Trong số 22 loại hình thiên tai trên thế giới thì chỉ trừ sóng thần, còn Việt Nam thường xuyên phải chịu ảnh hưởng của 21 loại hình thiên tai, khiến cho bình quân 30 năm trở lại đây, nước ta có khoảng 400 người chết và mất tích, thiệt hại kinh tế từ 1-1,5% GDP/năm. Thiên tai đã và đang là mối đe dọa nghiêm trọng đối với sự an toàn, phát triển nhanh và bền vững, tác động sâu sắc đến mọi mặt đời sống kinh tế-xã hội, môi trường, an ninh quốc phòng, quy mô dân số và nền kinh tế ngày càng lớn.
Từ đầu năm 2021 đến nay, đã xảy ra 8 cơn bão, 3 áp thấp nhiệt đới trên biển Đông, 109 trận động đất nhẹ, 316 trận mưa đá, dông lốc, sét; 140 trận mưa lớn, lũ cục bộ, 157 vụ sạt lở bờ sông, 7 đợt nắng nóng và 6 đợt không khí lạnh, gió mùa Đông Bắc. Đặc biệt, đợt mưa lớn tại khu vực miền Trung thời gian gần đây đã gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Tính đến ngày 26/10/2021, thiên tai đã làm 79 người chết, mất tích, 87 người bị thương; 247 nhà sập đổ hoàn toàn, 8.645 nhà bị hư hỏng, tốc mái, 74km đường giao thông sạt lở... Ước tính giá trị thiệt hại khoảng 1.428 tỷ đồng.
Ứng phó với thiên tai khốc liệt tại nhiều địa phương
Cầu tràn Khe Mọi từ xã Môn Sơn đi xã Lục Dạ, huyện Con Cuông đến trưa 25/9/2021 nước vẫn ngập tràn, gây chia cắt, không thể qua lại. Ảnh: TTXVN phát
Huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An là một trong nhiều địa phương bị thiệt hại nặng nề nhất trong đợt mưa lũ do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 6 vừa qua với hàng trăm nhà dân bị ngập nước, mưa lũ làm hơn 6.100 học sinh tại nhiều điểm trường ở các xã Quỳnh Lâm, Quỳnh Hồng, Quỳnh Giang, thị trấn Cầu Giát đã phải nghỉ học do trường lớp bị ngập sâu trong nước.
Bà Đinh Thị Xuyến, xã Quỳnh Lâm, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An cho biết: Mưa lũ do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 6 vừa qua gây ra trận lụt khủng khiếp nhất, chưa khi nào tôi thấy lụt lên nhanh đến thế, nhà cửa, đồ đạc đều bị nước nhấn chìm.
Là địa phương nằm trong vùng ảnh hưởng trực tiếp của bão số 5 vừa qua, tỉnh Thừa Thiên-Huế đã khẩn trương sơ tán người dân tại các vùng xung yếu, vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở theo phương châm “4 tại chỗ” gắn với đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19. Chính quyền các xã ven biển của tỉnh đã xuống cơ sở rà soát những hộ dân có nhà cửa tạm bợ, vận động người dân chủ động sơ tán theo hướng dẫn của địa phương, nhất là những gia đình có trẻ nhỏ, người cao tuổi, phụ nữ đang mang thai, người khuyết tật, người bị bệnh hiểm nghèo.
Chủ tịch UBND xã Phú Hải, huyện Phú Vang Nguyễn Minh Hải cho hay, trong quá trình tổ chức ứng phó bão số 5, Ban chỉ đạo xã đã rà soát hộ nghèo, neo đơn đảm bảo công tác di dời đến nơi an toàn, đồng thời đảm bảo đủ lương thực, thực phẩm khi xảy ra thiên tai trên địa bàn.
Tại phường Thuận An, Phó Chủ tịch UBND phường Nguyễn Văn Giàu thông tin, phường đã phối hợp với Sở Y tế tỉnh test COVID-19 nhanh cho các thuyền viên, hướng dẫn cụ thể cho các tàu phòng, chống bão cũng như phòng, chống dịch, đảm bảo an toàn tuyệt đối không ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản của ngư dân.
