Quan Đế miếu Châu Đốc và dấu ấn 170 năm tồn tại

07/06/2021 - 05:16

 - Được xem là trung tâm tín ngưỡng của người Hoa ở TP. Châu Đốc (tỉnh An Giang), Quan Đế miếu mang giá trị văn hóa và tâm linh đặc sắc. Hơn 170 năm hình thành và phát triển, ngôi miếu này vẫn lưu giữ được vẻ đẹp nguyên bản trong kiến trúc, thể hiện tính đa dạng về văn hóa của vùng đất Châu Đốc xưa và nay.

Lẫn trong cái vẻ ồn ào, náo nhiệt của chợ Châu Đốc là ngôi Quan Đế miếu trầm mặc, ưu tư. Người dân Châu Đốc quen gọi ngôi miếu bằng danh từ rất gần gũi: chùa Ông. Bởi vẻ đẹp kiến trúc của mình, Quan Đế miếu thu hút khách thập phương đến tham quan, cúng viếng, chứ không chỉ là nơi dành cho cộng đồng người Hoa ở TP. Châu Đốc.

Gặp gỡ các thành viên trong Hội tương tế người Hoa TP. Châu Đốc, tôi được tiếp cận một cách chi tiết hơn về lịch sử và quá trình phát triển của Quan Đế miếu. Ông La Việt (Chủ tịch Hội Tương tế người Hoa TP. Châu Đốc) nhớ lại: “Đến giờ, vẫn chưa thể khẳng định chính xác thời điểm Quan Đế miếu hình thành. Mốc thời gian hơn 170 năm chỉ là con số tương đối, bởi chúng tôi vẫn lưu giữ được 1 chiếc chuông cổ có ghi niên đại để tính thời gian thành lập miếu. Thực tế, miếu có thể tồn tại lâu hơn tuổi của chiếc chuông này. Tuy nhiên, với ngần ấy thời gian gắn bó cùng cộng đồng người Hoa ở Châu Đốc cũng cho thấy được giá trị văn hóa, tín ngưỡng to lớn của ngôi miếu này”.

Trước chánh điện là không gian “giếng trời” khá thoáng đãng

Về tổng thể, Quan Đế miếu có hình chữ “quốc” với chánh điện được trang trí lộng lẫy là nơi thờ Quan Công (Quan Thánh Đế Quân), Phước Đức Chánh Thần, Thiên Hậu Thánh Mẫu… Điểm đặc biệt trong kiến trúc của Quan Đế miếu chính là “giếng trời” phía trước chánh điện. Đây là khu vực được cho là dùng để tạo không gian thoáng đãng, lấy ánh sáng và tản bớt khói hương. Tuy nhiên, vẫn có một lý giải về tư duy tín ngưỡng cho rằng đó là để “tạo đường” cho Quan Đế Thánh Quân giáng thế phù hộ chúng sinh.

Ông Thái Vĩ Minh (thành viên Hội Tương tế người Hoa TP. Châu Đốc) cho hay: “Điểm chung trong kiến trúc của Quan Đế miếu ở các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam là đều có mặt hướng ra sông. Chưa thể khẳng định về yếu tố phong thủy trong lối xây dựng này, tuy nhiên có thể lý giải, vì ngày trước đường bộ chưa phát triển nên đường thủy rất thông dụng. Do đó, việc Quan Đế miếu hướng mặt về phía sông khá phù hợp với thời điểm lịch sử hàng trăm năm trước”.

Lối vào Quan Đế miếu Châu Đốc

Bước vào Quan Đế miếu, ấn tượng đầu tiên chính là không khí cổ kính, trầm mặc và linh thiêng với khói hương nghi ngút. Trang trọng giữa chánh điện là bàn thờ Quan Công cùng 2 tùy tướng Quan Bình và Châu Xương. Trước bàn thờ Quan Công là đôi câu đối “Đào viên kết bái thiên thu tụng/Trung nghĩa càn khôn vạn cổ dương” thể hiện sự trung cang, nghĩa khí của nhân vật huyền sử này.

Theo ông Thái Vĩ Minh, nếu không tính những pho tượng gỗ thời hiện đại thì Quan Đế miếu Châu Đốc là nơi sở hữu tượng gỗ Quan Công được xếp vào hàng lớn nhất các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam. Trong tín ngưỡng của người Hoa, Quan Công đại diện cho nghĩa khí, chính trực, do đó họ luôn dành cho ông sự tôn kính rất lớn. Không chỉ ở Quan Đế miếu, Quan Công còn được người Hoa phụng thờ trong nhà với mong muốn mang đến sự bình an cho gia đạo.

Kiến trúc Quan Đế miếu mang đậm tính văn hóa của người Hoa

Ngoài các hoạt động tín ngưỡng tâm linh, Quan Đế miếu còn là nơi hội họp, bàn bạc các công việc quan trọng của “bổn phố” người Hoa tại Châu Đốc. Hội Tương tế người Hoa cũng quan tâm chăm lo, hỗ trợ cho thế hệ trẻ được tiếp cận các nguồn học bổng để có điều kiện xây dựng tương lai. Theo ông La Việt, học bổng dành cho con em người Hoa đã được thực hiện mấy chục năm qua, góp phần đào tạo tri thức trẻ cho cộng đồng, cũng như đóng góp vào sự phát triển chung của quê hương.

“Với giá trị văn hóa và tín ngưỡng to lớn, Quan Đế miếu là niềm tự hào của cộng đồng người Hoa ở Châu Đốc. Không chỉ người Hoa mà bà con người Kinh cũng hay đến đây cầu nguyện sự phù hộ của Quan Công trong cuộc sống. Do đó, chúng tôi luôn đề cao tình đoàn kết giữa các dân tộc, cũng như cố gắng giữ gìn, bảo quản ngôi miếu qua nhiều thế hệ để giáo dục cho cháu con về lòng nhân ái, tính chính nghĩa, sẵn sàng đóng góp công sức của mình để xây dựng quê hương Châu Đốc ngày càng phát triển!” - ông La Việt khẳng định.

MINH QUÂN