Trao giấy khen các tập thể Phòng Chẩn trị Đông y điển hình tiên tiến trong hoạt động phát triển hội
ThS.BS Trần Quang Thảo, Chủ tịch Hội Đông y tỉnh cho biết, Trung tâm Đông y châm cứu An Giang trực thuộc Hội Đông y tỉnh đang là điểm tin cậy của các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa và người bệnh về điều trị tỵ uyên, chứng tý, di chứng tai biến mạch máu não, chứng hậu COVID-19 và chứng cao mỡ máu, giãn mạch chi dưới, rối loạn kinh nguyệt... Phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc - kết hợp đông - tây y chẩn đoán chiếm 85 - 90% tổng số lần KCB.
Trong và sau đại dịch COVID-19 đến nay, hoạt động kết hợp đông - tây y điều trị bệnh chuyển từ hoạt động chữa bệnh không dùng thuốc theo phương pháp đông y sang chữa bệnh đông y châm cứu, kết hợp tham khảo kết quả chẩn đoán cận lâm sàng. Từ chẩn trị bệnh chứng viêm xoang, thoái hóa khớp, viêm đau khớp, thêm chẩn trị rối loạn chức năng gan, cao mỡ máu, giãn mạch chi dưới có kết quả tích cực.
Từ năm 2020 đến nay, hàng năm, trung tâm KCB từ 15.000 - 16.000 lượt, tăng bình quân 4,41%/năm. Do có tiềm năng phát triển theo nhu cầu xã hội, trung tâm đưa số lần KCB bằng laser nội mạch chiếm 8% số lần chữa bệnh không dùng thuốc - trong cơ cấu tiêu chí số lần KCB của trung tâm. Kết hợp cơ sở dược lý, dược liệu, dược học cổ truyền với kỹ thuật bào chế hoàn cứng cải tiến, làm nâng cao chất lượng sản phẩm bào chế tự túc từ dược liệu, góp phần mở rộng khả năng điều trị kết hợp đông - tây y. Trung tâm cũng nâng từ 1 sản phẩm hoàn cứng, nay tăng lên 7 sản phẩm bào chế tự túc từ dược liệu. Đồng thời, trang bị nhiều trang thiết bị KCB, cùng trên 250 vị dược liệu các loại, đảm bảo cung cấp theo nhu cầu KCB kết hợp đông - tây y, kết hợp đông y châm cứu và tham gia phòng, chống ôn dịch, cúm mùa.
Qua 35 năm hoạt động chăm lo sức khỏe Nhân dân bằng y học cổ truyền, Phòng chẩn trị Đông y - Hội Đông y phường Châu Phú B (TP. Châu Đốc) hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nhiều năm liền. Chủ tịch Hội Đông y TP. Châu Đốc Vương Cao Trí cho biết, 35 năm hình thành và hoạt động, với mô hình hốt thuốc nam, châm cứu, cao đơn hoàn tán, phòng chẩn trị đã KCB cho hơn 1,12 triệu lượt người bệnh, trong đó có 253.536 lượt châm cứu, xung điện, xoa bóp, day ấn huyệt. Qua đó, cấp hơn 3 triệu thang thuốc, 1.400kg cao đơn hoàn tán...
Khi đại dịch COVID-19 xảy ra, Phòng Chẩn trị Đông y xã Hiệp Xương (huyện Phú Tân) đã cung cấp hàng chục ngàn thang thuốc xông cho bà con trong và ngoài địa phương, sản xuất trên 10.000 chai dầu xông giúp bà con xông mũi họng, góp phần phòng, chống dịch, bảo vệ sức khỏe Nhân dân, được lãnh đạo địa phương tin tưởng khuyến khích. Bên cạnh KCB, phòng chẩn trị còn triển khai phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc, để điều trị các bệnh thoái hóa cột sống, đau nhức khớp, phục hồi chức năng sau tai biến mạch não... Được bệnh nhân tin tưởng, tiếng lành đồn xa, thu hút nhiều bệnh nhân trong và ngoài địa phương đến điều trị. Hội Đông y xã vận động Nhân dân trồng và cho mượn đất trên 10.000m2, để trồng các loại dược liệu thường, như: Rau dừa cạn, ngưu tất, ích mẫu, thuốc cứu, ké đầu ngựa… Phòng chẩn trị cũng thành lập tổ sơ chế thuốc có 20 thành viên, để sưu tầm, sơ chế phục vụ cho phòng chẩn trị.
Chủ tịch Hội Đông y xã Hiệp Xương Đỗ Thanh Vân cho biết, năm 2024, được các nhà hảo tâm giúp đỡ, phòng chẩn trị đông y của hội được xây dựng mới diện tích trên 80m2, kinh phí trên 550 triệu đồng, khang trang, sạch đẹp, có 4 phòng khám bệnh, châm cứu day ấn huyệt, hốt thuốc và kho dược liệu. Phòng được kê 8 giường bệnh, 4 máy châm cứu, 3 máy Ion, 2 máy sắc thuốc thang, trị giá trên 300 triệu đồng. Công tác KCB bằng y học cổ truyền được nâng dần chất lượng. Từ đầu năm 2024 đến nay, đã khám trên 8.920 lượt người, phát 32.800 thang thuốc, châm cứu cho 8.680 lượt; sử dụng 9.900kg thuốc tán, 185.400 lít thuốc nước, với tổng giá trị thành tiền 1,9 tỷ đồng. Để đáp ứng nhu cầu KCB, các cấp hội đã sưu tầm 12.000kg thuốc các loại, thu mua 1.800kg và thu hoạch tại vườn trồng 8.400kg thuốc tươi.
ThS.BS Trần Quang Thảo, Chủ tịch Hội Đông y tỉnh biểu dương sự đóng góp quý báu của tổ chức hội, các phòng chẩn trị đông y trong tham gia phát triển nền y học cổ truyền Việt Nam và Hội Đông y tỉnh. Cám ơn sự quan tâm lãnh, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp và bà con đã dành đất cho hội cất cơ sở chẩn trị, trồng dược liệu, góp công cất phòng thuốc. Đồng thời, biểu dương sự đoàn kết gắn bó, xem phòng chẩn trị như ngôi nhà chung; sự thương yêu người bệnh...
“Các phòng chẩn trị còn chăm lo bồi dưỡng, đào tạo lực lượng nòng cốt kế thừa; nhiều lão y ở phòng chẩn trị không ngại khó, cực khổ, không sợ mất bí quyết tổ chức truyền nghề cho lớp trẻ. Chúng ta mang ơn những người thầy như vậy. Đây là việc làm rất quý, đáng trân trọng” - ThS.BS Trần Quang Thảo bày tỏ.
HẠNH CHÂU