Công trình nghiên cứu về loài khủng long giống đà điểu cổ đại này và vị trí của nó trong phả hệ đã được công bố trên tạp chí Cretaceous Research.
Ornithomimidae là một họ khủng long thú ăn thịt (theropod), với đặc điểm chung là có hình dáng tương tự đà điểu hiện đại. Các nghiên cứu trước đây cho thấy hầu hết các loài trong họ này đều chạy nhanh, ăn thực vật hoặc ăn tạp, và tồn tại trong kỷ Phấn Trắng muộn ở Laurasia. Một số loài cũng được tìm thấy ở tầng địa chất Wonthaggi thuộc kỷ Phấn Trắng sớm tại Úc. Đặc điểm chung của họ này là đầu nhỏ, cổ dài, chi trước và chi sau đều dài.
Câu chuyện bắt đầu từ năm 2014, khi một nhóm nhà khảo cổ và cổ sinh vật học đang làm việc tại địa điểm khai quật ở Coahuila phát hiện hóa thạch của một loài khủng long chưa thể xác định. Những mẫu vật này được chuyển đến Trường Sư phạm Benemérita của Coahuila và được lưu giữ cho đến khi nhóm nghiên cứu mới bắt đầu xem xét lại.
Nhóm nghiên cứu xác định đây là một loài khủng long chưa từng được biết đến, dù rõ ràng thuộc họ Ornithomimidae. Loài này tồn tại cách đây khoảng 73 triệu năm và được đặt tên là Mexidracon longimanus.
Sau khi phân tích phả hệ của các mẫu vật, các nhà khoa học khẳng định đây là thành viên của họ Ornithomimidae và có mối quan hệ đa phân với các thành viên khác trong nhánh phát sinh của nó. Điểm đặc biệt của M. longimanus là xương bàn tay cực kỳ dài, với lòng bàn tay dài hơn cả phần cánh tay trên.
Các nhà nghiên cứu so sánh đặc điểm này với loài lười hiện đại, cho rằng bàn tay dài giúp loài khủng long này có thể với tới các cành cây, bụi rậm để kéo về phía miệng. Họ cũng nhận định rằng đôi tay này có thể hữu ích trong việc săn bắt các sinh vật nhỏ sống gần mép nước.
Theo TTXVN