Phát huy tinh thần Đại thắng mùa xuân năm 1975

29/04/2022 - 06:40

 - Cách đây 47 năm (ngày 30/4/1975), dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, bằng sức mạnh “thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”, quân và dân ta đã giành thắng lợi chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, lá cờ của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tung bay trên nóc Dinh Độc lập, kết thúc 21 năm trường kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ, đưa nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Cuối năm 1974, đầu năm 1975, trước tình hình cách mạng có nhiều chuyển biến tích cực, Đảng ta chủ trương giải phóng hoàn toàn miền Nam trong hai năm 1975 – 1976. Thực hiện lời hiệu triệu “đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 đã giành thắng lợi vang dội tại chiến trường Tây Nguyên và Huế - Đà Nẵng, tạo khí thế và thời cơ cách mạng cho chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Sau khi nổ súng mở màn chiến dịch vào ngày 26/4/1975, đến sáng ngày 30/4, quân ta đã tiến công và cắm lá cờ Mặt trận dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam trên nóc Dinh Độc lập. Vào lúc 11 giờ 30 phút, ngày 30/4/1975, Tổng thống ngụy quyền Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện.

Thực hiện chỉ đạo của Trung ương Cục miền Nam, hai tỉnh Long Châu Tiền và Long Châu Hà (tách từ An Giang theo tên gọi của chính quyền cách mạng) khẩn trương lên kế hoạch hành động với tinh thần “1 ngày bằng 20 năm”, củng cố, phát triển lực lượng vũ trang từ tỉnh đến xã, ấp; tiêu diệt từng phân chi khu địch, mở rộng vùng kiểm soát, kết hợp quân chủ lực giải phóng toàn tỉnh.

Tại Ba Thê, lực lượng khởi nghĩa tại chỗ đã giành chính quyền trước khi bộ đội tỉnh về. Sáng 01/5/1975, lực lượng vũ trang tỉnh bao vây, gọi hàng Chi khu Núi Sập. Trưa cùng ngày, sau khi làm chủ hoàn toàn quận Huệ Đức, lực lượng vũ trang tỉnh tiến về thị xã Long Xuyên.

Tại Long Xuyên, từ ngày 26/4/1975, lực lượng nội ô với 2 tiểu đội tự vệ mật đã bám các mục tiêu, chờ lực lượng phối hợp. Sau lời tuyên bố đầu hàng của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa, chiều 30/4/1975, Tỉnh trưởng An Giang đã rời nhiệm sở bỏ trốn. Tận dụng thời cơ, chiều ngày 01/5, một đại đội chủ lực của lực lượng vũ trang Quân khu 9 từ Cần Thơ công phá các tuyến phòng ngự của địch, kết hợp lực lượng vũ trang tỉnh, thị xã giải phóng hoàn toàn thị xã Long Xuyên vào lúc 18 giờ 30 phút cùng ngày.

Ở Châu Đốc, sáng 01/5/1975, lực lượng cách mạng tại chỗ khởi nghĩa chiếm các công sở chính trong nội ô, kết hợp lực lượng vũ trang giành chính quyền thị xã vào trưa ngày 01/5, các huyện: Châu Thành, Châu Phú, Tri Tôn… cũng lần lượt được giải phóng. Đến 15 giờ ngày 06/5/1975, huyện Chợ Mới - địa phương cuối cùng của tỉnh An Giang (hiện nay) được giải phóng hoàn toàn.

Xe tăng của lực lượng giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975

Đại thắng mùa Xuân năm 1975 của dân tộc ta đã để lại những giá trị lịch sử to lớn, đó là chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, “độc lập dân tộc gắn liền chủ nghĩa xã hội”; xây dựng và thực hiện đường lối đúng đắn, sáng tạo, độc lập, tự chủ; tăng cường, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định mọi thắng lợi.

Sau đại thắng mùa Xuân 1975, Đảng bộ, quân và dân An Giang phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần quyết chiến, quyết thắng, thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng và đối ngoại; góp phần xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới.

Đất nước thống nhất không lâu, năm 1977, An Giang phải đối mặt với chiến tranh biên giới Tây Nam do bọn Pônpốt - IêngSaRy gây ra. Với tinh thần quyết tâm bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc, quân - dân An Giang đã tổ chức những trận đánh thép tiêu biểu tại biên giới Châu Đốc, An Phú, Tịnh Biên, góp phần bảo vệ vững chắc biên cương.

Tuy có xuất phát điểm thấp, nhưng bằng bản lĩnh, quyết tâm chính trị, An Giang đã phát huy tinh thần đoàn kết trong chiến đấu, lao động, sản xuất, phát triển trở thành tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, là trung tâm đầu mối về nông nghiệp với hai mặt hàng chủ lực là lúa gạo, cá tra, góp phần quan trọng đảm bảo an ninh lương thực và xuất khẩu của cả nước.

Trong tiến trình phát triển, An Giang có những chủ trương, giải pháp đột phá quan trọng, như: tăng cường khai hoang, mở rộng diện tích canh tác, chuyển đổi lúa một vụ sang lúa ngắn ngày; vận động nông dân đắp đập chống lũ sản xuất vụ hè thu; thực hiện “mua cao, bán cao” trong thu mua lúa gạo; giao ruộng đất ổn định, lâu dài cho nông dân, đồng thời cho phép chuyển nhượng, kế thừa hoa lợi và thành quả lao động…

Từ đó, sản lượng lương thực của tỉnh lần đầu tiên vượt ngưỡng 01 triệu tấn vào năm 1988; kim ngạch xuất khẩu năm 1989 đạt trên 60 triệu USD, gấp 9 lần năm 1985. Năm 1990, với việc tập trung vốn gần 70 tỷ đồng đầu tư, phát triển hạ tầng thủy lợi, đưa sản lượng lương thực vượt 1,5 triệu tấn, xuất khẩu 120.600 tấn, tăng 16 lần so năm 1985. Đến năm 2021, sản lượng lúa cả năm của tỉnh đạt 4,1 triệu tấn; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 1,14 tỷ USD, trong đó nông sản và thủy sản chiếm trên 70%.

