Phụ nữ với nhiều mô hình thiết thực, hiệu quả

21/08/2020 - 04:39

 - Cùng với việc tập hợp hội viên tham gia các phong trào thi đua, phát huy tính năng động, sáng tạo của phụ nữ, nhiều chị em ở các địa phương đã và đang có nhiều hành động thiết thực mang lại lợi ích cho gia đình, cộng đồng.

Sản xuất rau an toàn

Công đoàn cơ sở (CĐCS) Đài Truyền thanh huyện Chợ Mới (An Giang) cùng Tổ vì sự tiến bộ phụ nữ của đơn vị đã tổ chức ra mắt mô hình “Phụ nữ sản xuất rau an toàn”, với 15 thành viên. Theo đó, mô hình được xây dựng với mục tiêu chính là tuyên truyền, vận động chị em cán bộ, hội viên phụ nữ, tạo thói quen sản xuất các loại nông sản an toàn tại hộ gia đình, góp phần nâng cao chất lượng bữa ăn, cải thiện cuộc sống gia đình.

Khi triển khai mô hình, các thành viên trong tổ sẽ gieo trồng các loại rau ăn lá, theo hướng an toàn, không sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Đợt thu hoạch rau đầu tiên, sẽ gieo trồng cải xà lách xoong Nhật trong 50 thùng xốp cũ (tận dụng thùng xốp đã qua sử dụng), với diện tích tương ứng là 25m2. Xà lách xoong Nhật là loại rau dễ trồng, phát triển nhanh nên chỉ sau 2 tuần gieo sạ, đến tuần thứ 3 đã cho thu hoạch, sản lượng 10kg/tuần.

Hành động xách giỏ nhựa đi chợ thay vì sử dụng túi ny-lon, chị em phụ nữ ở các địa phương đã góp phần bảo vệ môi trường

Tuy là thùng xốp cũ, nhưng vẫn sẽ được tiếp tục tái sử dụng trong vòng 6-12 tháng. Kinh phí thực hiện ban đầu khoảng 4 triệu đồng do Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện và CĐCS Đài Truyền thanh huyện hỗ trợ. Đặc biệt, mô hình hoạt động trên nguyên tắc lợi nhuận thu được dùng để tái sản xuất và phục vụ cho hoạt động xã hội - từ thiện trên địa bàn huyện Chợ Mới.

Theo chị Nguyễn Thị Kiều Tiên (thành viên Tổ vì sự tiến bộ phụ nữ), mô hình tuy mới ra mắt trong thời gian gần đây và thu hoạch được 2 đợt nhưng các thành viên ai nấy đều vui vì tạo được sản phẩm rau an toàn phục vụ người tiêu dùng. “Khi bắt đầu triển khai thực hiện mô hình, mục đích mong muốn là mỗi chị em thành viên cũng như ở mỗi gia đình đều có 1 vườn rau sạch cho riêng mình. Lúc đó, vừa có rau sạch để sử dụng, vừa có điều kiện để con cháu trong nhà được tham gia trồng, chăm sóc. Như vậy sẽ rèn luyện được cho các con biết yêu lao động, sử dụng rau do chính tay mình trồng”- chị Tiên chia sẻ.

Nhiều việc làm ý nghĩa

Hành động “Xách giỏ đi chợ” đã trở thành công việc quen thuộc của nhiều chị em phụ nữ ở các địa phương. Công việc tuy nhỏ nhưng sẽ đóng góp rất tích cực trong việc nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người dân, ý nghĩa của hành động “Xách giỏ đi chợ” mang lại cho cộng đồng những tác động không hề nhỏ.

Trước đây, mọi người hầu như đã quá quen thuộc với tính tiện dụng của túi ny-lon trong cuộc sống hàng ngày, từ đi chợ, mua thức ăn, đựng trái cây... Nhưng chính túi ny-lon là tác nhân gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, bởi rất khó phân hủy trong điều kiện tự nhiên, đó là chưa kể đến việc ảnh hưởng sức khỏe nếu sử dụng đựng thức ăn nóng, không hợp vệ sinh.

Sản xuất rau an toàn gây quỹ cho các hoạt động từ thiện xã hội ở địa phương

Thấy được tác hại đó, nhưng để thay đổi ý thức đã ăn sâu vào tiềm thức của chị em không phải là chuyện “ngày một, ngày hai”. Lúc này, nhờ các chi hội phụ nữ ở các khóm, ấp tăng cường tuyên truyền, lồng ghép tác hại của túi ny-lon trong các buổi sinh hoạt giúp chị em hiểu thêm về những tác hại của túi ny-lon đến môi trường và sức khỏe con người.

Điển hình như Hội Phụ nữ xã Long Điền B (Chợ Mới) vừa lồng ghép tổ chức sinh hoạt câu lạc bộ “không sinh con thứ 3”, vừa tuyên truyền cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” tại ấp Long Phú 2. Qua đó, Hội Phụ nữ đã tiếp tục tuyên truyền, nhân rộng mô hình “Sử dụng giỏ xách đi chợ thay túi ny-lon”, nâng cao ý thức của chị em hội viên, góp phần cùng người dân địa phương hạn chế ô nhiễm môi trường, xây dựng cảnh quan nông thôn mới ngày càng sạch, đẹp.

Từ hiệu quả thực tế, mô hình “Phụ nữ nói không với túi ny-lon” được ra đời ở nhiều địa phương trong tỉnh với hình thức khác nhau, nhưng đều mang 1 thông điệp chung là hạn chế sử dụng túi ny-lon, rác thải nhựa đến mức thấp nhất. Ban đầu, mỗi chị được tặng 1 giỏ xách nhựa để đi chợ và vận động nếu có điều kiện thì trang bị thêm hộp nhựa đựng các loại thịt, cá hoặc cà-men đựng thức ăn nóng… Nghe tuyên truyền nhiều về những tác hại túi ny-lon trong ảnh hưởng đến sức khỏe và môi trường, chị em không chỉ tích cực sử dụng giỏ nhựa, mà còn gợi ý tiểu thương gói sản phẩm nhỏ bằng lá chuối, lá lục bình, lá sen...

Sau khi tham gia vào các tổ “Phụ nữ nói không với túi ny-lon”, nhiều chị em đều tự tính được rằng, mỗi ngày chỉ cần hạn chế sử dụng 2-3 túi ny-lon, mỗi gia đình trong vòng 1 năm đã hạn chế sử dụng được cả ngàn túi ny-lon, góp phần rất lớn trong việc cùng với cộng đồng bảo vệ môi trường.

ÁNH NGUYÊN