Phát triển nguồn nhân lực cho sân khấu truyền thống

27/07/2021 - 08:10

Sau 2 năm lao đao vì dịch COVID-19, nhiều đơn vị sân khấu truyền thống đang đối mặt với nguy cơ phải đóng cửa, ngừng hoạt động, hoặc tình trạng nguồn nhân lực bị suy giảm trầm trọng. Trong khi đó, số lượng nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực sân khấu truyền thống đang dần mai một, việc đào tạo nghệ sĩ trẻ gặp không ít khó khăn. Đây là vấn đề cấp bách, rất cần được ngành văn hóa và các cơ quan chức năng quan tâm kịp thời.

Nếu giai đoạn trước đây, các đơn vị nghệ thuật sân khấu truyền thống được Nhà nước bao cấp để hoạt động, thì từ sau giai đoạn thử nghiệm (2015 - 2020), theo tinh thần Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ “Quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập”, nhiều đơn vị đã chính thức được giao quyền tự chủ. 

Tuy nhiên thực chất đến nay mới chỉ có một vài đơn vị sân khấu truyền thống tạm thời thích nghi với vấn đề tự chủ, còn phần lớn vẫn đang loay hoay, chật vật, thậm chí có nguy cơ đánh mất bản sắc vì để có nguồn kinh phí hoạt động và trả lương cho các nghệ sĩ đã phải chạy theo các chương trình giải trí nhằm đáp ứng thị hiếu tức thời của một bộ phận công chúng.

Khi “cơn bão” Covid-19 ập đến, hoạt động biểu diễn nghệ thuật truyền thống càng thêm ngưng trệ. Các nhà hát chỉ có thể tranh thủ đỏ đèn giữa các kỳ giãn cách, thu nhập gần như bằng không. Và dù muốn hay không, việc giảm lương, cắt biên chế, chấm dứt hợp đồng với nghệ sĩ cũng đã diễn ra. 

Một trích đoạn tuồng cổ do các nghệ sĩ Nhà hát Tuồng Việt Nam biểu diễn. (Ảnh minh họa)

Như tại Nhà hát Tuồng Việt Nam, vì đơn vị không có kinh phí để “nuôi quân”, nhiều nghệ sĩ, nhạc công phải tìm công việc khác. Nhà hát Cải lương Việt Nam buộc phải chấm dứt hợp đồng với một số diễn viên, đợi khi nào có việc mới ký tiếp hợp đồng theo gói công việc. Còn tại Nhà hát Chèo Việt Nam, từ khi dịch Covid-19 bùng phát đến nay, diễn viên hợp đồng của đơn vị đã nghỉ hết, chỉ còn 19 diễn viên theo diện biên chế. 

Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam cũng thông báo cắt giảm 50% lương của nghệ sĩ,  trong khi Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam (TP Hồ Chí Minh) buộc phải thỏa thuận với nghệ sĩ, diễn viên ngành xiếc, múa rối về việc chậm trả lương, giảm lương. Nhiều nghệ sĩ của Nhà hát Múa rối Việt Nam vì không có vở diễn và không có lương, cũng chuyển đi làm các công việc khác như bán hàng online, thợ nhôm kính, lái xe... 

Bức tranh chung của nghệ thuật sân khấu truyền thống hiện đang rất khó khăn, ảm đạm. Thậm chí, nếu Chính phủ thông qua gói hỗ trợ nghệ sĩ mà Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (Bộ VH-TT&DL) đề xuất cũng chỉ hỗ trợ được các nghệ sĩ giữ chức danh nghề nghiệp đạo diễn nghệ thuật hạng 4, các nghệ sĩ mới ra trường, có mức lương thấp hơn mức lương tối thiểu vùng. Như vậy, chỉ có rất ít nghệ sĩ thuộc diện được nhận hỗ trợ từ gói này, và cũng chỉ được nhận trong 3 tháng với mức hỗ trợ là 1,8 triệu đồng/tháng. 

Thực trạng khó khăn của các đơn vị và nghệ sĩ nghệ thuật truyền thống hiện nay là nằm trong khó khăn chung của đất nước do bị ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh. Tuy nhiên, nếu như ở một số lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, việc bổ sung nguồn nhân lực có thể dễ dàng hơn, thì trong sân khấu truyền thống lại khó khăn hơn rất nhiều. Việc đào tạo một nghệ sĩ sân khấu truyền thống thường mất nhiều thời gian, công sức. 

