Quan hệ Việt - Lào 'Vững bền hơn núi, hơn sông'

26/11/2020 - 03:27

Qua cuốn sách “Vững bền hơn núi, hơn sông” của nhà báo Nguyễn Thế Nghiệp, người đọc có dịp hiểu thêm vì sao quan hệ Việt - Lào lại đặc biệt như thế.

Tác giả Nguyễn Thế Nghiệp.

Nguyễn Thế Nghiệp, về tuổi tác, là thế hệ đàn anh của tôi. Khi tôi mới chập chững vào nghề, ông đã là phóng viên Việt Nam Thông tấn xã (nay là Thông tấn xã Việt Nam) đang tác nghiệp tại chiến trường Lào, với vai trò là chuyên gia giúp Khaosản Pathết Lào (Thông tấn xã Lào - KPL), hồi các lực lượng cách mạng ba nước Đông Dương chung một chiến hào chống Mỹ và tay sai. Tuy “lệch pha” về thế hệ, cả tuổi đời và tuổi nghề, lại xuất thân từ những “lò” đào tạo khác nhau, nhưng “cơ duyên” cùng chung nhiệm vụ giúp Lào đã gắn kết chúng tôi, khiến chúng tôi trở thành đồng nghiệp, làm việc bên nhau trong nhiều năm… 

Nguyễn Thế Nghiệp là người khiêm nhường, kín tiếng, cứ cần mẫn đọc, cần mẫn viết, giống như con tằm cần mẫn nhả tơ, và đã góp cho đời gần chục đầu sách, cả in riêng và in chung. Nghỉ hưu lâu rồi, và đã sát ngưỡng tuổi 80, ông vẫn đọc, vẫn gõ bàn phím vi tính. Tôi thực sự nể nhiệt tình viết và sức viết của ông, và hết sức vui khi được ông tin cậy, nhờ tôi là người đầu tiên đọc và góp ý bản thảo “Vững bền hơn núi, hơn sông”. 

Quan hệ Việt - Lào thật đặc biệt. Theo lời đồng chí Cayxỏn Phômvihản, cố Tổng Bí thư Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Bác Hồ chính là người dùng từ “đặc biệt” như một tính từ để chỉ tính chất đặc thù của mối quan hệ Việt - Lào. Có nhiều điều để nói về tính chất đặc biệt của mối quan hệ này và, thực tế, đã có hàng trăm đầu sách, hàng vạn bài báo viết về mối quan hệ đặc biệt Việt - Lào. Nhưng với “Vững bền hơn núi, hơn sông”, người đọc có dịp hiểu thêm vì sao quan hệ Việt - Lào lại đặc biệt như thế. Nếu xâu chuỗi lại tất cả những sự kiện, những câu chuyện có thật xảy ra từ thực tiễn của mối quan hệ liên minh đoàn kết chiến đấu sống chết có nhau giữa hai dân tộc, thì càng thấy rõ cái đặc biệt của mối quan hệ Việt - Lào mà không ở đâu và chưa khi nào, giữa hai nước láng giếng, lại có được mối quan hệ như thế. 

Đâu chỉ các sự kiện lịch sử quan trọng trong quan hệ giữa hai nước, đâu chỉ các thỏa thuận hoặc phát biểu của lãnh đạo hai nước về mọi vấn đề liên quan đến mối quan hệ này, ở tầm vĩ mô, mới minh chứng cho tính chất đặc biệt của quan hệ Việt - Lào. Những câu chuyện có thật, rất đời thường, ở tầm vi mô, xuất phát từ thực tiễn của liên minh đoàn kết chiến đấu Việt - Lào, mà nhân vật chính là những người dân, người lính cũng là những “mảnh ghép” làm sáng bừng bức tranh hữu nghị đặc biệt Việt - Lào.

Thời kháng chiến chống thực dân Pháp, một bản người Lào cho một đơn vị bộ đội tình nguyện Việt Nam đang trong cảnh hết sạch lương thực, lại cạn đường tiếp tế, vay thóc, gạo, lợn, gà, trâu, bò... với những giấy biên nhận viết tay. Đến khi có điều kiện, đại diện đơn vị mang hai ba lô tiền quay lại thanh toán, nhiều người dân không còn giữ được giấy biên nhận của bộ đội, và cũng không nhớ đã cho bộ đội vay những gì. Cuối cùng, ông trưởng bản đưa ra giải pháp dựa trên sự thật thà của người Lào: dân tự khai đã cho bộ đội vay gì và tự quyết định số tiền mình nhận, rồi viết biên nhận số tiền... Nguyên tắc tài chính không đúng, nhưng trong trường hợp này, nhất là giữa lúc chiến tranh, lòng tin giữa dân Lào và bộ đội Việt Nam đã trở thành “chứng từ”.

Hay chuyện một người phụ nữ Lào đang nuôi con nhỏ đã đồng ý cho sữa của mình cứu một thương binh quân tình nguyện đang trong tình trạng không thể ăn cơm hay cháo. Nhờ những giọt sữa người ân tình và quý giá này, người thương binh được cứu sống và ông đã giữ suốt đời mình chiếc sừng dê được dùng để đổ sữa cứu ông.

