Tăng cường chăm lo để trẻ em phát triển toàn diện
Theo đó, tiếp tục duy trì mô hình “Ngăn ngừa giảm thiểu tác hại của bạo lực trên cơ sở giới” tại huyện Chợ Mới, An Phú, Tri Tôn, Tịnh Biên, nhằm hạn chế bạo lực xảy ra; giúp mọi người dân nâng cao ý thức về bình đẳng giới, cùng xây dựng gia đình hạnh phúc, tiến bộ và bình đẳng. Trong năm 2022, nhân rộng thêm 9 địa chỉ tin cậy - nhà tạm lánh ở các xã nông thôn mới theo lộ trình tại huyện An Phú, Châu Thành, Châu Phú, Chợ Mới và TX. Tân Châu.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (cơ quan thường trực) phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh xây dựng mô hình câu lạc bộ gia đình hạnh phúc, bình đẳng và không có bạo lực. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch An Giang hướng dẫn xây dựng kế hoạch duy trì hoạt động và nhân rộng mô hình phòng, chống bạo lực gia đình; tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về hôn nhân - gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới; giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình...
Thường xuyên theo dõi, kiểm tra tình hình hoạt động duy trì mô hình phòng, chống bạo lực gia đình tại xã, phường, thị trấn. Duy trì tốt mô hình phòng, chống bạo lực gia đình tại địa phương, gồm 675 câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững, 597 nhóm phòng, chống bạo lực gia đình và 392 địa chỉ tin cậy cộng đồng.
Bên cạnh đó, tổ chức sinh hoạt lồng ghép nội dung vì sự tiến bộ và bình đẳng giới với tại câu lạc bộ, tổng số 1.061 cuộc,19.965 người tham dự. Năm 2022, toàn tỉnh thực hiện tuyên truyền 13 kỳ trên Báo An Giang (chuyên mục Gia đình) và 12 kỳ trên Đài Phát thanh - Truyền hình An Giang (chuyên mục Gia đình và cuộc sống); trên đài truyền thanh 323 tin, 89 bài, 16 chuyên mục, 4 câu chuyện truyền thanh; 5 lượt tuyên truyền lưu động, góp phần nâng cao ý thức toàn xã hội trong công tác vì sự tiến bộ của phụ nữ, bình đẳng giới.
Ban Thường vụ Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh An Giang chỉ đạo hội cơ sở đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; tổ chức 18 cuộc tuyên truyền, vận động người dân tham gia xây dựng nông thôn mới, thu hút trên 900 hộ gia đình hội viên, phụ nữ tham gia; tổ chức 22 điểm truyền thông kiến thức và kỹ năng phòng, chống xâm hại trẻ em và phòng, chống bạo lực gia đình, có 1.110 lượt hội viên, phụ nữ tham dự; tổ chức 138 cuộc tuyên truyền tại cộng đồng, lồng ghép trong buổi sinh hoạt tổ, nhóm, câu lạc bộ... thu hút trên 4.140 người tham dự.
Cụ thể, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh An Giang truyền thông nội dung về kiến thức, kỹ năng phòng, chống xâm hại phụ nữ, trẻ em và phòng, chống bạo lực gia đình; tư vấn kỹ năng làm cha mẹ; kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em, bạo lực học đường, đặc biệt là bảo vệ trẻ trước các nguy cơ xâm hại; thông tin rộng rãi Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em với đầu số 111, góp phần xây dựng môi trường an toàn cho phụ nữ và trẻ em, nâng cao ý thức của hội viên, phụ nữ trong phòng, chống tội phạm mua bán người, xâm hại trẻ em và tệ nạn xã hội...
Ngoài ra, Hội Phụ nữ cơ sở củng cố, duy trì hoạt động 272 địa chỉ tin cậy ở cộng đồng tại 138 xã trong tỉnh; tuyên truyền đường dây nóng bảo vệ trẻ em thông qua Tổng đài “111”. Trung tâm Công tác Xã hội - Quỹ bảo trợ trẻ em tỉnh kết nối đường dây nóng, thực hiện mô hình cung cấp dịch vụ bình đẳng giới, mua bán phụ nữ và phòng, chống bạo lực gia đình, như: Nói chuyện chuyên đề, tọa đàm về bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị, việc làm và gia đình cho cán bộ nhà tạm lánh, cho cộng tác viên và tham vấn, tư vấn...
HỮU HUYNH