Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 tới trung tâm y tế tại New York, Mỹ. Ảnh tư liệu: THX/TTXVN
Các nhà khoa học đã phát hiện chất trên có thể ngăn chặn virus SARS-CoV-2 tự sinh sôi, đồng thời có thể bảo vệ các tế bào bị nhiễm khi thử nghiệm trên các tế bào phổi của người. Dù nghiên cứu đang ở trong giai đoạn đầu, phát hiện trên đã mở ra cơ hội có một phương pháp điều trị mới cho bệnh nhân COVID-19. Chi tiết của phương pháp điều trị tiềm năng này đã được đăng trên tạp chí Biomaterials and Biosystems.
Phó Giáo sư Ahmed G. Ibrahim tại Viện Tim Smidt thuộc bệnh viện Cedars-Sinai, cũng là tác giả nghiên cứu trên, cho biết: "Chúng tôi đã rất bất ngờ khi phát hiện ra phương pháp điều trị tiềm năng này có thể ngăn chặn chuỗi phản ứng hóa sinh khi virus sinh sôi và bảo vệ các tế bào nhiễm bệnh".
Hiện có rất ít biện pháp điều trị cho bệnh nhân COVID-19 và các biện pháp này chủ yếu chỉ tập trung vào ngăn chặn virus nhân lên. Phương pháp điều trị tiềm năng mới nói trên vừa ngăn chặn virus sinh sôi vừa bảo vệ hoặc sửa chữa các tế bào nhiễm bệnh, điều rất quan trọng vì COVID-19 có thể gây ra các triệu chứng kéo dài sau khi nhiễm.
Phương pháp trị liệu mới trong nghiên cứu trên được các nhà khoa học tạo ra bằng cách sử dụng tế bào da người gọi là nguyên bào sợi da. Các nhà nghiên cứu đã tái cấu trúc các tế bào này để tạo thành các thể tiết ngoại bào (EV) trị liệu, đóng vai trò là hạt nano trong hệ thống thông tin giữa các tế bào và mô. Việc tái cấu trúc các nguyên bào sợi giúp tiết ra các EV, gọi là quá trình ASTEX, có khả năng chữa lành mô nhiễm bệnh.
Trong các thử nghiệm trước, các nhà nghiên cứu đã chứng tỏ rằng ASTEX có thể chữa lành các mô tim, phổi và tế bào cơ trên chuột thí nghiệm. Khi dịch COVID-19 bùng phát năm 2020, các nhà nghiên cứu đã chuyển hướng sang tìm hiểu xem liệu ASTEX có thể dùng trong điều trị chống SARS-CoV-2 hay không. Họ đã phát hiện rằng ASTEX giúp ngăn xảy ra quá trình viêm nhiễm ở tế bào vốn sẽ khiến tế bào chết đi. Bên cạnh đó, tế bào được xử lý bằng ASTEX cũng làm giảm sản sinh lượng protein gọi là ACE mà virus có thể sử dụng để tấn công các tế bào. Sau đó, nhóm nghiên cứu so sánh phương pháp này với cách điều trị bằng thuốc kháng virus Remdesivir và phát hiện rằng thuốc này không ngăn quá trình sản sinh ACE. Thay vào đó, Remdesivir ngăn virus bám vào protein ACE2. Trong khi đó, ASTEX có thể tạo ra cách khác để ngăn virus xâm nhập tế bào.
Ông Ibrahim cho biết: "Virus không có cơ chế riêng để xâm nhập tế bào, mà phải sử dụng các protein. Chúng tôi tin rằng việc tấn công các protein ACE là một cách để ngăn SARS-CoV-2 xâm nhập tế bào, tấn công thông tin di truyền của tế bào và sinh sôi trong cơ thể".
Một đồng tác giả nghiên cứu trên, Phó Giáo sư Eduardo Marbán, giám đốc điều hành Viện tim Smidt, cho biết: "Phương pháp điều trị sinh học tiềm năng này mới ở hai điểm: bảo vệ các tế bào nhiễm bệnh, điều mà thuốc Remdesivir không làm được, và ngăn virus sinh sôi".
Theo BÍCH LIÊN (TTXVN)