Phát hiện khiến các nhà khoa học ngạc nhiên từ xác ướp Ai Cập cổ đại
15/02/2025 - 08:27
Khi nhắc đến việc ngửi mùi của một xác ướp hàng nghìn năm tuổi, nhiều người sẽ cảm thấy ghê rợn.
AA
Các nhà khoa học đang nghiên cứu xác ướp Ai Cập. Ảnh: KOB
Tuy nhiên, một nghiên cứu mới đây cho thấy xác ướp Ai Cập được bảo quản tốt thực sự có mùi khá dễ chịu. "Trong phim ảnh và sách vở, những ai ngửi mùi xác ướp thường gặp điều khủng khiếp", bà Cecilia Bembibre, Giám đốc tại viện Di sản bền vững của Đại học College London (UCL), chia sẻ. "Chúng tôi rất ngạc nhiên khi phát hiện chúng có mùi thơm dễ chịu".
Các nhà nghiên cứu đã tiến hành một thí nghiệm đặc biệt để phân tích mùi của xác ướp. Kết quả cho thấy chúng có hương "gỗ, cay" và "ngọt". Một số mẫu còn có mùi hoa, có thể bắt nguồn từ nhựa thông và bách xù được sử dụng trong quá trình ướp xác.
Mùi hương của xác ướp có gì đặc biệt?
Nghiên cứu, được công bố hôm 13/2 trên Tạp chí Hiệp hội Hóa học Mỹ, đã sử dụng cả phương pháp phân tích hóa học lẫn đánh giá từ các tình nguyện viên để kiểm tra mùi của chín xác ướp có niên đại lên đến 5.000 năm. Các xác ướp này hiện được lưu trữ hoặc trưng bày tại Bảo tàng Ai Cập ở Cairo.
Bà Bembibre cho biết, mùi hương của xác ướp từ lâu đã thu hút sự tò mò của cả công chúng và giới nghiên cứu. Nhiều nhà khảo cổ, nhà sử học và thậm chí cả tiểu thuyết gia đã tìm hiểu về chủ đề này trong nhiều thế kỷ.
Mùi hương không chỉ đơn thuần là một đặc điểm vật lý mà còn có vai trò quan trọng trong quá trình ướp xác. Người Ai Cập cổ đại sử dụng dầu, sáp và các loại nhựa thơm để bảo quản cơ thể và linh hồn cho thế giới bên kia. Chỉ có các pharaon và tầng lớp quý tộc mới được ướp xác, bởi mùi thơm tượng trưng cho sự thanh khiết và thần linh, trong khi mùi hôi là dấu hiệu của sự suy tàn và mục rữa.
Các nhà nghiên cứu tại UCL và Đại học Ljubljana (Slovenia) đã phát triển một phương pháp không xâm lấn để phân tích mùi hương của xác ướp. Họ tìm cách xác định liệu mùi thu được có đến từ chính xác ướp, từ thuốc bảo quản, hay từ sự phân hủy do vi khuẩn và nấm mốc.
"Chúng tôi đã lo lắng rằng có thể phát hiện dấu hiệu của sự phân hủy, nhưng điều đó không xảy ra", giáo sư hóa học Matija Strlič từ Đại học Ljubljana cho biết. Điều này cho thấy môi trường bảo quản trong bảo tàng thực sự rất tốt.
Nhóm nghiên cứu đã sử dụng các thiết bị kỹ thuật cao để đo lường các phân tử khí phát ra từ quan tài, giúp xác định tình trạng bảo quản mà không cần chạm vào xác ướp.
"Phương pháp này giống như 'chén thánh' trong bảo tồn khảo cổ", Strlič nhận xét. Nó có thể tiết lộ tầng lớp xã hội của người được ướp xác, qua đó cung cấp thông tin quan trọng không chỉ cho các nhà bảo tồn mà còn cho các nhà khảo cổ và quản lý bảo tàng.
Ứng dụng trong việc bảo tồn và trưng bày
Barbara Huber, nhà nghiên cứu tại Viện Nhân học Địa lý Max Planck (Đức), người không tham gia nghiên cứu, nhận định rằng phát hiện này có thể giúp cải thiện phương pháp bảo quản xác ướp trong tương lai.
"Nghiên cứu cung cấp dữ liệu quan trọng về các hợp chất có thể bảo vệ hoặc làm suy thoái xác ướp theo thời gian", Huber nói. "Nhưng cũng cần lưu ý rằng, mùi hương mà chúng ta ngửi thấy ngày nay không nhất thiết là mùi ban đầu khi ướp xác. Sau hàng nghìn năm, sự bay hơi, oxy hóa và điều kiện lưu trữ đã thay đổi mùi gốc".
Trước đó, Huber từng thực hiện một nghiên cứu phân tích tàn dư từ một chiếc bình chứa nội tạng ướp xác của một phụ nữ quý tộc Ai Cập. Cô đã tái tạo lại hương thơm của quá trình ướp xác và tạo ra một mùi hương mang tên "Hương thơm vĩnh cửu" để trưng bày tại Bảo tàng Moesgaard (Đan Mạch).
Tái tạo mùi hương để làm sống động lịch sử
Lấy cảm hứng từ công trình của Huber, nhóm nghiên cứu hiện tại cũng có kế hoạch tái tạo các cảnh quan mùi hương, giúp du khách trải nghiệm lịch sử bằng khứu giác thay vì chỉ quan sát bằng mắt.
"Bảo tàng thường bị coi là không gian trắng, nơi khách tham quan chỉ được đọc, nhìn và quan sát từ xa", Bembibre chia sẻ. "Nhưng khi chỉ nhìn xác ướp qua lớp kính, chúng ta đã bỏ lỡ một phần trải nghiệm quan trọng. Mùi hương có thể giúp chúng ta hiểu rõ hơn về quy trình ướp xác và kết nối với quá khứ theo cách trực quan hơn".
Việc đưa yếu tố mùi hương vào trưng bày không chỉ giúp bảo tàng trở nên sống động hơn mà còn cho phép du khách cảm nhận một phần thế giới của người Ai Cập cổ đại, một nền văn minh luôn tôn vinh sự thanh khiết, linh thiêng và sự bất tử.
Theo PHÚC TOÀN (Báo Tin tức/AP/aawsat)
Mọi phản ánh, ý kiến, tin, bài và hình ảnh cộng tác của độc giả có thể gửi đến Báo An Giang theo địa chỉ: