Tỉnh Gia Lai hiện có 44 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 46%. Trong những năm gần đây, việc duy trì các phong tục, tập quán mang đậm bản sắc văn hóa Tây Nguyên đã được các cấp, ngành và người dân bản địa quan tâm bảo tồn và phát huy.
Nhằm thay đổi quan niệm, góp phần thúc đẩy bình đẳng giới và lưu giữ nét đẹp văn hóa truyền thống, năm 2014, Câu lạc bộ Cồng chiêng nữ đầu tiên của tỉnh Gia Lai được thành lập với 60 thành viên, đến nay toàn tỉnh Gia Lai đã phát triển được 33 mô hình, câu lạc bộ, đội cồng chiêng nữ với hơn 1.610 thành viên. Ðặc biệt, trong vùng triển khai Dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em" thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn 1: Từ năm 2021 đến năm 2025, có 18 mô hình, câu lạc bộ cồng chiêng với 680 chị là hội viên phụ nữ tham gia.
Chị Ðinh Thị Khóp, Chủ nhiệm Câu lạc bộ cồng chiêng nữ làng Leng, xã Tơ Tung, huyện Kbang cho biết, với mục đích bảo tồn, lưu giữ và truyền dạy cồng chiêng cho các thế hệ trong làng, những người phụ nữ làng Leng cùng tập hợp để hướng dẫn nhau cách đánh cồng chiêng, tập luyện những bài múa xoang uyển chuyển, cùng chuẩn bị váy áo trình diễn trong những đêm hội làng. Thời gian đầu khi mới làm quen với điệu chiêng, nhịp trống, chị em không khỏi bỡ ngỡ, nhưng nhờ sự hướng dẫn tận tình của các nghệ nhân cùng với sự đam mê, chăm chỉ luyện tập, các thành viên trong câu lạc bộ có sự tiến bộ rõ rệt. Trẻ em nữ tại làng cũng vì thế mà có cơ hội đến gần hơn với văn hóa cồng chiêng.
Qua hơn 10 năm thành lập Câu lạc bộ, phụ nữ đánh cồng chiêng không còn là hình ảnh mới mẻ trong các làng đồng bào người dân tộc thiểu số ở Gia Lai. Sự xuất hiện của Câu lạc bộ cồng chiêng nữ đem đến bất ngờ lớn, dần thay đổi quan niệm từ lâu đã in đậm trong tâm trí đồng bào nơi đây rằng đánh cồng chiêng là việc của đàn ông, cần sự khỏe khoắn, mạnh mẽ.
Sự cộng hưởng của bản sắc văn hóa với vẻ đẹp của người phụ nữ Gia Lai đã tạo nên sự độc đáo riêng cho những bản hòa tấu cồng chiêng. Câu lạc bộ Cồng chiêng nữ không chỉ góp phần sôi động, độc đáo trong các buổi trình diễn ngày hội, ngày lễ của địa phương, mà còn tạo sức sống mới, một giải pháp hữu hiệu trong công tác gìn giữ và phát huy di sản không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên nói chung và văn hóa cồng chiêng Gia Lai nói riêng.
Tuy nhiên, trong quá trình duy trì hoạt động các đội, Câu lạc bộ cồng chiêng nữ vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Phần lớn chị em đều chưa có kinh nghiệm, thời gian tham gia chưa nhiều cho nên còn khó khăn trong việc luyện tập; kinh phí duy trì hoạt động của mô hình cồng chiêng nữ còn hạn chế...
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Gia Lai Rơ Chăm H’Hồng cho biết: "Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường vận động người dân tộc thiểu số nói chung, hội viên phụ nữ dân tộc thiểu số nói riêng giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc, nhất là đánh cồng chiêng; bên cạnh đó, tổ chức nhiều hoạt động, sân chơi để đội Cồng chiêng nữ có cơ hội tham gia học hỏi, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm".
Tỉnh Tuyên Quang có 22 dân tộc sinh sống, mỗi dân tộc đều có những nét văn hóa truyền thống, phong tục tập quán riêng, tạo nên những bản sắc vùng miền độc đáo. Toàn tỉnh có hơn 13.600 hội viên phụ nữ là người dân tộc Dao, chiếm 22,6% trong tổng số hội viên phụ nữ dân tộc thiểu số.
Trong thời gian qua, thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Ðảng về công tác bảo tồn, giữ gìn và phát huy di sản văn hóa các dân tộc thiểu số nói chung, trong đó có dân tộc Dao nói riêng, công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc luôn được cấp ủy, chính quyền quan tâm chỉ đạo thực hiện và có sự tham gia tích cực của các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh.
Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Thị Thanh Xuân cho biết, nhận thức được vai trò và trách nhiệm của phụ nữ trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã chỉ đạo các cấp hội làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng. Nội dung quan trọng nữa là quan tâm giáo dục, vận động hội viên phụ nữ nâng cao nhận thức, ý thức trong việc giữ gìn nét đẹp văn hóa riêng của dân tộc Dao, của phụ nữ Dao; tham gia xây dựng Câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa dân gian, mô hình về bảo tồn và phát huy tiếng nói, chữ Nôm Dao, khôi phục nghề truyền thống, các phong tục, các làn điệu dân ca, dân vũ…
Xác định quan tâm xây dựng và phát triển phong trào thể thao, dân vũ, văn nghệ quần chúng là một trong những việc làm đem lại hiệu quả thiết thực trong việc giữ gìn, phát huy giá trị di sản văn hóa, các cấp hội đã chỉ đạo, hướng dẫn thành lập các câu lạc bộ, mô hình tại cơ sở, kết quả 100% các cơ sở hội có đội văn nghệ, đội bóng chuyền, dân vũ; thành lập và duy trì hoạt động hơn 200 câu lạc bộ "Xây dựng gia đình hạnh phúc", cùng với đó tại các xã có đông đồng bào dân tộc Dao sinh sống thành lập được 33 câu lạc bộ giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Dao với gần 1.000 thành viên là hội viên, phụ nữ tham gia.
