Phát hiện virus corona chỉ gây bệnh cho chó ở người bị viêm phổi

20/05/2021 - 19:34

Một nhóm khoa học quốc tế đã phát hiện ra một loại virus corona mới có thể lây nhiễm cho con người. Trước đó, loại virus này được biết đến chỉ gây bệnh ở chó.


Hình ảnh kính hiển vi điện tử của virus CCov-HuPn-2018 lây sang người được tìm thấy ở một bệnh nhân viêm phổi ở Sarawak, Malaysia. Ảnh: Đại học Ohio

Dẫn nghiên cứu đăng trên tạp chí Bệnh truyền nhiễm lâm sàng, tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) đưa tin loại virus corona mới này được tìm thấy trong người ít nhất một người bị viêm phổi nhập viện tại bang Sarawak năm 2018.

Đây là trường hợp đầu tiên phát hiện virus corona gây bệnh cho chó ở người.

Các nhà khoa học thuộc Đại học Duke (Mỹ) và Malaysia đã phát hiện ra hiện tượng trên khi đang nghiên cứu các bệnh viêm phổi tại bang Sarawak.

“Trước đây, chúng tôi chưa từng biết loại virus alphacorona này có thể lây sang cho con người. Điều này cho thấy chúng ta không có khả năng chẩn đoán virus corona mới trong môi trường phòng khám ở bệnh viện thông thường và vì thế, chúng ta bỏ lỡ cơ hội phát hiện các loại virus trước khi bùng phát đại dịch”, Tiến sĩ Gregory Gray – một nhà dịch tễ học tại Đại học Duke – cho hay.

Tiến sĩ Gray cũng chỉ ra nghiên cứu cung cấp một cách tiếp cận mới để phát hiện các loại virus và ngăn chặn chúng phát triển thành những chủng có thể gây ra đại dịch.

Ví dụ, thay vì thu thập càng nhiều loại virus corona xuất hiện trong hang dơi càng tốt, ông Gray cho hay việc giám sát mầm bệnh nên tập trung vào các khu vực có mức độ tương tác cao giữa con người và động vật và những nơi virus có nguồn gốc từ động vật xâm nhập vào quần thể người.

Theo chuyên gia Gray, nếu như virus alphacorona có khả năng lây lan rộng hơn, loại virus này có thể là virus corona thứ 8 có thể lây nhiễm sang người, theo sau loại virus gây ra Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) và virus SARS-CoV-2.

Họ virus corona có 4 loại, trong đó virus alphacorona và betacorona có thể lây nhiễm cho nhiều loại động vật có vú. Virus gây ra SARS và virus SARS-CoV-2 thuộc nhóm virus beta, trong khi phần lớn virus alpha lây nhiễm cho chó và mèo. Cả hai loại đều có nguồn gốc mầm bệnh trong gen của loài dơi.

Tiến sĩ Grey cho hay các nhà nghiên cứu đã phát hiện 8 trong tổng số mẫu phẩm bệnh của 301 bệnh nhân mắc viêm phổi tại bệnh viện Sibu và Kapit trong hai năm 2017-2018 có liên quan đến virus corona. Loại virus corona được tìm thấy ở người bệnh mắc viêm phổi có tên gọi CCoV-HuPn-2018.

Toh Teck Hock, một bác sĩ nhi khoa và là người đứng đầu trung tâm nghiên cứu lâm sàng tại Bệnh viện Sibu, cho biết các bệnh nhân chủ yếu thuộc các nhóm dân tộc bản địa của Sarawak, những người thường sống trong các ngôi làng ở nông thôn hoặc ngoại ô thường xuyên có sự tương tác giữa người và động vật.

7 trong số 8 bệnh nhân là trẻ em. Họ đến bệnh viện khám vào những thời điểm khác nhau, nên chắc chắn không có sự lây nhiễm chéo giữa các ca bệnh. Các bệnh nhân đều có triệu chứng viêm phổi, sốt, ho và khó thở. Thậm chí một số cháu còn cần đến hỗ trợ của máy thở. “May mắn, tất cả bệnh nhân đều hồi phục sau vài ngày ở bệnh viện”, bác sĩ Toh nói.

Việc giải trình tự mã gen của virus CCoV-HuPn-2018 cho thấy chúng đang trong quá trình thích nghi với con người: nó có một số thay đổi di truyền tương tự như ở virus gây SARS và SARS-CoV-2. 

Anastasia Vlasova, trợ lý giáo sư tại Đại học Ohio tham gia giải trình tự virus, nói rằng bộ gen của loại virus mới có dấu hiệu của sự tái tổ hợp bao gồm các trình tự không chỉ thuộc virus gây bệnh ở chó mà còn cả mèo.

“Virus corona thường xuyên trao đổi các thành phần di truyền để cho phép chúng thích nghi với một cơ thể khác. Chúng tôi không biết liệu nó có thể biến thành một loại virus gây dịch bệnh hay không, nhưng nó đang trên đường trở nên dễ lây lan hơn và trở thành một mầm bệnh nghiêm trọng hơn”, bà Vlasova cảnh báo.

Tiến sĩ Gray kêu gọi các nhà nghiên cứu hãy áp dụng một cách thực tế hơn để nghiên cứu virus corona bằng cách tập trung vào những loại virus đã lây sang người.

Ông nói rằng vấn đề với phương pháp thu thập càng nhiều virus corona càng tốt hiện nay là khó biết loại nào có thể lây sang người và thậm chí có thể mất nhiều năm trước khi chúng thích nghi hoàn toàn với con người.

John Lednicky, một giáo sư vi sinh học từ Đại học Florida, đồng ý với Gray rằng nghiên cứu virus cần phải chủ động hơn. “Việc phát triển các phương pháp theo dõi tình hình là rất quan trọng. Điều chúng ta đang làm là đợi cho đến khi nhiều người bị nhiễm và sau đó chúng ta mới phản ứng như COVID-19, thì điều đó là quá muộn”, giáo sư Lednicky kết luận.

Theo BẢO HÀ (Báo Tin tức)