Sức sống mới từ KM140
Cây khoai mì vốn không xa lạ với nông dân huyện Tịnh Biên khi hơn 10 năm trước, địa phương đã phát động trồng nhiều để cung cấp nguyên liệu cho Nhà máy tinh bột mì Lương An Trà (Tri Tôn) hoạt động. Thế nhưng, sản phẩm của nhà máy này không có thị trường tiêu thụ, kéo theo sự bấp bênh của cây khoai mì. Từ đó, nông dân mất phương hướng canh tác, không có niềm tin vào cây khoai mì. Và câu chuyện chuyển đổi cuộc sống dường như xa vời hơn của những gia đình khó khăn.
Vẫn là cây khoai mì được gieo trồng trên những thửa đất khô cằn ở 2 xã An Cư và Văn Giáo lại có những đổi thay đến lạ kỳ. Đầu năm 2018, Tập đoàn Sao Mai tài trợ Đề án “Chuyển đổi cây trồng, vật nuôi”, trong đó rót vốn và bao tiêu sản phẩm khoai mì là mục đích của toàn bộ chương trình hành động. Ở giai đoạn I, Sao Mai tài trợ gần nửa tỷ đồng không hoàn lại cho 9 hộ dân tham gia trồng ứng dụng trên 17ha. Sau 9 tháng canh tác, “Cánh đồng mẫu lớn” KM140 đã cho thương vụ “đậm quả” khiến ai cũng nức lòng.
Niềm vui của người dân khi thu hoạch đạt năng suất và lợi nhuận cao từ “Mô hình liên kết sản xuất cây khoai mì” do Tập đoàn Sao Mai triển khai
“Tôi làm được 1ha, Sao Mai tài trợ cây giống, phân bón, thuốc và kỹ thuật chăm sóc. KM140 có năng suất cao, không kén đất. Giá Sao Mai thu mua tại ruộng 135.000 đồng/tạ (75kg), cao hơn giá thị trường 5.000 đồng nên lợi nhuận rất tốt”- ông Lê Dũng Tiến (ấp Vĩnh Thượng, xã An Cư) chia sẻ. Anh Huỳnh Ngọc Sơn (nông dân xã An Cư) nhận định, giống khoai mì mới này có bộ rễ phát triển mạnh, thân cây cao, khỏe. Ở 1 tháng tuổi, KM140 có chiều cao từ 20-30 cm, bình quân 3-4 nhánh/hom nên sản lượng thu hoạch cũng tốt hơn. Nhờ Tập đoàn Sao Mai tài trợ mà mùa này đạt năng suất và lợi nhuận cao, nông dân rất mừng.
Lợi nhuận cầm nắm được trên tay cũng đồng nghĩa với việc Sao Mai đã trao cho hộ nghèo Tịnh Biên niềm tin vào dự án KM140, vào đề tài nghiên cứu “Chuyển đổi cây trồng vật nuôi” trên vùng Bảy Núi. Chỉ là mô hình khảo nghiệm KM140 trên vùng đất khó, Sao Mai đã truyền cảm hứng sản xuất cho hàng ngàn hộ dân bằng cách giúp họ đổi mới tư duy trồng trọt. Đặc biệt là xây dựng mối liên kết chặt chẽ khi Sao Mai bao tiêu sản phẩm.
Giai đoạn II niên vụ 2019, mô hình KM140 có thêm nhiều nông dân tham gia với diện tích tăng trên 200ha, trải rộng qua 9 xã, thị trấn: An Cư, Văn Giáo, Tân Lợi, An Phú, thị trấn Nhà Bàng, Thới Sơn, An Hảo, An Nông và thị trấn Tịnh Biên. Hai năm tiếp theo, Sao Mai sẽ phát triển diện tích trồng khoai mì ở 2 huyện miền núi Tịnh Biên và Tri Tôn lên 5.000ha. Nếu tính bình quân 2ha/hộ, thì với số diện tích trên sẽ có khoảng 2.500 hộ đổi đời và thu hút hàng ngàn lao động khác có việc làm từ mô hình liên kết khoai mì. Thành công bước đầu cho thấy, đề án “Chuyển đổi cây trồng vật nuôi” trên vùng đất nghèo mà Sao Mai Group tài trợ đã phát tín hiệu tốt đẹp. Như vậy, chiến lược hình thành vùng nguyên liệu trù phú cho Nhà máy Chế biến thức ăn thủy sản (Sao Mai Super Feed) có thị trường tiêu thụ rất tốt đang có những bước tiến vững vàng.
Dự án hợp lòng dân
Nông dân huyện Tịnh Biên đang hối hả bắt tay vào vụ mùa KM140 tiếp theo. Điều này đã phần nào chứng minh cho cách làm đúng thể hiện tầm “nhìn xa trông rộng” của một tập đoàn kinh tế luôn biết nghĩ đến lợi ích của cộng đồng. Lãnh đạo Sao Mai chia sẻ: “Vừa rót vốn, vừa bao tiêu là cách làm của Sao Mai. Đầu vào - đầu ra kết nối chặt chẽ, đồng điệu là 1 thành công lớn. Sao Mai bảo lãnh thị trường, nông dân yên tâm sản xuất cho giỏi để khoai mì đạt năng suất cao”.
Chủ tịch UBND huyện Tịnh Biên Nguyễn Thành Huân cho biết, Sao Mai Group xắn tay triển khai nhiều dự án quan trọng tại địa phương đã làm thay đổi tư duy chuyển đổi cơ cấu sản xuất, tạo sự liên kết theo chuỗi giá trị bền vững. Đó là thành công lớn mà chỉ có Sao Mai mới làm được. Tập đoàn biết cách tạo động lực nuôi dưỡng và phủ xanh sức sống mới qua những công trình hàm dưỡng đạo đức và đậm tính nhân văn. Tất cả hoàn toàn phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và văn hóa sinh sống của người dân bản địa.
MINH QUÂN