Quán di động mùa lũ

04/10/2024 - 07:46

 - Mờ sáng, những chiếc xuồng cui chầm chậm rẻ nước phù sa chở đủ loại “đồ ăn, thức uống” rong ruổi quanh chợ nổi, phục vụ khách thương hồ. Quanh năm, họ lấy xuồng làm phương tiện, bến chợ mưu sinh bồng bềnh theo sóng nước.

Tròng trành trên dòng sông sâu

Ông Tám Lành ở cồn Phó Ba (xã Mỹ Hòa Hưng, TP. Long Xuyên) nổ chiếc máy dầu dong ghe tam bản đưa chúng tôi tròng trành theo con nước. Mùa này, lũ lên mạnh, dòng sông Hậu chảy xiết, ghe xuồng chạy ngược nước với tốc độ rất chậm. Ghe vừa tới chợ nổi, Tám Lành giảm ga cặp lại khu vực thương buôn miệt dưới đang trao đổi mua dừa, dưa hấu rôm rả. Gặp chúng tôi, vợ chồng chị Thu (56 tuổi, chủ ghe quán di động) xởi lởi mời mọi người ăn sáng. Quán di động của chị Thu chất đủ thứ đồ như hàng quán bán thức ăn trên bờ. “Quán của tôi bán bún suông, mì gói, hủ tíu… Giá bình dân, chú em tham quan chợ nổi nhớ ủng hộ 1 tô bún mở hàng buổi sáng…” - chị Thu mời nhiệt tình.

Nhanh tay trụng tô mì gói bán cho khách, chị Thu nhớ lại một thời làm ăn hưng thịnh trên sông. Đến nay, chị đã hơn 40 năm sống bằng nghề bán bún trên dòng sông Hậu. Ngày trước, tuy cuộc sống khó khăn, nhưng việc buôn bán của chị gặp thuận lợi do ghe xuồng neo đậu tấp nập. “Mỗi buổi sáng, tôi bán vài trăm tô bún. Hồi đó, mỗi tô bún giá 2.000 - 3.000 đồng, hàng ngày tôi kiếm lời cả trăm ngàn đồng. Nhờ buôn bán thức ăn trên sông, tôi dành dụm mua chiếc xuồng lớn hơn và gắn máy đuôi tôm chạy an toàn trên sông”- chị Thu bày tỏ.

Cuộc sống ngày càng phát triển, đường sá thông thương, nhiều thương hồ có điều kiện đã bán ghe lên bờ chở hàng hóa bằng xe cộ. Từ dạo đó, chợ nổi thưa dần theo năm tháng, kéo theo việc bán thức ăn sáng chậm lại. Nhiều người bỏ nghề này chuyển sang tìm việc khác mưu sinh. Hiện nay, chỉ còn khoảng 6 xuồng hoạt động bán nước giải khát, thức ăn tại chợ nổi. “Vợ chồng tôi quen sông nước, cố gắng bám nghề này. Chừng nào, chợ nổi không còn thương hồ tới thì tôi lên bờ tìm việc khác” - chị Thu tâm sự. Hiện nay, chị Thu bán thức ăn mỗi ngày 2 buổi. Buổi sáng, vợ chồng chị phục vụ món bún nước suông, buổi chiều, bán món nhậu cho thương hồ.

Ngày cuối tuần, du khách tham quan chợ nổi ăn sáng trên sông

Nhờ nhanh nhạy trong buôn bán mà chị Thu có thu nhập khá hơn so với “bạn cùng nghề”. “Thường mấy ông thương hồ miệt dưới chạy ghe chở hàng neo đậu lại trên sông Hậu, vào lúc xế chiều lại cần mồi nhậu giải sầu. Nhờ vậy, tôi bán đồ ăn rất đắt” - chị Thu trần tình. Mỗi buổi sáng, vợ chồng chị Thu bơi xuồng rề rà theo các chiếc ghe chành chở hàng nông sản bán khoảng 200 tô bún, kiếm lời hơn 200.000 đồng. Riêng buổi chiều, chị bán đồ nhậu, kiếm lời ngót nghét 300.000 đồng.

