Phát triển đảng viên là sinh viên: Nguồn lực tốt nhưng cần thận trọng - Kỳ II: Khó khăn, thách thức, giải pháp trong quản lý đảng viên là sinh viên

27/09/2022 - 15:39

 - Nguồn phát triển đảng viên là sinh viên tương đối phong phú, đội ngũ sinh viên có nhiều ưu điểm, là nguồn lực lớn cho Đảng. Tuy nhiên, ngoài những điều kiện tích cực của sinh viên, thì công tác phát triển đảng viên là sinh viên phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhất định trong giai đoạn hiện nay.

Khó khăn, thách thức hiện nay

Bên cạnh, những thuận lợi giúp cho công tác phát triển đảng viên là sinh viên trong thời gian qua đạt nhiều kết quả tích cực, thì thực tế cũng cho thấy có không ít khó khăn, thử thách tác động lớn đến công tác phát triển đảng viên đối với đội ngũ sinh viên.

Một là, áp lực chỉ tiêu phát triển Đảng dẫn đến cấp ủy phát triển Đảng chưa chất lượng, một số đảng viên là học sinh, sinh viên còn hạn chế về nhận thức, tư tưởng, bản lĩnh chính trị, dễ dao động, dễ chán nãn, bỏ xin hoạt đảng. Trong những năm trước đây, thực hiện Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh An Giang, cấp ủy cấp huyện đề chỉ tiêu phát triển Đảng cụ thể thực hiện hàng năm, trong nhiệm kỳ phải phát triển đạt hoặc vượt số lượng đề ra, điều này làm cho một số cấp ủy cấp huyện đẩy mạnh công tác phát triển Đảng, gây áp lực cho các tổ chức cơ sở Đảng, buộc tổ chức cơ sở Đảng phát triển đảng viên cho đủ chỉ tiêu.

Đặc biệt, trong thời gian tới, chỉ tiêu phát triển Đảng nói chung đang là một bài toán khó cho Đảng bộ tỉnh, cũng như là Đảng bộ cấp huyện, theo Nghị quyết 21-NQ/TW, ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XIII) đề ra mục tiêu cụ thể: “Đến năm 2025: Tỷ lệ kết nạp đảng viên mới hàng năm trong giai đoạn 2020-2025 đạt từ 3-4% tổng số đảng viên. Đến năm 2030, tỷ lệ kết nạp đảng viên mới hàng năm trong giai đoạn 2025-2030 đạt từ 3-4% tổng số đảng viên”[6].

Như vậy, với số lượng 65.924 đảng viên của Đảng bộ tỉnh An Giang thì hàng năm dự kiến phải phát triển thêm từ 1.900 đến 2.600 đảng viên, con số này là khá cao với dự nguồn phát triển Đảng hiện tại của tỉnh, nếu tiếp tục chạy theo số lượng thì chất lượng sẽ không cao. Do đó, trong công tác phát triển đảng viên mới cần phải đảm số lượng nhưng cũng phải chú trọng chất lượng đáp ứng yêu cầu của người đảng viên trong tình hình mới.

Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh An Giang lần thứ 8

Hai là, công nghệ thông tin phát triển, kèm theo sự phát triển của các trang mạng điện tử, các thế lực thù địch lợi dụng các trang mạng để đăng thông tin sai sự thật, thông tin phản động, thông tin tiêu cực nhằm chống phá Đảng ta đã ảnh hưởng không nhỏ đến tư tưởng, nhận thức của sinh viên, làm giảm niềm tin của sinh viên vào Đảng Cộng sản Việt Nam, giảm niềm tin với các cấp lãnh đạo của Đảng, chính quyền.

Với tốc độ phát triển của công nghệ thông tin như hiện nay, nhiều bạn trẻ, nhất là các bạn sinh viên tập trung quá nhiều vào các trang mạng xã hội, như: Facebook, Tiktok, Youtube…, ít quan tâm đến các vấn đề chính trị - xã hội. Điển hình trên Facebook, việc đăng tải các thông tin là tự do, không có sự kiểm duyệt, kiểm soát, nên có rất nhiều thông tin sai lệch, không đúng sự thật, lợi dụng điểm này các thế lực thù địch thường xuyên đăng tải các thông tin phản động, tác động đến tư tưởng của người dân Việt Nam nói chung và sinh viên, học sinh nói riêng. Đây cũng là thách thức trong công tác phát triển đảng viên nói chung và phát triển đảng viên là sinh viên nói riêng trong giai đoạn hiện nay.

Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ Trường Đại học An Giang

Ba là, tác động của nền kinh tế thị trường đã làm ảnh hưởng đến một số sinh viên có suy nghĩ theo hướng thực dụng, sau khi ra trường sẽ làm việc ở công ty, doanh nghiệp tư nhân nên không tha thiết, không phấn đấu đứng vào hàng ngũ của Đảng. Bên cạnh đó, một số sinh viên sau khi được kết nạp Đảng, do điều kiện kinh tế quá khó khăn phải bỏ học, đi làm ăn xa phụ gia đình nên cũng dẫn đến bỏ sinh hoạt Đảng.  Các trường hợp sau khi ra trường đi làm ở nhiều nơi khác nhau, có thể trong tỉnh hoặc ngoài tỉnh, nhiều nơi chưa có tổ chức Đảng nên điều kiện sinh hoạt Đảng gặp nhiều khó khăn, một số sinh viên bỏ sinh hoạt Đảng hoặc cố gắng sinh hoạt tại địa phương nhưng chất lượng không cao.

Trưởng phòng Tổ chức Đảng – Đảng viên (Ban Tổ Chức Tỉnh ủy An Giang) Lương Sơn Thịnh nhận định: “Việc quản lý sinh viên bên cạnh những thuận lợi vẫn có những khó khăn, vướng mắc nhất định, như: Sau khi các đảng viên là sinh viên tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng, trung cấp nghề, nếu đi làm ở các đơn vị có tổ chức Đảng hoặc về địa phương sinh sống thì rất thuận lợi trong việc sinh hoạt Đảng, các tổ chức Đảng cũng quản lý đảng viên rất thuận lợi nhưng đối với số lượng khá lớn đảng viên là sinh viên sau khi ra trường chưa có việc làm ổn định, nơi làm việc hoặc cư trú không có tổ chức Đảng thì gặp nhiều khó khăn, thậm chí phải làm đơn xin ra hỏi Đảng do hoàn cảnh kinh tế khó khăn không thể sinh hoạt đảng được, mặc dù các tổ chức Đảng cũng tạo điều kiện tốt nhất, vận dụng khá linh hoạt việc cho đảng viên miễn sinh hoạt Đảng có thời hạn (không quá 12 tháng). Đây là một thực trạng nhức nhối nhưng chưa có giải pháp căn cơ để giải quyết thấu đáo”.

Theo Đảng ủy viên, Chánh Văn phòng Đảng ủy, Phó Trưởng phòng Tổ chức – Chính trị Trường Đại học An Giang Phan Minh Trí cho biết: “Từ năm 2015 đến năm 2020, đơn vị cho ra khỏi Đảng và xóa tên 34 đảng viên là sinh viên. Gần như tất cả đảng viên là sinh viên nhận quyết định xóa tên và cho ra khỏi Đảng đều được kết nạp ở các trường trung học phổ thông (THPT) chuyển về. Đa số các bạn sinh viên nhận quyết định xóa tên và cho ra khỏi Đảng đều là những em có kết quả học tập không tốt dẫn đến bỏ học, bỏ sinh hoạt Đảng; một số em tốt nghiệp ra trường đi làm ở TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương… tại các công ty tư nhân, không có tổ chức Đảng, nên không muốn chuyển sinh hoạt Đảng về địa phương. Thời gian qua, Đảng ủy, cấp ủy các chi bộ thường xuyên vận động, giáo dục tư tưởng; tuy nhiên, vì môi trường sống và làm việc nên các em bỏ sinh hoạt Đảng, đa số đều đổi số điện thoại, không có địa chỉ rõ ràng, liên hệ gia đình các em cũng không có kết quả… Hiện nay, tình trạng bỏ sinh hoạt Đảng đã giảm rõ rệt do các trường phổ thông siết chặt công tác kết nạp”.

Đề xuất giải pháp

Trước những khó khăn, thách thức trong công tác phát triển đảng viên là sinh viên trong giai đoạn hiện nay, cấp ủy các cấp bên cạnh việc phát huy những kết quả đạt được, cũng cần có những giải pháp, thiết thực, hiệu quả để nâng cao chất lượng phát triển đảng viên là sinh viên.

Một là, chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, nội dung, phương pháp giảng dạy, năng lực đội ngũ báo cáo viên lớp bồi dưỡng đối tượng kết nạp đảng. Cấp ủy các cấp nên chú trọng lựa chọn báo cáo viên phải là người vững về chính trị, có kỹ năng sư phạm, tạo được sức hút khi báo cáo bài, như vậy mới có thể làm cho sinh viên hiểu được vai trò của Đảng ta, tầm quan trọng của Đảng, sự tự hào, vinh dự khi được đứng vào hàng ngũ của Đảng, báo cáo viên phải thuyết phục, tạo được sự ham muốn vào Đảng trong sinh viên. Nếu công tác giáo dục chính trị, tư tưởng làm qua loa, các bạn sinh viên đến lớp bồi dưỡng chủ yếu để đảm bảo thời gian theo quy định, thì sinh viên không nhận thức được vai trò quan trọng của Đảng Cộng sản Việt Nam trong công cuộc bảo vệ và xây dựng tổ quốc.