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên-Huế đã thành lập 5 đoàn công tác đi kiểm tra, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với chính quyền địa phương chuẩn bị lực lượng, phương tiện, cơ sở vật chất sẵn sàng phòng, chống bão lụt; nhất là đảm bảo an toàn cho tàu bè neo đậu tránh trú bão; bố trí cán bộ trực tại những vùng thấp trũng, ven cửa sông, cửa biển, vùng đầm phá... đảm bảo phòng,chống lũ lụt theo phương châm “4 tại chỗ”; hướng dẫn giao thông, đặc biệt là tại các khu vực thường xuyên bị sạt lở đất, cây cối ngã đổ để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân. Những tàu thuyền xa bờ của địa phương khi vào tránh trú bão số đều được cán bộ Trạm Biên phòng Thuận An dùng loa thông báo yêu cầu lên bờ để test nhanh SARS-CoV-2 đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch.
Tại tỉnh Cà Mau, tình hình sạt lở ven biển diễn ra rất nhanh, phức tạp do tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Đã có khoảng 150km bờ biển bị sạt lở, xảy ra cả ven biển Đông và biển Tây. Tại bờ biển Tây, tình trạng sạt lở đang diễn ra nhanh, ở mức nguy hiểm, có nguy cơ phá vỡ đê biển và ảnh hưởng rất lớn khu dân cư ven đê. Đoạn từ vàm T25+700 hướng về vàm T29 dài khoảng 1.000m và đoạn T29+1.300m hướng về vàm Khánh Hội là 2 đoạn sạt lở nghiêm trọng trên tuyến đê biển Tây đang được thi công khẩn cấp.
Đê biển Tây Cà Mau dài hơn 100 km thuộc địa bàn 2 huyện Trần Văn Thời và U Minh, là lá chắn duy nhất bảo vệ hơn 90.000 ha đất sản xuất nông nghiệp và hàng chục ngàn hộ dân. Dù bước vào mùa mưa bão năm nay chưa lâu nhưng đê biển Tây tiếp tục có nhiều vị trí sạt lở nghiêm trọng. Trong đó, nhiều vị trí nguy hiểm như: đoạn từ Giồng Cát đến Tiểu Dừa thuộc xã Khánh Tiến, huyện U Minh. Qua khảo thực tế khu vực này có 4 vị trí sạt lở, tổng chiều dài khoảng 421 m, dù phía bên ngoài đã có kè cơ bản.
Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh Cà Mau, nhiều khu vực đê dù phía bên ngoài có kè ly tâm chắn sóng nhưng sóng biển vẫn từng lúc xoáy sâu và tác động mạnh đến sự an toàn. Cà Mau đã phải thực hiện hàng loạt công trình khẩn cấp như: kè thân đê, bơm bùn vào phía trong chân đê để tạo phản áp...; đây là những giải pháp công trình mà xưa nay trên khu vực đê biển Tây chưa từng áp dụng.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp
Lực lượng chức năng chốt chặn, không cho người và phương tiện đi qua các khu vực nước sông dâng cao tại một số địa phương thuộc huyện Thanh Chương (Nghệ An), ngày 25-9-2021. Ảnh: TTXVN phát
Trước tình hình thiệt hại sau mưa lũ, sạt lở đê, bờ biển, các địa phương đã khẩn trương chỉ đạo việc tái thiết sau thiên tai gắn với đảm bảo an toàn phòng dịch COVID-19. Với phương châm nước rút đến đâu khắc phục đến đó, chính quyền các địa phương đã tích cực cùng người dân dọn dẹp đường phố, vệ sinh nhà cửa, hỗ trợ nhu yếu phẩm để giúp nhân dân sớm ổn định đời sống.
Tại Nghệ An, cô Trịnh Thị Thúy, Hiệu trưởng Trường mầm non Quỳnh Hồng cho biết: Để khắc phục tình hình mưa lũ, nhà trường huy động các giáo viên vệ sinh mặt sàn lớp học trước, sau khi nước rút sẽ vệ sinh sân trường, nỗ lực bằng mọi cách khử khuẩn thật tốt, đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19 và sau lũ.
Để đảm bảo cuộc sống người dân trong điều kiện dịch COVID-19 cũng như sau mưa lũ, theo ông Nguyễn Đình Dùng, Chủ tịch HĐND xã Quỳnh Lâm, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An, sau khi nước rút chính quyền địa phương dồn lực để giúp người dân sớm ổn định sản xuất.
