Qua phố chăn vịt

24/03/2024 - 10:09

 - Đang là phố thị nhà cao cửa rộng, đi vòng ra sau đường Tây An – Bờ Hồ (phường Mỹ Thới, TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang), lại là những khoảnh ruộng nhỏ. Mà hễ ở đâu có ruộng, thì người chăn vịt chạy đồng sẽ tìm tới. Vậy nên mới có câu chuyện “qua phố chăn vịt” này.

Lúa vàng vừa được mang đi khỏi ruộng, là lũ vịt bắt đầu chuỗi ngày tràn vào đồng. Người chăn vịt bận rộn cắm lưới, rong ruổi theo chúng từ đồng gần đến đồng xa.

Bầy vịt thỏa sức tung tăng trên đê, dưới ruộng, chẳng cần tìm vì thức ăn trải đầy trước mắt. Ăn chán chê thì chúng rủ nhau bơi lội, ngụp lặn trong dòng nước mát.

Trông chúng rất mất trật tự, nhưng thật ra lại “quy củ” vô cùng. Theo sự điều khiển của người chăn vịt, chúng tập trung “lùng sục” ở mảnh ruộng này, đến khi nguồn thức ăn cạn kiệt thì mới chuyển qua mảnh ruộng khác. Hoàn toàn không có chuyện tự ý tách bầy, muốn đi đâu thì đi.

Nghề chăn vịt bao đời nay vẫn thế, luôn gắn bó với nắng gió, với mùi hăng hắc của đồng ruộng, với sự kiên nhẫn cao độ, với những giây phút dài chờ đợi.

 

Là những giờ phút cực khổ, lặp đi lặp lại nhiều lần trong ngày mấy đầu công việc quen thuộc: Mang vật dụng từ trại ra đồng, từ đồng về trại; gỡ lưới đồng này, cuốn lại, chuyển qua đồng khác cắm xuống…

 

Cậu bé Sóc (12 tuổi) đang học ở TP. Long Xuyên, nhưng ngày cuối tuần lại đội nón, khoác áo dài tay ra đồng chăn vịt. Cậu bé cứ lẽo đẽo theo chân bầy vịt, đi “lượm mót” mấy cái trứng chúng đẻ rơi rớt trong bụi chuối, trên đê. “Lùa vịt về trại coi bộ dễ hơn lùa đi ăn. Tụi nó cứ lạng chỗ này chỗ kia tùm lum hết, mệt lắm” – Sóc kể.

Thông thường, vịt đẻ sau nửa đêm, từ 1-2 giờ kéo dài đến sáng. Với những bầy vịt đông, chuyện thu hoạch 1.000 – 2.000 trứng/đêm là bình thường. Với giá 2.100 – 2.200 đồng/trứng, chủ vịt nhận được thu nhập đáng kể.

Ông Năm Trúc (áo xanh lá cây) cùng “đồng nghiệp” đang giữ bầy vịt 7.000 con của ông Ba Đạt (xã Hòa An, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang). Cứ đến mùa chạy đồng, họ và bầy vịt rong ruổi khắp cánh đồng xa gần, mỗi chuyến từ 2 – 5 tháng trời mới trở về quê. Tuy cực, nhưng họ gắn bó với nghề, trở thành nghiệp không thể buông bỏ.

16 giờ 30 phút, họ bận rộn lùa bầy vịt về trại, cách đó chừng 10 phút… vịt bơi. Họ tới lui cánh đồng Long Xuyên này cả chục ngày nay, nên việc đi về trở nên quen thuộc. Vài hôm nữa, khi những cánh đồng được sạ xong, họ lại “nhổ trại”, trở về quê, chờ mùa chạy đồng kế tiếp.

 

Chiếc xuồng nhỏ chứa đầy đủ dụng cụ “hành nghề” của người chăn vịt, là phương tiện đi lại thuận tiện nhất ở cánh đồng, cũng là cách hiệu quả nhất lùa bầy vịt về đúng nơi cần về.

 

Chị Sáu Trang (40 tuổi, ngụ huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp) có bầy vịt hơn 2.000 con. Nhưng xong mùa chạy đồng, chị bán hết vịt, chứ không rộng lại. Thay vào đó, chị chuyển sang làm thuê cho chủ vịt khác. Ban ngày, khi đàn ông đi chăn vịt, chị ở lại giữ trại, lo cơm nước. Đến giờ vịt về, chị trông coi, cho chúng ăn.

Bầy vịt đông, đi đến đâu cũng ồn ã, um sùm. Tới giờ chúng về trại, người đi đường có khi phải chịu khó chờ chúng di chuyển. Ai không muốn chờ thì cứ thủng thẳng chạy cắt ngang đường đi của bầy vịt.

 

Cô bé Diệu Hiền bước vào tuổi thứ 3. Sống ở nơi nửa chợ nửa đồng của phường Mỹ Thới, bé đặc biệt thích xem bầy vịt nhốn nháo. Chiều chiều, bé nằng nặc đòi người lớn đưa ra đồng, chăm chú xem vịt, đến khi trời tắt nắng, hoặc mỏi mệt quá mới chịu về nhà.

Dù đồng xa hay đồng gần trong nội ô thành phố, dù mùa khô, mùa nước, dù cuộc sống có thay đổi thế nào, thì vẫn sẽ còn hình ảnh vịt chạy đồng. Người kiên nhẫn đi theo vịt, vịt tin tưởng đi cùng người, bám lấy nhau mà sống, mà viết nên câu chuyện dung dị miền quê.

GIA KHÁNH