập biển đột ngột khoảng 150 triệu năm trước, ở các vùng lộ thiên với sự đa dạng của các loài động vật không xương sống và bò sát biển.”

Năm 2022, các nhà khoa học đã phát hiện hóa thạch của xương sống thằn lằn cá tại địa điểm này. Hiện tại, gần khu vực đó, hóa thạch của các loài thằn lằn cá, cá, hàu, cúc đá và hộp sọ của một con cá sấu biển cũng đã được tìm thấy.

Nhà khảo cổ Mateo Gutiérrez, dẫn đầu nhóm nghiên cứu, cho biết hóa thạch hộp sọ cá sấu biển có thể cung cấp thông tin giải phẫu cho phép tìm hiểu tổng quan về sự đa dạng của những loài động vật này trong quá khứ.

Nhóm các nhà nghiên cứu cũng đã nghiên cứu một phần hóa thạch của một loài bò sát biển được tìm thấy ở phía Bắc tỉnh Neuquén. Những sinh vật này đã hoàn toàn thích nghi với cuộc sống ở vùng biển và trông giống với các loài cá hoặc cá heo hiện tại.

Ông Gutiérrez khẳng định đây là một phát hiện quan trọng, bởi trước đây không có tài liệu và mẫu vật về loài bò sát biển ở khu vực địa chất này.

Theo các nhà khoa học, phát hiện hóa thạch này cho thấy sự xâm nhập biển Thái Bình Dương vào lưu vực Neuquén và để lại các lớp hóa thạch có nguồn gốc từ biển, được trầm tích trong khoảng thời gian từ 165 đến 180 triệu năm.

Theo Vietnamplus