Một loài thằn lằn bay khổng lồ vô danh trước đây, thường được biết đến phổ biến hơn với cái tên thằn lằn ngón cánh, đã được các nhà khoa học phát hiện tại Utah.
Được xác định nhờ di cốt tìm thấy ở khu vực phía đông bắc của bang này, loài thằn lằn bay mới được phát hiện có sải cánh rộng khoảng 1,5m và có tổng cộng 112 chiếc răng, gồm bốn chiếc răng giống răng nanh dài 10,1cm nhô ra gần mũi.
Theo truyền thông đưa tin, loài vật này có phần hàm dưới xệ xuống, cho thấy miệng chúng có túi như loài bồ nông, có lẽ là để bắt cá và các loài bò sát nhỏ.
Cát và nước cổ đại đã bảo tồn tốt hóa thạch của thằn lằn bay, có lẽ là di cốt xương hoàn chỉnh nhất của thằn lằn bay từng được tìm thấy. Nhờ đó, giờ các nhà nghiên cứu có thể tạo ra một hình ảnh chi tiết về loài vật này.
Dù bộ xương vẫn nằm trong sa thạch, các nhà khoa học đã tạo ra được các hình ảnh 3D chính xác và các mô hình của mỗi hóa thạch nhờ sử dụng công nghệ quét CAT.
Mô hình in 3D đầu thằn lằn bay được tìm thấy tại Utah - Ảnh từ Đại học Brigham Young.
Vị trí tìm thấy di cốt hóa thạch nằm ở vùng trước đây là ốc đảo tại một sa mạc rộng hai triệu km2 với các cồn cát khổng lồ.
Brooks Britt, một nhà cổ sinh vật học đến từ Đại học Brigham Young, Utah, cho biết: "Trong các đợt hạn hán, nhiều động vật – gồm thằn lằn bay, khủng long ăn thịt và các loài thuộc nhóm crocodylomorpha – bị thu hút tới các vũng nước ở giữa ốc đảo và chết tại đó khi nước khô cạn".
Nói chung, các nhà khoa học đã tìm được hơn 18,000 khúc xương từ hàng chục động vật chết vì khát.
Thực tế cho thấy rằng những sinh vật bay cao trên bầu trời này phân bố trên khắp thế giới có lẽ đã giúp chúng sống sót qua vụ đại tuyệt chủng cuối kỉ Trias đã xóa sổ một nửa các loài sống trên mặt đất và dưới nước.
Theo LỘC XUÂN (Dân Trí)