Trước bối cảnh đó, Việt Nam cũng đang chuẩn bị các bước để có thể chuyển COVID-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B vào thời điểm phù hợp.
Đối sách hợp lý, kiểm soát hiệu quả
Chiến lược mới của WHO sẽ duy trì 2 mục tiêu của kế hoạch trước đó, được đưa ra vào năm 2022, là giảm sự lây lan của dịch bệnh và điều trị để giảm tỷ lệ tử vong, tỷ lệ mắc bệnh và hậu quả lâu dài.
Tuy nhiên, kế hoạch mới bổ sung mục tiêu thứ 3 là "hỗ trợ các quốc gia khi họ chuyển từ ứng phó khẩn cấp sang quản lý, kiểm soát và phòng ngừa dịch COVID-19 một cách bền vững lâu dài hơn".
Trên cơ sở đó, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đang phối hợp với các bộ, ngành rà soát quy định pháp luật, tham khảo kinh nghiệm các nước cũng như các biện pháp thực tiễn phòng, chống dịch của Việt Nam để từ đó xây dựng hồ sơ phân loại chuyển từ bệnh nhóm A sang nhóm B. Bộ Y tế cũng xây dựng kế hoạch kiểm soát, quản lý bền vững và đề xuất đưa vaccine COVID-19 vào tiêm chủng thường xuyên.
Trong hơn ba năm phòng chống dịch COVID-19, đáng lưu ý, Việt Nam đã thực hiện Chiến lược "thích ứng, an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19 sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP từ tháng 10/2021. Mặc dù chưa chuyển đổi dịch COVID-19 từ nhóm A sang nhóm B nhưng nhiều hoạt động đã thực hiện như nhóm B, đó là việc mở cửa, không cấm đoán đi lại, du lịch, tổ chức hội họp, tổ chức sự kiện, không yêu cầu xét nghiệm bắt buộc, nới lỏng cách ly… để làm ăn kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội...
Phó giáo sư Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, cho hay hiện tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam vẫn được kiểm soát, đa số ca mắc mới có triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng, không gây quá tải hệ thống y tế.
Các trường hợp nặng và tử vong phần lớn vẫn là người có bệnh nền, người già, người chưa tiêm chủng, người suy giảm miễn dịch... Những trường hợp này bệnh có thể diễn biến nặng nếu nhiễm các virus gây bệnh truyền nhiễm khác như cúm, chứ không riêng gì với COVID-19. Khi những đối tượng trên nhiễm các bệnh do virus miễn dịch giảm, dễ mắc thêm bệnh khác dẫn đến bệnh trở nặng và tử vong.
Theo phân tích của Phó giáo sư Trần Đắc Phu, nếu có xếp COVID-19 ở nhóm B cùng với các bệnh truyền nhiễm khác, thì COVID-19 vẫn phải là bệnh có tính đặc thù vì WHO chưa công bố kết thúc đại dịch COVID-19 đồng thời WHO vẫn khuyến cáo các quốc gia cần thận trọng và chuyển từ việc phòng, chống dịch khẩn cấp sang chiến lược kiểm soát dịch dịch bền vững, lâu dài.
(Ảnh: PV/Vietnam+)
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, hiện cơ quan này đang tiếp tục xây dựng kế hoạch ứng phó bền vững với đại dịch COVID-19 trong tình hình mới, trong đó có tính đến bối cảnh có biến thể mới nguy hiểm xuất hiện, dịch lan rộng…; tăng cường giám sát lồng ghép COVID-19 và các bệnh viêm đường hô hấp khác…
Huy động tổng lực-bài học quý báu
Với Việt Nam, trong hơn ba năm chống dịch COVID-19 vừa qua, Đảng, Chính phủ, Quốc hội và các cấp, các ngành đã đưa ra các đáp ứng phù hợp với tình hình dịch tễ trong bối cảnh từng thời kỳ. Các hoạt động phòng chống dịch ở trong nước có sự chỉ đạo xuyên suốt trong thời gian qua.
Kết quả giám sát chuyên đề “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19" của Đoàn giám sát của Quốc hội Khóa XV đã đánh giá trong hai năm phòng chống dịch, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng.