Lĩnh vực kinh tế - xã hội cũng đạt nhiều thành tựu quan trọng. Tốc độ tăng trưởng GRDP giai đoạn 2015 - 2020 đạt 5,25% (năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, An Giang là một trong số ít tỉnh trong cả nước có tốc độ tăng trưởng dương 2,15%); quy mô nền kinh tế tăng, cơ cấu chuyển dịch đúng hướng; các chỉ số cải cách hành chính, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh tăng qua từng năm. Đời sống người dân không ngừng cải thiện. Quốc phòng, an ninh được giữ vững. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được tăng cường; tổ chức bộ máy được nâng chất, tinh gọn, hoạt động ngày càng hiệu lực, hiệu quả…

Trong xu thế hội nhập, An Giang đứng trước nhiều thời cơ, thách thức với đường biên giới gần 100km giáp Vương quốc Campuchia, 2 cửa khẩu quốc tế (Vĩnh Xương, Tịnh Biên), 2 cửa khẩu quốc gia (Vĩnh Hội Đông, Khánh Bình), là cửa ngõ thông thương trục Đông Tây giữa Đồng bằng sông Cửu Long và các nước Đông Nam Á; là tỉnh giàu truyền thống lịch sử, văn hóa với 88 di tích được xếp hạng, trong đó có 02 di tích cấp quốc gia đặc biệt (Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng và khu di tích khảo cổ Óc Eo), 28 di tích cấp quốc gia và 58 di tích cấp tỉnh; nơi khởi nguồn của Phật giáo Hòa Hảo, Bửu Sơn Kỳ Hương và Phật giáo Tứ Ân Hiếu Nghĩa… tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch, thương mại, dịch vụ và kinh tế biên mậu.

Bên cạnh đó, tình hình dịch bệnh thứ tư diễn biến phức tạp, gây hậu quả hết sức to lớn. Kết cấu hạ tầng giao thông còn yếu kém, chưa đồng bộ, chi phí vận chuyển hàng hóa cao; vấn đề về an ninh biên giới, an ninh nguồn nước sông Mê Kông, diễn biến nhanh chóng của biến đổi khí hậu, sạt lở bờ sông… tiềm ẩn nhiều nguy cơ trong quá trình phát triển của tỉnh.

Nghị quyết 13-NQ/TW, ngày 02/4/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định phát triển An Giang trở thành trung tâm đầu mối về nông nghiệp gắn với vùng nguyên liệu về thủy sản nước ngọt, trái cây, lúa gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước. Nghị quyết xác định quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ cốt lõi, nhằm định hướng phát triển vùng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đây là kim chỉ nam, là cơ sở rất quan trọng cho Đồng bằng sông Cửu Long, cũng như An Giang trong thực hiện các giải pháp lãnh đạo, điều hành trong quá trình phát triển.

Niềm vui của người dân trong ngày giải phóng 30/4/1975

Để triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết 13-NQ/TW, ngày 02/4/2022 của Bộ Chính trị, ngoài những chính sách Trung ương hỗ trợ đầu tư, An Giang tập trung thực hiện 03 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm:

Một là, Tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển và đẩy mạnh liên kết vùng Đồng bằng sông Cửu Long; có cơ chế, chính sách ưu đãi đặc thù nhưng không trái quy định pháp luật để phát triển mạnh Khu kinh tế cửa khẩu An Giang. Xây dựng mới và hiện đại hóa hệ thống thủy lợi đa mục tiêu, đa chức năng để phát triển nông nghiệp và thích ứng biến đổi khí hậu. Huy động mọi nguồn lực đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng các cụm ngành nông nghiệp, trung tâm logistic, chợ đầu mối, chợ truyền thống. Hoàn thiện hạ tầng giao thông, kết nối các vùng chuyên canh chủ lực với nhà máy chế biến, các tuyến giao thông đường bộ, cảng sông, cảng biển và thị trường tiêu thụ.

Hai là, tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp phát triển toàn diện, theo hướng hiện đại, góp phần phát triển nhanh và bền vững. Tập trung phát triển nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, thân thiện môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu. Chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp; sản xuất sản phẩm giá trị cao, đa giá trị phù hợp yêu cầu thị trường. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu sản xuất theo trục thủy sản - cây ăn quả - lúa gạo.

Ba là, phát triển các vùng nguyên liệu theo chuỗi giá trị quy mô lớn phù hợp từng vùng sinh thái; quan tâm khôi phục, phát triển các loại cây ăn quả đặc thù của địa phương để bảo tồn, quảng bá và phục vụ du lịch.

Phát huy tinh thần đại thắng mùa Xuân năm 1975, tiếp nối truyền thống vẻ vang của dân tộc, Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân tỉnh An Giang đoàn kết, sáng tạo, quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức, xây dựng quê hương Chủ tịch Tôn Đức Thắng ngày càng văn minh, hiện đại.

(*)TS. LÊ HỒNG QUANG
Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy An Giang