Như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Vì phát triển ẩu, có đồng chí không biết chính sách điều lệ của Đảng, có những phần tử vào Đảng để lợi dụng (trừ tòng quân, không xung phong, bán thóc giảm tô…). Vì vậy, sau này họ vào Đảng là phải biết rõ chương trình và điều lệ của Đảng. Người phụ trách giới thiệu vào Đảng thường không làm tròn nhiệm vụ; không giáo dục cho người ta rõ chương trình và điều lệ của Đảng. Thời gian dự bị cốt để Đảng xem xét và để người dự bị tự học tập”[7].

Ngày hội tư vấn, hướng nghiệp tuyển sinh đào tạo nghề nghiệp của Trường Cao đẳng Nghề An Giang

Hai là, cấp ủy các trường đại học, cao đẳng tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho đảng viên là sinh viên, thậm chí khi còn là sinh viên, đặc biệt vai trò của đồng chí bí thư chi bộ trong công tác giáo dục chính trị, tư tưởng. Cấp ủy, chi bộ phải luôn thường xuyên giáo dục chính trị cho sinh viên, nắm bắt tư tưởng, nguyện vọng của sinh viên. Qua đó, nhằm định hướng, giải thích, làm rõ các vấn đề mà sinh viên còn thắc mắc, đồng thời việc nắm bắt tư tưởng của sinh viên cũng là cơ sở để xem xét, tạo điều kiện phát triển Đảng đối với các sinh viên ưu tú. Việc theo dõi, nắm bắt tư tưởng phải được thực hiện tốt kể cả khi sinh viên chưa là đảng viên, đó cũng là cơ sở để Bí thư chi bộ, cấp ủy chi bộ tiếp tục quản lý tư tưởng sinh viên sau khi là đảng viên. Đảng viên là sinh viên với độ tuổi còn trẻ chưa nhận thức hết các vấn đề xã hội, dễ bị cám dỗ bởi những điều mới mẽ, hào nhoáng, nên cấp ủy chi bộ cần luôn quan tâm để chấn chỉnh, định hướng nếu khi sinh viên có tư tưởng lệch lạc, tránh để xảy ra sai phạm rồi phải xử lý.

Ba là, thận trọng trong công tác xem xét phát triển Đảng đối với sinh viên. Khi phát triển Đảng cần xem xét một cách toàn diện về hoàn cảnh gia đình, năng lực học tập, hoạt động xã hội, để làm được điều này cần sự phối hợp của nhiều phía (kết quả học tập cần sự đánh giá của các thầy cô, hoạt động đoàn thể; cần có sự tham gia ý kiến của Đoàn trường, hoàn cảnh gia đình được cấp ủy chi bộ thẩm tra rõ ràng), kết hợp các điều kiện lại để xem xét phát triển sinh viên đó vào Đảng.

Cấp ủy nhà trường cần cân nhắc, xem xét các yếu tố này sao cho phù hợp, không quá rập khuôn, máy móc, vì từng sinh viên là cá thể riêng biệt có những đặc điểm khác nhau. Tất cả các điều kiện đều phải được xem xét thận trọng, kỹ lưỡng, không thể làm qua loa, sơ sài, vì có những trường hợp học tập giỏi, hoạt động tốt nhưng do điều kiện kinh tế gia đình quá khó khăn, cha mẹ phải bỏ xứ đi làm ăn xa nên dẫn đến sinh viên phải nghỉ học phụ giúp gia đình, sau khi phát triển Đảng xong thì các em lại bỏ sinh hoạt đảng. Có những trường hợp các em học tập tốt không xuất sắc nhưng nhận thức về Đảng rất tốt, hoàn cảnh gia đình công chức, được cha mẹ giáo dục về chính trị rất tốt nhưng do học tập không đạt kết quả xuất sắc nên không xem xét phát triển Đảng, như vậy cũng làm mất đi một đảng viên tốt cho Đảng.

Bốn là, tăng cường công tác quản lý đảng viên là sinh viên. Việc quản lý đảng viên là sinh viên đòi hỏi phải được thực hiện tốt hơn đối với đảng viên là cán bộ, công chức, viên chức nhà nước. Bởi vì, cán bộ, công chức, viên chức nhà nước ngoài sự quản lý của Đảng, còn sự quản lý của tổ chức hành chính nhà nước, đồng thời cán bộ, công chức, viên chức cũng có trình độ nhất định, có sự trưởng thành, có nhận thức rõ ràng, còn đối với sinh viên, nhà trường chỉ quản lý được trong thời gian học tập, còn phần lớn thời gian các em sinh hoạt tự do ngoài xã hội, nhận thức chưa đầy đủ, còn thích khám phá, vui chơi nên việc quản lý cần phải được quan tâm nhiều hơn.