Nội dung, hình thức hoạt động của các đội văn nghệ, câu lạc bộ này đều hướng tới việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa đậm đà bản sắc của dân tộc Dao, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, nhất là phát triển du lịch tại địa phương. Ngoài ra, các cấp hội phối hợp, hướng dẫn thành lập năm tổ, nhóm cùng sở thích thêu dệt trang phục dân tộc Dao với gần 100 chị tham gia làm sản phẩm, vừa góp phần phát triển kinh tế cho gia đình, vừa giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.
Thôn Phai Ðá, xã Chiêu Yên, huyện Yên Sơn có hơn 110 hộ đều là dân tộc Dao. Ðể giữ gìn bản sắc văn hóa địa phương, đặc biệt đối với thế hệ trẻ, thôn đã thành lập Câu lạc bộ giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Dao. Từ hoạt động của mô hình đã giúp chị em phụ nữ dân tộc Dao nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy, hành động, mạnh dạn, tự tin hơn trong giao tiếp, tích cực, chủ động tham gia các hoạt động của địa phương, của hội triển khai, phát động, thu hút đông đảo phụ nữ dân tộc thiểu số trên địa bàn tham gia.
Chị Bàn Thị Hà, Chủ nhiệm Câu lạc bộ giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Dao thôn Phai Ðá cho biết: "Câu lạc bộ được thành lập năm 2022, đến nay thu hút hơn 47 thành viên tham gia. Các thành viên đều nỗ lực vận động chị em lưu giữ những nét đẹp của dân tộc mình trong việc chuẩn bị trang phục; tham gia luyện tập các điệu múa, tiếng hát, nhạc cụ truyền thống; biểu diễn những tiết mục mang đậm bản sắc dân tộc. Với phương châm: "Người biết nhiều dạy cho người biết ít, người biết ít dạy cho người chưa biết", nhiều thành viên ban đầu chưa biết may, thêu dệt, múa, hát dân ca Dao, đến nay các chị đã có thể may, thêu dệt trang phục truyền thống, hát Páo dung, múa những điệu múa truyền thống trong các dịp lễ, Tết".
Theo đánh giá của hội liên hiệp phụ nữ các cấp, việc xây dựng và duy trì các mô hình, hoạt động phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của các dân tộc thiểu số giúp các cơ sở hội triển khai các hoạt động hỗ trợ hội viên, phụ nữ dân tộc thiểu số theo hướng phù hợp, thiết thực hơn; kịp thời, đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng, đặc thù đời sống văn hóa, phong tục, tập quán truyền thống, ngôn ngữ, đời sống, sản xuất... của phụ nữ và đồng bào dân tộc thiểu số.
Tại nhiều địa phương, hoạt động của các mô hình về văn hóa, văn nghệ góp phần quan trọng giúp phụ nữ dân tộc thiểu số được tăng mức độ hưởng thụ, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của bản thân, tăng cơ hội, tần suất tham gia các hoạt động hội hè, tôn giáo, câu lạc bộ dân ca, dân vũ...; góp phần loại bỏ dần những hủ tục, bất bình đẳng giới. Chị em có cơ hội để thể hiện tài năng, vẻ đẹp, năng lực, sở trường và giao lưu học hỏi, trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hiền cho biết, mặc dù đạt nhiều kết quả đáng khích lệ, song các mô hình, hoạt động của hội liên hiệp phụ nữ các cấp nhằm phát huy tập tục văn hóa tốt đẹp của các dân tộc thiểu số, góp phần thúc đẩy bình đẳng giới tại địa bàn dân tộc thiểu số miền núi, biên giới vẫn còn nhiều khó khăn. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập mạnh mẽ, giá trị văn hóa truyền thống có nhiều nguy cơ mai một. Việc thực thi chính sách, đầu tư nguồn lực có lúc, có nơi còn chưa đồng bộ. Trình độ, nhận thức một bộ phận không nhỏ đồng bào, phụ nữ và cán bộ, lãnh đạo các ngành, các cấp về văn hóa các dân tộc thiểu số còn hạn chế.
"Cần căn cứ tình hình thực tiễn của địa phương, hội liên hiệp phụ nữ các cấp cần tiếp tục nghiên cứu, nâng cao chất lượng nhóm loại mô hình, hoạt động trong triển khai công tác hội; chú trọng đầu tư các mô hình mới liên quan các hoạt động trải nghiệm, tìm hiểu văn hóa đặc thù, bảo tồn, phát huy văn hóa phi vật thể các dân tộc thiểu số; tăng cường vận động, kết nối xã hội hóa nguồn lực trong triển khai thúc đẩy các hoạt động bình đẳng giới gắn với giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống", Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hiền nhấn mạnh.