Múa cung đình Huế là những sáng tác của nghệ sĩ cung đình. Trong đó, những điệu múa được dựa theo các trích truyện như: Tam quốc - Tây du, Song quang... Ngoài ra, những sáng tác của múa cung đình Huế đều mang tính nghi lễ. Trong múa cung đình, ngoài vẻ đẹp nghệ thuật thì bố cục được sắp xếp một cách tinh tế, hòa quyện với không gian và môi trường diễn xướng. Chính những yếu tố này đã làm nên nét riêng biệt trong chốn hoàng cung. Đây có thể coi là sự sáng tạo nghệ thuật mà ta có thể thấy khi xem những vũ khúc cung đình đang tồn tại.
Múa cung đình Huế tại chương trình khai mạc Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ XXII tổ chức năm 2021 ở Huế
Huế từng là nơi hội tụ những tinh hoa nghệ thuật của cả nước. Múa cung đình Huế cũng là một trong những di sản đặc sắc của văn hóa cố đô. Từ khi Nhã nhạc cung đình Huế được UNESCO công nhận là Kiệt tác Di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại (nay là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại), múa cung đình cũng "lên ngôi".
"Theo cố NSƯT La Cẩm Vân - người từng nhiều năm nghiên cứu và dàn dựng các tiết mục cung đình Huế, có nhiều hệ thống nhã nhạc làm nền cho múa cung đình. Những tác phẩm múa cung đình thường được các nghệ sĩ ngày xưa xây dựng chủ yếu dựa trên những giai điệu, tiết tấu của nhã nhạc" - thạc sĩ Trương Trọng Bình, Phó Phòng Nghiên cứu - Ứng dụng thuộc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống cung đình Huế, phân tích.
Theo thạc sĩ Trương Trọng Bình, sau khi nhà Nguyễn cáo chung, những giá trị nghệ thuật của loại hình múa cung đình Huế cũng không còn nguyên vẹn. Vì vậy, nhiều nghệ nhân, nghệ sĩ và người làm công tác nghiên cứu đang cố gắng từng bước đi tìm những cứ liệu lịch sử từ các nghệ nhân là nhân chứng sống, cũng như tư liệu thành văn đang thất lạc ở các viện bảo tàng trong và ngoài nước. Từ đó, lập hồ sơ khoa học để làm chứng cứ cho việc khôi phục những vũ khúc cung đình đã bị thất truyền nhằm đưa vào biểu diễn phục vụ du khách. Đây cũng là cách để bảo tồn, gìn giữ một di sản văn hóa trong kho tàng nghệ thuật của Việt Nam.
Múa cung đình tại Nhà hát Duyệt Thị Đường
Gần 20 năm qua, những người làm công tác văn hóa, nhất là Nhà hát Nghệ thuật truyền thống cung đình Huế thuộc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, đã không ngừng bảo tồn di sản này song đối diện với nhiều thách thức. Đó là việc những nghệ nhân cuối cùng của triều Nguyễn không còn, tư liệu ít ỏi, hình ảnh, âm thanh, băng đĩa về âm nhạc và múa cung đình vô cùng hiếm hoi; nhiều bài bản âm nhạc hư hỏng, mất mát. Do "lưu lạc" trong dân gian nên các bài bản âm nhạc và vũ khúc cung đình Huế ít nhiều đã bị biến dạng. Đây là một trong những thách thức đối với việc bảo tồn nhã nhạc và múa cung đình Huế - đòi hỏi sự chính xác từ âm nhạc, vũ đạo, dàn dựng đội hình cho đến trang phục.
Để bảo tồn, phát huy bài bản múa cung đình Huế, nhiều năm qua, những người nghiên cứu tại Nhà hát Nghệ thuật truyền thống cung đình Huế và Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đã cố gắng tìm tư liệu ở các viện bảo tàng trong và ngoài nước. Họ đến nhiều vùng quê tham dự các buổi tế lễ; gặp mặt các nghệ nhân cao tuổi từng tham gia hoạt động múa hát cung đình để ghi chép, so sánh, đối chiếu nhằm tìm ra độ chính xác trước khi khôi phục những điệu múa hoàn chỉnh.
NSND Phan Thị Bạch Hạc, Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống cung đình Huế, cho biết đến nay, đơn vị đã phục hồi được 8 trong số 11 vũ khúc cung đình. Các điệu múa được lập hồ sơ khoa học, phục hồi theo nguyên bản. Các vũ khúc cung đình cũng đã được biểu diễn, giới thiệu rộng rãi đến du khách trong nước và quốc tế qua các sự kiện văn hóa nghệ thuật quốc gia, địa phương và các chương trình biểu diễn ở Nhà hát Duyệt Thị Đường, Hoàng cung Huế.
Theo QUANG NHẬT (Người lao động)