Phát hiện loài khủng long bọc giáp mới ở Mỹ

22/07/2018 - 15:47

Các nhà khoa học Mỹ đã phát hiện một loài khủng long bọc giáp mới tại bang Utah, qua đó cho thấy những con khủng long tại Mỹ có thể di cư từ châu Á sang.

Phải mất bốn năm để các nhà khoa học Mỹ có thể phân tích bộ xương khủng long, dài 4-5m, cao khoảng 1,5m được tìm thấy tại bang Utah. Đây là một trong những bộ xương hóa thạch hoàn hảo nhất từng được tìm thấy tại Mỹ.

ADVERTISING

Những con khủng long bọc giáp hoặc ankylosauridae là loài khủng long chỉ xuất hiện tại bắc bán cầu, tuyệt chủng vào khoảng 66 triệu năm trước.

Trước đây, hóa thạch của những loài khủng long bọc giáp được tìm thấy ở Bắc Mỹ, Đông Á và châu Âu với những đặc điểm riêng biệt, giúp phân biệt từng loài ở các châu lục khác nhau.

Thế nhưng loài khủng long mới được tìm thấy được đặt tên Akainacephalus johnsoni lại có những đặc điểm phá vỡ hoàn toàn quy tắc của loài ankylosaurids Bắc Mỹ.

Thay vì có bộ giáp trơn tru từ đầu đến chân, như các loài khủng long bọc giáp khác tại Bắc Mỹ, loài akainacephalus johnsoni lại có phần xương đầu nhô ra ở mõm, giống với hóa thạch của loài ankylosaurid ở châu Á.

"Giả thuyết hợp lý là ankylosaurids ở Utah có liên quan đến các loài khác được tìm thấy ở bờ tây Bắc Mỹ. Vì vậy chúng tôi thực sự ngạc nhiên khi phát hiện ra rằng akainacephalus có quan hệ gần gũi với các loài khủng long ở châu Á", tiến sĩ Randall Irmis, đồng tác giả của nghiên cứu, cho biết.

Ankylosaurids là một họ động vật ăn cỏ bốn chân với các bộ đuôi mạnh mẽ và lớp da sừng cứng bao phủ cơ thể của chúng. Các nhà khoa học cho cho rằng loài này có nguồn gốc từ châu Á khoảng 125 triệu năm trước, và chỉ xuất hiện tại châu Mỹ trong các hóa thạch khoảng 77 triệu năm trước.

Thông tin về loài khủng long mới này được đăng trên tạp chí khoa học PeerJ và bộ xương của nó được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Utah ở Salt Lake City (Mỹ).

Theo THIÊN HÀ (Một thế giới)