Từ năm 2014, nhằm khắc phục tình trạng này, Bộ VH-TT&DL đã thực hiện dự án thí điểm cho phép một số đoàn nghệ thuật truyền thống tuyển sinh diễn viên, nhạc công để đào tạo trực tiếp theo kiểu nghề truyền nghề. Việc tìm kiếm nghệ sĩ trẻ có tiềm năng, bỏ công sức “vỡ vạc” những kiến thức ban đầu về nghề cho các em trước khi đào tạo chuyên nghiệp thể hiện sự kỳ công tìm kiếm người tài bổ sung cho các nhà hát đang có nguy cơ bị hẫng về nguồn nhân lực kế cận. 

Thực tế, số liệu từ các đơn vị hàng đầu trong sân khấu truyền thống như Nhà hát Tuồng Việt Nam, Nhà hát Chèo Việt Nam, Nhà hát Cải lương Việt Nam,… cho thấy, số lượng diễn viên được tuyển không phải lúc nào cũng đủ chỉ tiêu. Đó là chưa kể trong thời gian này, nhiều người đã bỏ dở giữa chừng, vì tự thấy không đủ khả năng, hoặc sau khi “suy đi tính lại” đã xin rút để lựa chọn con đường khác. 

Với những trường hợp đã qua đào tạo tại các đoàn nghệ thuật ở địa phương và được đơn vị “chấm” danh sách gửi đến Trường đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội phối hợp đào tạo theo diện được hỗ trợ tiền ở và miễn học phí suốt 4 năm học cũng đã có một số người không mặn mà vì nhiều lý do: gia đình không ủng hộ, e ngại học xong ra trường không kiếm được thu nhập bảo đảm cuộc sống... Đây cũng là một nguyên nhân khiến hiện nay các trường nghệ thuật khó tổ chức các khóa đào tạo nguồn nhân lực cho sân khấu truyền thống. 

Trường đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, nhiều năm qua không có khóa đào tạo diễn viên tuồng, các bộ môn như diễn viên cải lương, chèo, múa rối thì khá phập phù, có năm đủ chỉ tiêu tuyển sinh, có năm không. Việc đào tạo nhạc công cho kịch hát dân tộc cũng buộc phải ngừng bởi không có người học. Các môn biểu diễn nhạc cụ như đàn tì bà, sáo, đàn bầu tại Trường cao đẳng nghệ thuật Hà Nội hiện cũng không có người đăng ký theo học. Ở phía nam, Nhà hát nghệ thuật hát bội TP Hồ Chí Minh không biết lấy nguồn diễn viên bổ sung cho nhà hát ở đâu, vì hiện các trường nghệ thuật đã ngưng đào tạo diễn viên do không có thí sinh đăng ký theo học. 

Thực tế, tình trạng thiếu diễn viên trẻ, “già hóa” nhân lực trong sân khấu truyền thống là rất đáng báo động. Đây là bài toán hóc búa đối với các đơn vị nghệ thuật, bởi sân khấu truyền thống luôn cần những gương mặt trẻ tài năng để bổ sung, tiếp nối, làm mới những giá trị cũ.

Ngoài ra, không như nhiều ngành nghệ thuật khác, sân khấu truyền thống thường truyền nghề theo cách trực tiếp, do đó nếu hụt hẫng một vài thế hệ sẽ phải đối mặt với nguy cơ thất truyền. Ngành văn hóa đã có một số giải pháp cho vấn đề này, và các đề án đào tạo diễn viên, nhạc công cho các đơn vị nghệ thuật sân khấu truyền thống là thí dụ. 

Trong khi đó, quy định về việc tuyển chọn, trả lương cho nghệ sĩ trẻ trong các đoàn nghệ thuật truyền thống đang bị chồng chéo, thậm chí mâu thuẫn, khiến việc “giữ chân” nguồn nhân lực trong nhiều đơn vị càng trở nên khó khăn. Đơn cử, đề án đào tạo diễn viên, nhạc công cho các đơn vị nghệ thuật tuồng, chèo, cải lương và dân ca kịch chuyên nghiệp giai đoạn 2016-2021 ghi rõ: “Sau khi được Nhà nước đào tạo, các em sẽ trở thành diễn viên, nhạc công chuyên nghiệp, được phân bổ về các đơn vị nghệ thuật trong cả nước”. Nhưng hiện có không ít trường hợp khi các em được đào tạo xong, xin về các đoàn nghệ thuật lại rất khó vì không có biên chế bổ sung, làm theo chế độ hợp đồng thì lay lắt. 