Việc quản lý sinh viên thông qua kết quả học tập, hoạt động đoàn thể và nắm bắt tư tưởng đảng viên thông qua các cuộc họp chi bộ, cần thiết cấp ủy chi bộ có buổi làm việc riêng với đảng viên là sinh viên hằng tháng sau cuộc họp chi bộ để tìm hiểu về tâm tư, nguyện vọng, khó khăn của các em.

Diễn đàn hỗ trợ kết nội thực tập sinh với doanh nghiệp và tư vấn cơ hội nghề nghiệp tỉnh An Giang lần thứ I

Năm là, cấp ủy các cấp tạo điều kiện cho đảng viên là sinh viên sau khi ra trường vẫn tiếp tục sinh hoạt Đảng. Tỉnh ủy cần có giải pháp tạo điều kiện để đảng viên là sinh viên ra trường có thể công tác trên địa bàn tỉnh, như vậy sẽ thuận tiện cho việc sinh hoạt đảng của đảng viên. Các huyện, thị, thành trong tỉnh phối hợp cùng trường đại học và cao đẳng để thống kê nguồn lực chuẩn tốt nghiệp và nhu cầu tuyển dụng của địa phương bao gồm các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp trong nhà nước và ngoài nhà nước để tổ chức các hoạt động “Ngày hội việc làm”, “Hội nghị hướng nghiệp”… để cho các sinh viên vừa có cơ hội việc làm vừa có cơ hội sinh hoạt Đảng trên địa bàn tỉnh, có sự ưu tiên đối với các sinh viên là đảng viên. Nếu đảng viên làm việc ngoài tỉnh, nơi không có tổ chức Đảng thì các huyện, thị, thành ủy sẽ tạo điều kiện để các đảng viên sinh hoạt tại địa phương, giúp đảng viên hoàn thành tốt vai trò, nhiệm vụ của mình.

Lễ ký kết hợp tác giữa Trường Đại học An Giang và Công ty Cổ phần Dịch vụ và Đầu tư Đất Xanh Miền Tây

Để tổ chức Đảng ngày càng vững mạnh, chất lượng đảng viên ngày càng được nâng cao, đảm bảo đội ngũ kế thừa cho Đảng thì cấp ủy các cấp phải thường xuyên quan tâm công tác phát triển đảng viên mới. Trong đó, cần chú trọng công tác phát triển đảng viên là sinh viên, đây là những “hạt giống đỏ”, là nguồn lực phát triển tương lai của Đảng và không chỉ là nguồn lực cho Đảng, còn là nguồn cán bộ cho hệ thống chính trị trong tương lai.

Vì vậy, cấp ủy các cấp cần đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác kết nạp đảng viên theo chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) thể hiện rõ trong Nghị quyết 21-NQ/TW: “Nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy trong công tác phát triển Đảng; xây dựng và thực hiện có hiệu quả kế hoạch phát triển đảng viên của cả nhiệm kỳ và hàng năm; tạo môi trường thuận lợi để quần chúng giác ngộ lý tưởng, có động cơ trong sáng, rèn luyện, phấn đấu vào Đảng. Tiếp tục tăng số lượng, đồng thời chú trọng nâng cao chất lượng phát triển đảng viên; đẩy mạnh bồi dưỡng, kết nạp vào Đảng những đoàn viên, hội viên ưu tú, trưởng thành trong lao động, học tập, trong lực lượng vũ trang; quan tâm phát triển đảng viên trong công nhân, cán bộ quản lý trong doanh nghiệp, khu vực ngoài nhà nước, nông dân, trí thức, thanh niên, sinh viên, người có tôn giáo, ở nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số theo phương châm “Ở đâu có dân thì ở đó có đảng viên”, nhằm tạo nguồn cán bộ cho hệ thống chính trị các cấp trước mắt và lâu dài” [8].

-------------------------------

[1] Hồ Chí Minh toàn tập, NXBCTQG, H.2011, tập 10 trang 505.

[2] Https://tienphong.vn/lanh-tu-lanh-dao-dang-nha-nuoc-noi-ve-doan-vien-thanh-nien-post1321854.tpo

 [3], [4] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Hà Nội.

[5] Đảng bộ Tỉnh An Giang (2020), Văn kiện Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025.

 [6] [8] Nghị quyết số 21-NQ/TW, ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới.

 [7] Hồ Chí Minh toàn tập, NXBCTQG, H.2011, tập 6 trang 371.

THANH PHÁT