Phía sau trận đấu

31/01/2018 - 01:00

 - Dù đã xa sân cỏ nhiều năm nhưng các cựu tuyển thủ của đội bóng đá An Giang 2 vẫn gặp nhau ở trận đấu họp mặt vào dịp cuối năm. Vượt lên trên 1 trận bóng đá thông thường, ý nghĩa của nó chính là tấm lòng của những người chung màu cờ sắc áo trong những ngày tháng trước.

Nói về ý nghĩa của trận đấu, ông Lưu Trọng Thẩm - thành viên đội tuyển bóng đá An Giang 2 chia sẻ: “Chúng tôi đã tổ chức hoạt động này 3 năm nay. Anh, em các nơi tề tựu về đây, gặp nhau trên thảm cỏ sân bóng, cùng nhau ôn lại ký ức của những ngày tháng trước.

Có người đã không thể đá bóng, có người đã “bỏ cuộc chơi” nhưng tình nghĩa vẫn cứ nồng nàn như thuở còn chung màu áo. Trận bóng đá này là dịp để những cầu thủ đội tuyển An Giang 1 và An Giang 2 ở những thập niên 80 gặp gỡ, cùng nhau chia sẻ vui, buồn, thăm hỏi nhau sau thời gian dài rời xa bóng đá”.

Dù đã 64 tuổi, ông Thẩm vẫn xỏ giày ra sân cùng các anh, em để tìm lại cảm giác tung hoành sân cỏ ngày nào. “Hồi đó anh, em ở các địa phương như: Tân Châu, An Phú, Tịnh Biên, Châu Đốc cùng tập hợp thành đội tuyển bóng đá An Giang 2 đi “chinh chiến” khắp nơi. Tôi cùng với anh Châu Hồng, Long “sườn”, Kha Văn Trạng, Nguyễn Hoàng Giang, Lê Kiên Linh… đã khẳng định vị thế của đội bóng đầu nguồn.

Thời đó, ở Long Xuyên có đội bóng An Giang 1 cùng tồn tại song song với chúng tôi. Về sau, những cầu thủ giỏi của An Giang 2 về đầu quân cho An Giang 1 để trở thành đội bóng đá mạnh, có thể cạnh tranh với các đội bóng ở Sài Gòn, Đồng Tháp hay Cần Thơ” - ông Thẩm nhớ lại.

Các cựu cầu thủ đội bóng đá An Giang 2

Những cái tên xuất sắc đó đã đưa đội bóng đá An Giang đoạt ngôi vô địch Giải bóng đá hạng A2 toàn quốc vào năm 1984 và ngôi vô địch Giải bóng đá Cửu Long (giải đấu dành cho các đội vùng ĐBSCL) nhiều năm liền. “Anh, em thi đấu với niềm đam mê cháy bỏng, không vì vật chất. Hầu hết đều phải vất vả mưu sinh nhưng quyết lòng cống hiến cho bóng đá tỉnh nhà.

Đội bóng đá An Giang 2 đã chạm trán với những đội bóng mạnh của Việt Nam giai đoạn đó, bao gồm cả giải chính thức và giao hữu, như: Thể Công, Hải Quan, Cảng Sài Gòn, Than Quảng Ninh…Được gặp gỡ và chơi bóng cùng họ là kỷ niệm đáng nhớ trong cuộc đời quần đùi áo số của chúng tôi. Bây giờ ngồi nhớ lại, tôi vẫn thấy hào hứng như mới hôm qua” - ông Nguyễn Văn Bé (thành viên đội bóng đá An Giang 2) nhớ lại.

Những thành viên trong đội bóng đá An Giang 2 thời điểm đó về họp mặt chưa đến 20 người. Số anh, em có thể giao lưu bóng đá chỉ khoảng 6-7 người, phần còn lại phải ngồi ngoài đường biên mà nhớ lại thời trai trẻ. “Chúng tôi mời đội bóng đá của Văn phòng Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch và đội An Giang 1 trước kia. Không ai chú trọng đến kết quả mà chỉ quan tâm đến ý nghĩa của nó.

Nhờ vậy, chúng tôi gặp lại những đồng đội thân thương và có dịp thăm hỏi sức khỏe của nhau. Có sống và cống hiến cho bóng đá tỉnh nhà vào thời điểm cách đây mấy mươi năm mới hiểu được sự chan hòa, yêu thương của anh, em cầu thủ dù cuộc sống còn nghèo”- ông Thẩm nhớ lại.

Sau trận đấu, họ lại ngồi cùng nhau và chia sẻ những buồn vui trong cuộc đời. Khi đó, ông Thẩm và những anh, em khác cùng nhau góp tiền để tặng những thành viên của đội đang gặp khó khăn. “Bây giờ, cuộc sống mỗi người mỗi khác nhưng chúng tôi vẫn trân trọng những ngày tháng ở cùng nhau. Món quà dù không lớn nhưng đó là sự động viên dành cho nhau. Một ngày là đồng đội thì mãi mãi là đồng đội. Có những anh, em đã khuất nhưng chúng tôi vẫn gửi đến gia đình họ món quà nhỏ để san sẻ những khó khăn cho người ở lại. Có được hoạt động này phải kể đến sự hỗ trợ của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Trung tâm Thể dục - thể thao Tân Châu cũng như của ông Lưu Trọng Quyến đã hỗ trợ trang phục thi đấu cho chúng tôi” - ông Thẩm cho hay.

Phó Giám đốc Trung tâm Thể dục - thể thao TX. Tân Châu Nguyễn Anh Toàn cho biết: “Trận bóng đá họp mặt cựu tuyển thủ An Giang 2 là dịp để chúng tôi tri ân các chú, bác đã cống hiến cho bóng đá tỉnh nhà và tạo điều kiện để họ gặp gỡ, trao đổi cùng nhau sau khi cái tên An Giang 2 trở thành ký ức đẹp cho bóng đá xứ đầu nguồn từ năm 1991. Đồng thời, hoạt động này còn góp phần giáo dục truyền thống yêu bóng đá của thế hệ trẻ địa phương, cùng hướng đến việc xây dựng thế mạnh ở môn thể thao vua như thế hệ cha anh đã gầy dựng trong quá khứ”.

THANH TIẾN