Theo Live Science, nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi nhà khí hậu học Raul Cordero từ Đại học Gronigen (Hà Lan) đã xác định khu vực Altiplano của sa mạc Atacama, một cao nguyên khô cằn gần dãy núi Andes phía Chile, là nơi nhận được nhiều ánh sáng và bức xạ từ Mặt Trời nhất trên Trái Đất.
[Sa mạc Atacama tuyệt đẹp nhưng chết chóc ở Chile - Ảnh: LIVE SCIENCE]
Sa mạc Atacama tuyệt đẹp nhưng chết chóc ở Chile - Ảnh: LIVE SCIENCE
Mặt dù thường lạnh và khô, dải nắng này, nằm ở độ cao tận 4.000 m, lại bị tắm trong ánh sáng mạnh hơn nhiều so với các nơi gần xích đạo hoặc có độ cao lớn hơn, một cách hoàn toàn bí ẩn.
Thế nhưng theo TS Cordero, điều "không thể tin nổi" là lượng bức xạ mà khu vực này hứng chịu mạnh tới nỗi tương đương với bề mặt Sao Kim vào mùa hè.
Điều này dường như vô lý và phá vỡ mọi lý thuyết thiên văn, bởi Sao Kim gần Mặt Trời hơn Trái Đất tới 28%.
Nhóm nghiên cứu đo được bức xạ trung bình trên cả vùng tận 308 watt, cao gấp đôi những gì vùng Trung Âu và Bờ Đông nước Mỹ nhận được.
Tại nơi bức xạ mạnh nhất, con số vô cùng khủng khiếp: 2.177 watt, cao hơn nhiều con số 1.360 watt trên đỉnh cao nhất của bầu khí quyển, một điều càng vô lý bởi lẽ ra bức xạ phải yếu đi nhiều khi truyền qua bầu khí quyển xuống mặt đất, bởi bị phân tán bởi các đám mây và sol khí.
Một trong những lời giải thích cho việc bức xạ ở đây cao là Chile nằm ở Nam Bán cầu. Vào mùa hè của bán cầu này, khi quỹ đạo Trái Đất gần Mặt Trời hơn, đạt đến điểm cận nhận vào đầu tháng 1, bức xạ sẽ gia tăng 7% một cách tự nhiên.
Nhưng vì sao nó cao vọt như những con số đã được đo đạc, cái gì đã tăng sức mạnh cho bức xạ đến khu vực này, vẫn là một bí ẩn.
Bức xạ này cũng đồng nghĩa với việc đây là một khu vực nguy hiểm với con người và muôn loài, là lời cảnh báo phải bảo vệ đặc biệt làn da và mắt khi tới đó.
Cả vùng sa mạc Atacama vốn được mệnh danh là "hoang mạc tử thần" bởi là nơi chết chóc nhất hành tinh, dường như không một sinh vật nào sống được ngoại trừ một số loài đặc biệt kỳ dị, ưa những điều kiện chết chóc.
Chính các sinh vật ở vùng sa mạc này là kho báu với các nhà khoa học hành tinh, bởi dạng sống tồn tại được ở sa mạc Atacama gần như chắc chắn cũng sống được ở nhiều thế giới ngoài hành tinh khác, cung cấp cho họ manh mối trong cuộc truy tìm sự sống ngoài Trái Đất.
Theo ANH THƯ (Người lao động)