Phát hiện 'siêu Trái Đất' có những điều kiện thích hợp cho sự sống

08/09/2022 - 20:31

Tờ New York Post ngày 8/9 đưa tin một nhóm các nhà khoa học quốc tế đã phát hiện 2 ngoại hành tinh (hành tinh bên ngoài Hệ Mặt Trời) được gọi là các "siêu Trái Đất", cách hành tinh của chúng ta khoảng 100 năm ánh sáng. Đặc biệt, trong đó một hành tinh được xác định có các điều kiện thích hợp để nuôi dưỡng sự sống.


Các kính thiên văn của Đài quan sát phía Nam SPECULOOS ở sa mạc Atacama, Chile. Ảnh: media.npr.org

Hai ngoại hành tinh này có tên khoa học là LP 890-9b và LP 890-9c, nằm trong quỹ đạo của ngôi sao LP 890-9. Các hành tinh này được gọi là "siêu Trái Đất" vì có những đặc điểm tương tự hành tinh của chúng ta, song có khối lượng lớn hơn khoảng 10 lần, với bề mặt đất đá và khí quyển mỏng. 

Trong khi đó, sao chủ LP 890-9 là ngôi sao mát thứ 2 được biết đến có các hành tinh quay quanh, ngoài ngôi sao TRAPPIST-1 với 7 hành tinh có kích cỡ tương đương Trái Đất quanh quỹ đạo. Những ngôi sao như TRAPPIST-1 và LP 890-9 được cho là nơi tốt nhất để nuôi dưỡng sự sống trên các hành tinh quay quanh chúng, do ngôi sao càng mát thì hành tinh càng dễ tồn tại sự sống. Tuy nhiên, đó cũng là lý do khiến các ngôi sao này khó được phát hiện hơn. 

Dựa trên những phát hiện trước đó của Vệ tinh Khảo sát Ngoại hành tinh (TESS) do Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) phát triển, các nhà nghiên cứu tại Đại học Birmingham (Anh) đã sử dụng kính thiên văn SPECULOOS để xác định khả năng nuôi dưỡng sự sống của 2 hành tinh trên. Cụ thể, các nhà nghiên cứu đã đánh giá các ngoại hành tinh này dựa trên những yếu tố như kích cỡ hành tinh, khoảng cách đến sao chủ, cũng như nhiệt độ và kích cỡ ngôi sao. 

Lý giải phương pháp mà nhóm nghiên cứu áp dụng, tác giả chính của nghiên cứu Laetitia Delrez cho biết họ đã sử dụng dữ liệu TESS thu được - trong đó vệ tinh này giám sát độ sáng của hàng nghìn ngôi sao cùng một lúc, và phát hiện ngôi sao với độ mờ nhẹ - do có hành tinh quay quanh. Dựa trên cơ sở của Tess, các nhà khoa học sẽ sử dụng kính thiên văn, rà lại những điểm mà TESS bỏ lỡ do độ nhạy hạn chế của nó đối với ánh sáng trong phạm vi cận hồng ngoại - thường tỏa ra từ các ngôi sao lạnh hơn, trong đó có LP 890-9.

Qua nghiên cứu, nhóm khoa học kết luận hành tinh LP 890-9b mất 2,7 ngày để hoàn thành quỹ đạo và có thể coi là quá nhanh nên không thích hợp với sự sống. Trong khi đó, LP 890-9c mất 8,5 ngày để hoàn thành quỹ đạo và điều này khiến nhóm nghiên cứu đánh giá LP 890-9c là vùng có thể sinh sống được. 

Giáo sư ngoại hành tinh học Amaury Triaud cho biết "habitable zone" (vùng có thể sinh sống) là khái niệm chỉ hành tinh có các điều kiện địa chất và khí quyển tương tự Trái Đất, với nhiệt độ bề mặt cho phép nước có thể duy trì ở trạng thái lỏng trong hàng tỷ năm. 

Nghiên cứu sẽ được đăng tải trên tạp chí khoa học Astronomy & Astrophysics.

Theo HOÀNG CHÂU (TTXVN)