Nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí khoa học Current Biology đã "trình làng" một hóa thạch có 1 không 2: một khối cầu kỳ dị chứ 2 loại tế bào khác nhau, không phải vi khuẩn đơn bào và cũng chưa phải một động vật đa bào hoàn chỉnh. Theo nhóm nghiên cứu phối hợp giữa Đại học Sheffield (Anh) và Đại học Boston (Mỹ), vi sinh vật này "nằm đâu đó" giữa động vật đơn bào và đa bào.
Chân dung quái vật 1 tỉ năm tuổi - Ảnh: Paul K. Strother
"Quái vật" hình cầu nhỏ bé này được đặt tên chính thức là Bicellum Brasieri, được cho là "liên kết còn thiếu" mà các nhà khoa học bấy lâu tìm kiếm, cung cấp nhiều thông tin về cách các sinh vật đơn bào sơ khai tiến hóa thành đa bào – bước tiến quan trọng để hình thành thế giới sinh vật Trái Đất phong phú ngày nay.
Theo Daily Express, nhìn bên ngoài, "quái vật" nhỏ này rất nguyên thủy, chỉ là một khối cầu. Nhưng thành phần bên trong gồm 2 loại tế bào riêng biệt của nó cho thấy bước tiến hóa chập chững đến sự phức tạp hơn.
Khám phá này cũng cho thấy động vật đa bào đã bắt đầu ra đời từ một tỉ năm trước và trong những môi trường khác biệt so với suy nghĩ trước đây: trong hồ nước ngọt chứ không phải đại dương.
Giáo sư Charles Wellman, trưởng nhóm nghiên cứu của Đại học Sheffield cho biết đây là một phát hiện chưa có tiền lệ trong hồ sơ hóa thạch và đặc biệt ý nghĩa trong việc viết lại lịch sử sự sống của Trái Đất.
Giáo sư Paul Strother, trưởng nhóm nghiên cứu của Đại học Boston nói thêm: "Các nhà sinh vật học đã suy đoán rằng nguồn gốc của động vật bao gồm sự kết hợp và thay thế các gene đã tiến hóa trước đó ở các sinh vật đơn bào. Những gì chúng ta thấy ở Bicellum là một ví dụ về hệ thống di truyền như vậy, liên quan đến sự kết dính tế bào và sự biệt hóa tế bào có thể đã được tích hợp vào bộ gen động vật nửa tỷ năm sau."
Hóa thạch được khai quật tại vùng gọi là Loch Torridon, thuộc cao nguyên Tây Bắc Scotland (Vương quốc Anh).
Theo THU ANH (Người lao động)