Phát hiện một hành tinh kỳ lạ ngoài sự tưởng tượng thông thường

07/02/2023 - 19:16

Wolf 1069 b có cùng khối lượng với Trái đất, nhưng chỉ một nửa nhận được ánh sáng từ ngôi sao của nó. Điều thú vị là một nửa này của hành tinh lại có khả năng hỗ trợ sự sống.

Hình ảnh mô phỏng về hành tinh Wolf 1069 b. (Nguồn: Mashable)

Hãy tưởng tượng về một hành tinh xa xôi nơi sự sống hoàn toàn có thể phát triển mạnh mẽ, nhưng chỉ một nửa thiên thể này có ánh sáng.

Đó là những gì đang xảy ra trên một hành tinh ở ngoài Thái dương hệ của chúng ta, có tên là Wolf 1069 b. Theo phát hiện mới được nhóm các nhà khoa học ở Mỹ công bố gần đây trên tạp chí khoa học Astronomy & Astrophysics, ngoại hành tinh mới đang thu hút rất nhiều sự chú ý vì những lý do dưới đây.

Thứ nhất, Wolf 1069 b có cùng khối lượng với Trái đất và điều này là cực kì hiếm gặp. Theo Viện Thiên văn học Max Planck ở Đức, trong số hàng nghìn ngoại hành tinh đã được tìm thấy và xác nhận sự tồn tại cho tới nay, "chỉ khoảng 1,5% trong số chúng thuộc nhóm có khối lượng bằng hai lần Trái đất trở xuống".

Điều quan trọng là chúng ta biết rằng các thiên thể với cấu trúc tương tự Trái đất có khả năng tạo ra những điều kiện cho phép sự sống tồn tại.

Thậm chí Wolf 1069 b còn đặc biệt hơn khi quỹ đạo của nó nằm ở “vùng có thể sinh sống được” – ở một vị trí lý tưởng so với ngôi sao của nó, nơi mà nước lỏng có thể tồn tại được trên bề mặt hành tình này.

Theo hiểu biết hiện tại của các nhà nghiên cứu, Wolf 1069 b không bị ảnh hưởng quá nhiều với các bức xạ có hại. Ngoại hành tinh này quay quanh một ngôi sao (mang tên Wolf 1069) nhỏ hơn và mát hơn Mặt trời, của chúng ta.

Đặc điểm này cho phép ngoại hành tinh quay quanh quỹ đạo khá gần so với ngôi sao Wolf 1069, nhưng vẫn có thể hỗ trợ sự sống. Wolf 1069 b mất khoảng 15,6 ngày để quay hết một vòng quanh ngôi sao của nó. Tức là một năm trên hành tinh này chỉ dài vỏn vẹn 16  ngày.

Có một điều kỳ lạ xảy ra trên Wolf 1069 b. Giống như Mặt trăng của chúng ta, Wolf 1069 b cũng bị "khóa thủy triều" trong quỹ đạo hiện nay. Nghĩa là một mặt của hành tinh này liên tục tiếp xúc với ngôi sao của nó và mặt còn lại thì không. Kết quả là một nửa của Wolf 1069 b sẽ nằm trong bóng tối hoàn toàn, trong khi phần còn lại vĩnh viễn có ánh sáng.

Tuy nhiên, cho tới nay chúng ta vẫn chưa có bằng chứng nào cho thấy trong vũ trụ có sự sống, ngoài Trái đất, dù nhân loại đã phát hiện rất nhiều ngoại hành tinh chứa tiềm năng hỗ trợ sự sống.

“Một hành tinh có khả năng hỗ trợ sự sống, nhưng lại hoàn toàn không có sự sống,” Ravi Kumar Kopparapu, nhà nghiên cứu ngoại hành tinh tại Trung tâm Chuyến bay vào không gian Goddard của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA), nhận xét về các hành tinh như thế trong cuộc trò chuyện với Mashable hồi đầu năm nay.

Việc tìm ra được môt hành tinh với kích cỡ bằng Trái đất là một thử thách cực kỳ lớn. Nhiều ngoại hành tinh đã được tìm thấy bằng cách quan sát xem liệu một ngôi sao có bị mờ đi khi một trong những hành tinh này đi qua phía trước nó hay không. Tuy nhiên, đa phần ngoại hành tinh được phát hiện cho đến nay đều lớn hơn nhiều so với Trái đất của chúng ta, nên việc tìm ra chúng khá dễ dàng.

Các nhà khoa học đã sử dụng một chiến lược khác để tìm ra được Wolf 1069 b, một hành tinh với kích thước nhỏ hơn nhiều. Họ tìm kiếm những thay đổi rất nhỏ, nhưng đều đặn, trong ánh sáng phát ra từ ngôi sao, thông qua một kỹ thuật được gọi là “vận tốc xuyên tâm".

Phương pháp này này có thể cung cấp bằng chứng cho thấy có một hành tinh đang quay quanh ngôi sao hay không. Sau đó, các nhà khoa học sẽ tính toán khối lượng của hành tinh mới được phát hiện này và nhiều thông tin khác, bằng cách đo mức độ thay đổi ánh sáng của ngôi sao.

Theo Vietnamplus