Với tình trạng khó khăn của sân khấu truyền thống những năm qua, nhiều đơn vị không thể có nguồn thu để trả lương tối thiểu cho nghệ sĩ hợp đồng. Từ đây dẫn đến hiện tượng nghệ sĩ trẻ, dù được học hành đào tạo bài bản về sân khấu truyền thống, vẫn từ bỏ sở trường để đến với hoạt động giải trí thời thượng, vừa nhanh nổi tiếng vừa dễ có thu nhập cao, như đóng phim truyền hình, làm YouTube, kinh doanh trên mạng, tham gia các gameshow... Không ít nghệ sĩ dù đã có thời gian gắn bó với nghề, rất tâm huyết muốn bám trụ sân khấu truyền thống nhưng vì miếng cơm manh áo vẫn  phải dứt áo ra đi. Việc “chảy máu” nguồn nhân lực trong sân khấu truyền thống vốn đã là một thực tế đáng lo ngại, giờ thêm “cú bồi” của dịch bệnh khiến các nhà quản lý tâm huyết dù cố gắng xoay xở nhưng vẫn chưa có hướng giải quyết.

Vừa qua lãnh đạo Bộ VH-TT&DL đã có cuộc làm việc với các Cục, Vụ chức năng liên quan và các đơn vị sân khấu trực thuộc. Tại đây, vấn đề giữ nguồn nhân lực cho sân khấu, đặc biệt là sân khấu truyền thống đã được đặt ra. Có ý kiến đề xuất tạm dừng áp dụng Nghị định 161 về “Sửa đổi, bổ sung một số quy định về tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức và thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập”, và tạm thời bảo đảm tiền lương bằng ngân sách nhà nước cho nghệ sĩ hợp đồng tại các đơn vị sân khấu truyền thống, như một giải pháp giữ chân họ ở lại với nghề trong bối cảnh dịch bệnh. 

Một giải pháp khác cũng đã được đề nghị là Cục Nghệ thuật Biểu diễn có thể hỗ trợ đặt hàng các nhà hát để lấy kinh phí trả lương cho nghệ sĩ. Đề xuất xây dựng một Nhà hát trực tuyến là địa chỉ cung cấp các chương trình nghệ thuật sân khấu cho khán giả trong thời điểm dịch bệnh cũng là phù hợp với xu hướng công nghệ hiện nay. 

Dù có ý kiến cho rằng, tính cách điệu và ước lệ là những đặc trưng riêng khiến cho sân khấu  truyền thống dường như chỉ phù hợp với việc tương tác trực tiếp với khán giả, nhưng trong bối cảnh hiện nay cũng rất cần có sự đổi mới, linh hoạt. Chưa kể, việc phát sóng các vở diễn sân khấu, nhất là sân khấu truyền thống trên truyền hình, hay đưa hoạt động sân khấu, trích đoạn vở diễn lên YouTube, Tiktok,… còn là cách giữ chân khán giả, giúp  khán giả có thể cập nhật thông tin về hoạt động của nghệ sĩ, của các nhà hát trong hoàn cảnh không thể hoạt động bình thường vì tình hình dịch bệnh. 

Khán giả trẻ cũng sẽ học được nhiều kiến thức về sân khấu truyền thống thông qua các nền tảng số, từ đó góp phần bồi đắp thêm tình yêu với nghệ thuật dân tộc cổ truyền. Chính vì thế, bên cạnh sự nỗ lực, tìm hướng đổi mới để phù hợp với hoàn cảnh dịch bệnh, việc sớm có những chính sách hỗ trợ hợp lý, hợp tình, giúp bảo đảm hoạt động và cuộc sống cho các nghệ sĩ sân khấu nói chung, sân khấu truyền thống nói riêng là cần thiết trong tình hình khó khăn hiện nay.

Điều đó sẽ góp phần giúp nghệ sĩ yên tâm cống hiến lâu dài, tránh sự đứt gãy thế hệ, không để xảy ra sự mai một các giá trị quý báu của nghệ thuật dân tộc.

Theo VŨ QUỲNH (Báo Nhân Dân)