Mong ước đổi đời

Nắng lên cao, dòng nước ngầu đục hiện rõ, tôi vốc ngụm nước rửa mặt để cảm nhận được sự mát lành của dòng sông mẹ trong mùa lũ. Dòng sông rất đỗi dung dị, có những lúc hiền hòa, rồi cuộn chảy, là điểm tựa cho biết bao phận đời mưu sinh theo con nước. Ông Tám Lành tiếp tục đưa tôi đến nhóm ghe chành đang phân phối hàng cho mối lái thôn quê, gặp chúng tôi, chị Vàng (47 tuổi) đậu lại chiếc xuồng cui chất đủ đồ nghề, nào là ly cối, muỗng, đường, nước giải khát. Thương hồ ví von, chị Vàng mang quán di động giải khát khắp chợ nổi này. Nhờ vậy, họ khỏi gọi đò lên bờ ngồi quán xa xôi, mất thời gian.

Những chiếc ly cối từ cái thời tôi còn đôi mươi từng sử dụng uống trà đá vẫn còn thấy trên quán di động của chị Vàng. Thấy chúng tôi ngạc nhiên, chị Vàng cười khúc khích: “Lố ly này đã gắn bó với tôi 30 năm”. Đó cũng là ngần ấy thời gian chị Vàng mưu sinh bằng nghề bán quán di động trên sông nước. Ngày nào cũng vậy, tờ mờ sáng, chị chuẩn bị “đồ nghề” dong xuồng tam bản đến chợ nổi bán nước giải khát cho thương hồ để mong có thu nhập ổn định. “3 giờ sáng, tôi dậy sớm lái chiếc xuồng chầm chậm ghé qua từng chiếc ghe chở hàng miệt dưới phục vụ ly cà-phê cho thương hồ và du khách tham quan chợ nổi. Quán của tôi phục vụ đủ loại nước giải khát, như: Nước ngọt, trà đường, bò cụng…, giá cả bình dân như hàng quán trên bờ” - chị Vàng tâm sự.

Nhớ về thời vàng son của nghề bán quán trên sông, chị Vàng kể, dạo trước, mỗi ngày, chị cùng mẹ bơi xuồng dạo quanh khu chợ nổi bán hàng trăm ly nước giải khát. Thời đó, bán buôn rất đắt, khách gọi nườm nượp, nhiều khi pha chế không kịp tay, thương hồ giận hờn vì chậm trễ. Mỗi khi nhắc về mùa lũ, chị còn nhớ như in trong quá khứ từng bị cơn sóng vỗ lật úp xuồng, cuốn trôi “đồ nghề” theo dòng nước. “Lúc đó trời tối đen, tôi ôm được chiếc can nhựa lội vào bờ, hô to để mọi người đến giúp, nhưng không ai nghe. Đồ đạc bị dòng nước lũ cuốn trôi mất hút, tôi phải bỏ tiền đầu tư lại để tiếp tục mưu sinh” - chị Vàng bồi hồi nhớ lại.

Giờ đây, đường sá thông suốt, giao thương thuận lợi, những chiếc ghe chành, ghe bầu miệt dưới chở hàng neo đậu tại chợ nổi Long Xuyên ngày càng ít dần. Nhiều người bán quán di động trên sông “giải nghệ” tìm việc khác, chỉ còn lại vài người bám trụ qua ngày. “Mỗi ngày, bán hơn 20 ly nước, kiếm thu nhập chưa tới 100.000 đồng, sau khi bỏ sở hụi. Dự tính kéo xuồng lên bờ bỏ nghề, lên tỉnh Bình Dương làm công nhân. Mong mỏi lớn nhất của tôi bây giờ là có việc làm ổn định nuôi thân, không phải cực khổ mưu sinh trên sông nước”- chị Vàng ước mơ.

Khi nắng lên nhanh, là lúc những chiếc quán di động hối hả trở về nhà sau buổi sáng mưu sinh trên sông. Theo đà phát triển, nhiều thương hồ chợ nổi sẽ lên bờ hoạt động, những người bán quán di động trên sông sẽ bỏ nghề tìm việc khác. 

Ngày trước, tại ngã ba sông Châu Đốc có nhiều chiếc xuồng cui dùng làm quán di động phục vụ thương buôn, ghe xuồng ngư dân khai thác cá trên sông. Giờ đây, mô hình hoạt động này ít dần theo thời gian. Vào mùa lũ, họ chạy rong ruổi trên sông bán nước giải khát, tô bún cá cho người dân sống trên ghe, tàu, sà lan. Ngoài ra, họ chạy dọc theo làng bè TP. Châu Đốc, cồn Tiên (thị trấn Đa Phước, huyện An Phú) rao bán nước uống, thức ăn. Nhờ nguồn thực khách trên sông, họ có thu nhập kha khá trong mùa nước nổi.

 

LƯU MỸ