Nhằm chủ động ứng phó, ngay từ đầu mùa mưa bão năm 2021, UBND tỉnh Cà Mau đã ban hành lệnh xây dựng công trình khẩn cấp thực hiện các công trình, dự án xử lý sạt lở khẩn cấp đê biển Tây.
Đối với thực trạng sạt lở đê tại tỉnh Cà Mau, Phó Hạt trưởng Hạt đê điều tỉnh Cà Mau Bùi Quốc Nam cho biết, ngoài công việc chuyên môn thì thì trong mùa mưa bão, đơn vị kết hợp với lực lượng quản lý đê và người dân liên tục đi tuần tra những điểm đê xung yếu, ngoài ra kết hợp với lực lượng Bộ đội Biên phòng trực phòng, chống dịch COVID -19.
Chi Cục phó Chi cục Thủy lợi tỉnh Cà Mau Nguyễn Thanh Tùng cho rằng, đơn vị đang đôn đốc các nhà thầu triển khai các giải pháp công trình bảo vệ bờ biển trong đó lưu ý tới việc vừa triển khai thi công nhưng cũng vừa đảm bảo nguyên tắc phòng, chống dịch COVID-19 theo phương châm 5K với mục đích tập trung nguồn lực bảo vệ an toàn tuyến đê biển trong thời điểm này và những năm tiếp theo.
Đề cập tới các giải pháp lâu dài, Phó Trưởng ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai, Tổng cục trưởng Tổng cục phòng, chống thiên tai Trần Quang Hoài nêu rõ, hiện Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với thách thức kép là “thiên tai-dịch bệnh“, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai tập trung triển khai đồng bộ, có hiệu lực, hiệu quả các chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với công tác phòng, chống thiên tai. Cùng với đó, nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, theo dõi, giám sát thiên tai bảo đảm kịp thời và độ tin cậy; ưu tiên đầu tư cho công tác nghiên cứu cơ bản về thiên tai, hệ thống dự báo khí tượng thủy văn, cơ sở dữ liệu, trang thiết bị theo dõi, giám sát thiên tai chuyên dùng và các cơ sở vật chất phục vụ công tác phòng, chống thiên tai; nâng cao vai trò, năng lực quản lý nhà nước trên cơ sở củng cố, kiện toàn lực lượng làm công tác phòng, chống thiên tai từ Trung ương đến cơ sở; phát triển khoa học công nghệ và thúc đẩy hợp tác quốc tế về phòng chống thiên tai.
Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai chỉ đạo trang bị công nghệ quan trắc, theo dõi, giám sát phục vụ chỉ đạo điều hành, ứng phó với thiên tai, đặc biệt đối với các loại thiên tai lớn, xảy ra trên diện rộng như bão, lũ, lũ quét, sạt lở đất, hạn hán, xâm nhập mặn; huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực cho công tác phòng, chống thiên tai; bố trí kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, nguồn vốn ODA và nguồn dự phòng ngân sách hàng năm để chủ động phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, trong đó ưu tiên xử lý dứt điểm các công trình khẩn cấp, xung yếu, khắc phục hậu quả thiên tai năm 2020. Đồng thời, rà soát lồng ghép công tác phòng, chống dịch COVID-19 vào phương án ứng phó thiên tai cho phù hợp; Ưu tiên tiêm vaccine phòng dịch cho lực lượng làm công tác phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cũng như người dân ở những nơi nguy cơ cao, khu vực cách ly có ca mắc COVID-19; chuẩn bị những vật dụng cần thiết trong trường hợp phải đi sơ tán; chấp hành đầy đủ khuyến cáo 5K của ngành y tế lúc đi chuyển về nơi sơ tán; chủ động cài đặt ứng dụng Bluezone; báo ngay cho cán bộ hướng dẫn, quản lý nếu xảy ra tình trạng ho, sốt, mất vị giác; rửa tay bằng xà phòng trước khi đi và đến địa điểm sơ tán, chỉ được rời khỏi nơi sơ tán khi được phép... chung tay để xây dựng một Việt Nam an toàn hơn trước thiên tai và dịch COVID-19.
Theo TTXVN