Trong một thông cáo báo chí, Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Carnegie (CMNH) cho biết, hóa thạch khủng long oviraptorosaur đã được phát hiện từ các loại đá có 70 triệu năm tuổi tại thành phố Cám Châu, tỉnh Giang Tây, Trung Quốc.
Oviraptorosaurs là một nhánh của nhóm khủng long lông vũ giống chim sống trong kỷ Phấn trắng.
Bài báo khoa học mô tả khám phá này đã được xuất bản trên tạp chí Science Bulletin. Các tác giả chính là Giáo sư, Tiến sĩ Shundong Bi, trường Indiana University of Pennsylvania, đồng thời là một nhà nghiên cứu tại CMNH và Giáo sư Xing Xu, nhà cổ sinh vật học tại Học viện Khoa học Trung Quốc.
Một con khủng long oviraptorosaur chăm chú ấp ổ trứng màu xanh lam trong khi bạn đời của nó đang quan sát tại tỉnh Giang Tây, miền nam Trung Quốc khoảng 70 triệu năm trước. Ảnh minh họa của Zhao Chuang.
"Khủng long vẫn còn nguyên vẹn khi nằm trên tổ của chúng là rất hiếm và phôi hóa thạch cũng vậy. Đây là lần đầu tiên một loài khủng long không phải chim được tìm thấy ngồi trên ổ trứng có phôi, trong một mẫu vật ngoạn mục", Giáo sư Shundong Bi giải thích.
Tái tạo xương của khủng long oviraptorosaur trưởng thành, xương được bảo tồn là phần màu trắng. Ảnh minh họa của Andrew McAfee, CMNH.
Hóa thạch bao gồm một bộ xương không hoàn chỉnh của một con khủng long oviraptorosaur trưởng thành đang cúi mình trong tư thế ấp trứng giống như một con chim trên một ổ chứa ít nhất 24 quả trứng.
Ít nhất bảy trong số những quả trứng này còn nguyên xương hoặc một phần bộ xương của phôi trứng chưa bị vỡ bên trong. Giai đoạn phát triển muộn của phôi và sự gần gũi của con khủng long trưởng thành với trứng cho thấy rõ ràng rằng con khủng long trưởng thành đã chết trong hành động ấp trứng giống với họ hàng loài chim hiện đại.
Trước đây, khi quan sát một số bộ xương oviraptorosaur khác đã được tìm thấy trên miệng của tổ trứng, các nhà khoa học đề xuất lý giải là chúng có thể đang đẻ trứng hoặc chỉ đơn giản là bảo vệ tổ giống loài cá sấu.
Phát hiện mới này đã khám phá ra nhiều thông tin chi tiết về loài này, bao gồm cả việc khủng long đang nuôi dưỡng con cái của chúng.
Tiến sĩ Matt Lamanna, nhà cổ sinh vật học khủng long hàng đầu của CMNH và là thành viên của nhóm nghiên cứu, cho biết: “Mặc dù một số phôi thai trưởng thành đã được tìm thấy trong tổ trứng của chúng trước đây, nhưng không có phôi thai nào được tìm thấy bên trong những quả trứng đó”.
Một phần hóa thạch khủng long oviraptorosaur trưởng thành 70 triệu năm tuổi đang ngồi trên ổ trứng của nó. Có thể nhìn thấy rõ nhiều trứng (bao gồm ít nhất ba trứng chứa phôi), cũng như cẳng tay, xương chậu, chi sau và một phần đuôi của con khủng long trưởng thành. Ảnh: Giáo sư, Tiến sĩ Shundong Bi.
“Trong mẫu vật mới, những con non gần như đã sẵn sàng để nở, điều này cho chúng ta biết rằng con oviraptorosaur này đã chăm sóc tổ của nó trong một thời gian dài. Con khủng long này đúng là một bậc cha mẹ mẫu mực, chúng đã hy sinh sự sống của mình trong khi nuôi dưỡng con non", Tiến sĩ Lamanna nói.
Hóa thạch khủng long cũng cung cấp cho các nhà nghiên cứu cái nhìn sâu sắc về chế độ ăn của loài oviraptorosaurs, vì hóa thạch được tìm thấy cùng với những viên sỏi - rất có thể nằm trong dạ dày, hoặc ở vùng bụng.
Theo CMNH, khủng long cố ý nuốt những viên sỏi để giúp chúng tiêu hóa thức ăn. Đây là lần đầu tiên sỏi dạ dày được tìm thấy ở loài oviraptorosaurs.
Giáo sư Xu nói: “Thật phi thường khi được biết có nhiều thông tin sinh học được thu thập chỉ trong một hóa thạch duy nhất này. Chúng tôi sẽ nghiên cứu mẫu vật này trong nhiều năm tới".