Hình ảnh dải Ngân hà từ kính thiên văn Murchison Widefield Array. Biểu tượng ngôi sao hiển thị vị trí của vật thể phát sóng bí ẩn. Ảnh: Tiến sĩ Natasha Hurley-Walker và Nhóm GLEAM.
Việc xem xét các thiên thể giống như nó có thể giúp chúng ta hiểu được cái chết của các vì sao. Nó được tìm thấy trong một nỗ lực nghiên cứu rộng lớn hơn để lập bản đồ các nguồn sóng vô tuyến trong thiên thể.
Tiến sĩ Natasha Hurley-Walker, Đại học Curtin ở Perth, Australia, và các đồng nghiệp của cô đã tìm thấy vật thể này bằng cách sử dụng kính thiên văn Murchison Widefield Array (MWA) ở vùng hẻo lánh Tây Australia. Sau khi phát hiện một loạt các sóng vô tuyến dường như xuất hiện và sau đó biến mất, họ đã tìm dữ liệu lưu trữ do MWA thực hiện vào đầu năm 2018 và tìm thấy thêm 71 xung phát sóng nữa.
Vật thể phát sóng được đặt tên là GLEAM-X J162759.5-523504.3 và nằm cách chúng ta khoảng 4.000 năm ánh sáng, đang giải phóng một lượng năng lượng khổng lồ.
"Thật tuyệt vời khi vũ trụ vẫn còn đầy rẫy những điều bất ngờ", nhà thiên văn học vô tuyến Hurley-Walker, tác giả chính của nghiên cứu được công bố trong tuần này, cho biết trên tạp chí Nature.
Vật thể có thể liên tục phát ra các sóng vô tuyến mạnh từ các cực bắc và nam của nó. Khi chùm tia đó quét qua đường ngắm từ vị trí thuận lợi của Trái đất, nó dường như bật sáng cứ sau 18 phút 11 giây trong khoảng 30 đến 60 giây, sau đó lại tắt.
Đó là một hiệu ứng tương tự như một ngọn hải đăng với đèn xoay có vẻ như nhấp nháy và tắt từ góc nhìn của một người quan sát đứng yên.
Trong một cuộc họp báo, Tiến sĩ Hurley-Walker nói: “Độ sáng ở đây thực sự điên rồ. Chúng tôi không ngờ tìm thấy vật thể phát sáng như vậy".
Ấn tượng của một nghệ sĩ về một vật thể phát sóng nằm cách hệ mặt trời của chúng ta khoảng 4.200 năm ánh sáng. Ảnh: Reuters
"Nó cực kỳ sáng khi nó 'bật'. Đó là một trong những nguồn vô tuyến sáng nhất trên bầu trời", nghiên cứu sinh tiến sĩ Tyrone O'Doherty, đồng tác giả nghiên cứu, người đã tìm thấy vật thể này cho biết.
“Không ai thực sự nghĩ đến việc tìm kiếm các vật thể có thang thời gian phát sóng này, bởi vì chúng tôi không thể nghĩ ra bất kỳ cơ chế nào tạo ra chúng, và chúng vẫn tồn tại”, Tiến sĩ Hurley-Walker nói.
Sự phát sóng chỉ ra rằng vật thể có thể đang quay, và các phép đo khác về ánh sáng của nó gợi ý rằng vật thể đó phải có từ trường mạnh. Điều này khiến các nhà nghiên cứu nghi ngờ rằng nó có thể là một nam châm, một dạng sao neutron có từ trường đặc biệt mạnh, nhưng không rõ bằng cách nào mà một nam châm có thể quay chậm và tỏa sáng như vậy.
Tiến sĩ Hurley-Walker nói: “Tôi từng nghĩ đó là người ngoài hành tinh, nhưng nó ở một dải tần số rất rộng, và điều đó có nghĩa là nó phải là một quá trình tự nhiên, đây không phải là một tín hiệu nhân tạo".
Cô và các đồng nghiệp hiện đang tìm kiếm thêm những vật thể như thế này để chúng ta có thể tìm hiểu chúng là gì.
Theo LÊ LÂM (Nhân Dân)