Qua đại dịch, mọi người sống nhân ái hơn!

31/08/2021 - 04:26

 - Những ngày cả nước "căng mình" chống dịch COVID-19, đã có rất nhiều câu chuyện đẹp về tình người, truyền thống “Lá lành đùm lá rách” của dân tộc Việt Nam. Và có lẽ, nhiều người trong chúng ta cũng cảm nhận cuộc sống này một cách tích cực, nhân ái hơn.

“Ra lấy rau ăn chủ nhà ơi!”. Tiếng gọi của một chiến sĩ dân quân tự vệ xã Mỹ Đức (huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) làm tôi giật mình. Bước ra sân, thấy anh đứng đó, tay vẫy vẫy mớ rau đưa qua hàng rào. Mớ cải ngọt còn tươi, vài lá ngò rí, mấy cọng hành được bó lại gọn gàng. Tay nhanh nhẹn đưa rau, miệng “chiến sĩ sao vuông” ấy vẫn không quên nhắc: “Bà con hạn chế ra khỏi nhà. Khi nào có rau thì anh em đem tới nữa. Tinh thần là ưu tiên hộ khó khăn, mà hộ không khó khăn cũng… tặng luôn!”. 

Cầm trên tay bó rau, bất chợt tôi nhớ đến hình ảnh của những chiến sĩ quân đội, công an, tình nguyện viên đến từng ngõ, gõ cửa từng nhà, trao từng ký gạo, từng bó rau để người dân tạm vơi bớt khó khăn trong những ngày giãn cách xã hội. Ngẫm lại, tôi thấy quý mớ rau ấy vô cùng. Có lẽ, với cuộc sống trước đây sẽ không mất nhiều tiền để mua được số rau này. Nhưng thời điểm giãn cách xã hội, muốn có ít rau tươi cũng là điều khó khăn. Mà quý hơn, chính là cái cách mà những người chiến sĩ ấy mang đến cho mình. Bởi nó thể hiện sự quan tâm nhau của người Việt Nam trong những lúc khó khăn, bí bách.

Nhân dân An Giang hỗ trợ TP. Hồ Chí Minh chống dịch

Không chỉ riêng xã Mỹ Đức, nhiều địa phương trong tỉnh tích cực thực hiện công tác an sinh xã hội, hỗ trợ hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn trước ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Tại thị trấn Tịnh Biên (huyện Tịnh Biên), từ đầu tháng 7-2021 đến nay, Đảng ủy, UBND, UBMTTQVN thị trấn đã vận động các nhà hảo tâm đều đặn thực hiện 18 “Chuyến xe 0 đồng” với 2.392 phần quà, tổng trị giá khoảng 664 triệu đồng, để mang lương thực, nhu yếu phẩm đến với gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ khó khăn trong thời gian áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Phó Bí thư Đảng ủy thị trấn Tịnh Biên Trịnh Tấn Lực cho hay: “Biết bà con gặp nhiều khó khăn, chúng tôi cố gắng vận động, kết nối nguồn lực hỗ trợ. Tinh thần lúc này là giúp được càng nhiều người càng tốt. Cuộc sống của những hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn trước đây vốn đã vất vả, nay dịch bệnh phức tạp thì còn khó khăn gấp bội. Với họ, một mớ rau, một nắm gạo thời điểm này cũng là niềm vui. Thương nhất là các cụ già, người ốm đau, bệnh tật, họ nhận quà mà cứ cảm ơn rối rít với tất cả sự chân thành. Đó là niềm vui, là động lực để anh em cán bộ thị trấn không ngại vất vả, sẵn sàng chấp nhận nguy hiểm (bởi nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh) để chăm lo cho những hoàn cảnh khó khăn hơn mình”.

Bạn Lê Thị Kim Sa (Bí thư Xã đoàn Nhơn Hưng, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang) sẵn sàng xông vào khó khăn, tích cực tham gia công tác phòng, chống dịch COVID-19 và các hoạt động an sinh xã hội tại địa phương. Kim Sa chia sẻ rằng, bản thân tham gia công tác phòng, chống dịch và những hoạt động an sinh xã hội một phần xuất phát từ tinh thần trách nhiệm, nhưng chủ yếu vẫn là sự đồng cảm, mong muốn san sẻ khó khăn với những người vất vả hơn mình.

“Sự mừng rỡ của bà con khiến mình xúc động! Với họ, thùng mì gói có thể dành ăn sáng đôi mươi ngày. Trái cà, trái bí cũng xong bữa cơm. Bà con chắt chiu từng món quà mình mang đến khiến chúng tôi cảm thấy ấm lòng. Đúng thật, “cách nhận” quý hơn “của nhận”! Thời điểm này, hầu hết mọi người đều khó khăn, nhưng quan trọng là sự tử tế dành cho nhau. Những bạn trẻ tham gia hoạt động an sinh xã hội đều vì sự đồng cảm với những hoàn cảnh khó khăn, bởi chúng tôi biết có nhiều người rất cần sự giúp đỡ của mình” - Lê Thị Kim Sa chia sẻ.

Không chỉ hỗ trợ người dân trong tỉnh, các cấp, ngành và cả những người nông dân An Giang cũng góp công, góp của để cùng cả nước chống chọi đại dịch. Theo đó, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang cùng đoàn công tác tỉnh An Giang trao tặng 200 tấn gạo, 140 tấn rau, củ, quả cùng các nhu yếu phẩm với tổng trị giá trên 4 tỷ đồng, cho người dân TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương và Đồng Nai gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, trong thời điểm đầu tháng 8-2021.

Cùng với đó, UBMTTQVN tỉnh đã phối hợp với Hội Nông dân tỉnh vận động, tiếp nhận hơn 30 tấn rau, củ, quả, nhu yếu phẩm… tổng trị giá trên 150 triệu đồng từ nông dân, các nhà hảo tâm để mang đến thành phố mang tên Bác. Đó là tấm lòng của người An Giang dành cho đồng bào đang gặp khó khăn, thiếu thốn!

Trong cơn đại dịch mới thấy truyền thống “Tương thân tương ái” vẫn luôn tồn tại trong tâm hồn người Việt Nam. Truyền thống ấy sẽ được đánh thức và thể hiện mạnh mẽ khi đứng trước khó khăn, thử thách. Trong cuộc chiến chống “giặc dịch”, tất cả chúng ta học cách thích ứng với những biến động của cuộc sống, và sống đơn giản hơn. Chúng ta hiểu rõ ý nghĩa của việc nhường cơm sẻ áo, đồng cảm với những người khó khăn, vất vả hơn mình. Và quan trọng hơn hết, mỗi người đã học được cách sống nhân ái hơn!

THANH TIẾN