Trong chỉ đạo chiến lược đã thể chế hóa chủ trương của Đảng, các kết luận, chỉ thị của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, từ tháng 01/2020-01/2023, Quốc hội đã ban hành 06 Nghị quyết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 12 Nghị quyết; xem xét, cho ý kiến về việc sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các luật để đáp ứng kịp thời yêu cầu phòng, chống dịch; tháo gỡ khó khăn, thực hiện các chính sách hỗ trợ, an sinh xã hội, giảm nhẹ tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19. Chính phủ ban hành 14 Nghị định, 23 Nghị quyết, Thủ tướng Chính phủ ban hành 35 Quyết định, hàng trăm văn bản (chỉ thị, công điện, thông báo) để chỉ đạo công tác phòng, chống dịch.
Khu vực cách ly đặc biệt tại một bệnh viện. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Các bộ, ngành, hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trên cả nước đã có nhiều nỗ lực, chủ động, linh hoạt, bám sát tình hình, kịp thời ban hành nhiều văn bản, hướng dẫn về phòng, chống dịch và huy động, quản lý, sử dụng nguồn lực phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn.
Trong công tác phòng chống dịch COVID-19, hệ thống văn bản pháp luật do các cơ quan ở trung ương và địa phương ban hành đảm bảo phù hợp với Hiến pháp; cơ bản đáp ứng yêu cầu cấp bách của công tác phòng, chống dịch theo từng giai đoạn, tạo hành lang pháp lý cho việc triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch, huy động sự vào cuộc và đóng góp của toàn xã hội cho công tác phòng, chống dịch COVID-19; góp phần giúp doanh nghiệp, người dân giảm bớt khó khăn trong giai đoạn dịch COVID-19, đảm bảo an sinh xã hội, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.
Đáng lưu ý, để thực hiện mục tiêu “kép” vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế, đảm bảo đời sống nhân dân, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021 về kỳ họp thứ nhất (Nghị quyết số 30), trong đó quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù phục vụ công tác phòng, chống dịch. Trên cơ sở Nghị quyết số 30 và tiếp theo Nghị quyết số 30, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chủ động quyết định, điều hành ngân sách nhà nước, ban hành nhiều chính sách tài khóa, tiền tệ để phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 và hỗ trợ trực tiếp cho người dân, doanh nghiệp…
Việc huy động nguồn lực phòng, chống dịch COVID-19 được thực hiện chủ động, góp phần đáp ứng kịp thời yêu cầu của công tác phòng, chống dịch, mang lại hiệu quả tích cực trong bối cảnh khó khăn, cấp bách.
Đến ngày 31/12/2022, tổng số tiền đã được huy động để trực tiếp phục vụ công tác phòng, chống dịch và thực hiện các chính sách an sinh xã hội là khoảng 230.000 tỷ đồng; trong đó ngân sách nhà nước là trên 186,4 nghìn tỷ đồng và tài trợ, viện trợ khoảng 43,6 nghìn tỷ; trên 11,6 nghìn tỷ đồng đã được huy động vào Quỹ vaccine phòng COVID-19; tiếp nhận khoảng 259,3 triệu liều vaccine phòng COVID-19, riêng viện trợ của Chính phủ các nước là gần 150 triệu liều, trị giá khoảng 24 nghìn tỷ đồng.
Đã có hàng triệu tình nguyện viên, đặc biệt là đội ngũ cán bộ y tế, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang trực tiếp tham gia tuyến đầu chống dịch. Các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, Chính phủ các nước và các tổ chức quốc tế đã trực tiếp tham gia phòng, chống dịch cũng như đóng góp sức lực, tiền, hiện vật và nhiều khoản đóng góp khác với nhiều hình thức khác nhau, trong đó có nhiều khoản đóng góp, ủng hộ không lượng hóa được bằng tiền.
(Ảnh: PV/Vietnam+)
Có thể thấy, để có thể kiểm soát thành công đại dịch COVID-19, phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội của đất nước như ngày hôm nay là nhờ có sự nỗ lực và chung tay của toàn dân, của cả hệ thống chính trị trong việc thực hiện đồng bộ các chủ trương, giải pháp của Đảng, Nhà nước về phòng, chống dịch, trong đó có các chủ trương, giải pháp về huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống COVID-19./.
Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 11.613.559 ca nhiễm COVID-19, đứng thứ 13/231 quốc gia và vùng lãnh thổ. Với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 120/231 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 117.364 ca nhiễm).
Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.206 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.
Tổng số liều vaccine phòng COVID-19 đã được tiêm tại Việt Nam là 266.416.100 liều
|
Theo THÙY GIANG (Vietnam+)