Rồi chuyện hai người chiến sĩ - một là quân tình nguyện Việt Nam, một là cán bộ vũ trang Pathết Lào - kết nghĩa với nhau, thề sống chết có nhau và nguyện nuôi con cho nhau, nếu chẳng may một người hy sinh. Người cán bộ Pathết Lào hy sinh. Người cán bộ quân tình nguyện Việt Nam đưa toàn bộ 6 đứa con nhỏ của người bạn Lào về Hà Nội để vợ ông nuôi cùng 6 đứa con đẻ của họ giữa thời bao cấp và chiến tranh khốn khó, cho đến khi trưởng thành, học hết đại học, rồi mới về Lào mà sau này, một trong những người con ấy, giữ trọng trách là lãnh đạo cao cấp ở Lào, vẫn quan tâm chăm lo cho người mẹ nuôi Việt Nam, như mẹ đẻ của mình.

Những câu chuyện sâu nặng tình người như thế - không phải tình người với lòng nhân ái thông thường của con người mà là một tình người thấm đẫm nghĩa tình được thử thách bằng cái sống và cái chết trong cuộc chiến đấu của hai dân tộc cùng chung chiến hào - cũng là những nét hết sức đặt biệt của mối quan hệ Việt - Lào.

Bìa cuốn sách “Vững bền hơn núi, hơn sông”

Sợi chỉ xuyên suốt “Vững bền hơn núi, hơn sông” và cũng là chủ đề cốt lõi của tác phẩm này là ca ngợi mối quan hệ đoàn kết gắn bó đặc biệt giữa hai nước anh em Việt - Lào trong sự nghiệp đấu tranh chống kẻ thù chung, cùng vì mục tiêu hòa bình, độc lập dân tộc, cũng như trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, cùng chung mục đích dân giàu, nước mạnh, mà mối quan hệ ấy, trải qua những thử thách khắc nghiệt của chiến tranh, nơi sự sống và cái chết trở thành thước đo mực thước của mỗi tấm lòng luôn sáng ngời đạo lý “vì nhau”, được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, mãi mãi bền hơn núi, hơn sông.

Trong “Vững bền hơn núi, hơn sông”, tác giả không làm công việc sắp xếp lại các sự kiện có liên quan đến quan hệ hữu nghị Việt - Lào theo dòng chảy lịch sử, với trình tự trước sau của thời gian, mà, như lời ông nói, ông sử dụng những câu nói bất hủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các nhà lãnh đạo hai nước về mối quan hệ này, như những “lát cắt ngang”, nghĩa là không theo trình tự thời gian hoặc không gian, được minh chứng, được lý giải bằng những sự kiện lịch sử hoặc những câu chuyện sống động, có thật, xảy ra trong thực tiễn của cuộc sống chiến đấu đầy hy sinh, gian khổ của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân hai nước luôn kề vai, sát cánh bên nhau, theo tinh thần “hạt gạo cắn đôi, cọng rau bẻ nửa”, để từ đó, làm sáng lên chân lý của một tinh thần quốc tế thật sự khiêm nhường và vô tư - “giúp nhân dân nước bạn tức là mình tự giúp mình”, như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh.

“Vững bền hơn núi, hơn sông” không phải là một tác phẩm văn học với cốt truyện được hư cấu, mà là một “bộ” sưu tập tư liệu lịch sử, tuy khiêm tốn về quy mô, nhưng khá phong phú về nội dung dữ liệu, trong đó những sự kiện, những số liệu, những câu chuyện liên quan đến quan hệ Việt - Lào đều là có thật, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, mà người viết, nếu không có những năm tháng công tác lăn lộn trên các chiến trường Lào, để từ đó luôn nồng cháy một tình yêu và lòng trân trọng đối với quan hệ Việt - Lào, nếu không am tường về lịch sử quan hệ Việt - Lào, không có vốn sống và hiểu biết về truyền thống, phong tục, tập quán và văn hóa của người Lào, và nếu không cần mẫn thu thập, rồi cẩn trọng chắt lọc những sử liệu tinh túy nhất, thì khó có thể thành công trong ý đồ tạo dựng thêm một tác phẩm về quan hệ Việt - Lào, trong khi độc giả đã được tiếp cận với rất nhiều sách, báo viết về mối quan hệ này, đặc biệt là bộ “Lịch sử quan hệ Việt Nam - Lào 1930 -2007”, gồm nhiều đầu sách được biên soạn công phu, dựa trên các căn cứ khoa học, được coi là pho sử chính thức, ở tầm quốc gia và quốc tế, về quan hệ Việt - Lào từ khi có Đảng Cộng sản Đông Dương. 

Bằng kinh nghiệm của một người làm báo chuyên nghiệp có thâm niên nghề hơn 40 năm, Nguyễn Thế Nghiệp đã dày công thu thập, thẩm định và chắt lọc thông tin về những sự kiện, những số liệu và những câu chuyện từ rất nhiều nguồn tư liệu khác nhau, rồi gọt giũa, chau chuốt, dựng thành tác phẩm “Vững bền hơn núi, hơn sông”, với mong muốn góp thêm một “viên gạch” xây nên tượng đài vĩnh cửu của quan hệ Việt - Lào.

Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Theo TTXVN